Tham dự có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 10 địa phương có đường biên giới với Lào.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, Quảng Nam có tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với tỉnh Sê Kông (Lào) dài hơn 157 km. Những năm qua, công tác quản lý biên giới đất liền luôn được các cấp, ngành quan tâm triển khai. Hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông thực hiện hiệu quả mô hình “Kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới”. Đến nay, có 35 thôn/10 xã biên giới thuộc huyện Tây Giang và Nam Giang kết nghĩa với 16 bản/3 cụm bản của huyện Kà Lừm và Đắc Chưng (Sê Kông). Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên được giữ vững. Cộng đồng dân cư hai bên biên giới có cơ hội xây dựng, củng cố mối quan hệ gần gũi, thân thuộc, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội.
Quảng Nam quan tâm tạo điều kiện để nhân dân các bản biên giới của tỉnh Sê Kông sang khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế huyện Tây Giang và Nam Giang. Dân cư sinh sống ở vùng biên giới Việt Nam - Lào chủ yếu là các dân tộc ít người, mật độ dân cư khá thưa thớt. Một số ít bộ phận dân cư sống du canh du cư, trình độ lạc hậu, chưa có ý thức rõ ràng về biên giới, lãnh thổ. Điều này gây không ít khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ đường biên giới cũng như công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào năm 1977, hai bên đã phối hợp phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới. Đáng chú ý, từ năm 2008 - 2016, Việt Nam và Lào phối hợp xác định và xây dựng được 905 vị trí, tương ứng với 1.002 cột mốc. Để ghi nhận thành quả này, Việt Nam và Lào đã phối hợp hoàn thành việc xây dựng và ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào vào ngày 16/3/2016; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào để thay thế cho Hiệp định về Quy chế biên giới quốc gia Việt Nam - Lào ký ngày 1/3/1990 và Nghị định thư sửa đổi hiệp định ký ngày 31/8/1997.
Theo ông Nguyễn Minh Vũ, trên cơ sở hiệp định đã ký kết, hai bên đã thiết lập cơ chế song phương để phối hợp quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới từ Trung ương đến địa phương. Đáng chú ý là hai bên duy trì chế độ tuần tra song phương, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cấp, ngành để giải quyết ổn thỏa những vấn đề phát sinh; kịp thời phát hiện các cột mốc bị hư hỏng hoặc khu vực có nguy cơ sạt lở cao, báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp. Hai bên ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm đường biên, mốc giới, vi phạm quy chế biên giới. Qua đó, góp phần giữ ổn định đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới giữa Việt Nam và Lào; tạo điều kiện cho phát triển khu vực biên giới nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Tại hội nghị, đại diện Bộ đội Biên phòng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Ban Tuyên giáo Trung ương và các địa phương đã phát biểu, nêu giải pháp nâng cao công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đặt vòng hoa và dâng hương tại Tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng...