Đi đầu đổi mới, sáng tạo trong cải cách hành chính
Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nêu rõ, Hải Phòng luôn được Chính phủ, Bộ Nội vụ đánh giá là địa phương có nhiều ý tưởng, sáng kiến tốt được ghi nhận và các địa phương khác đến chia sẻ, học tập. Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện một số chủ trương đổi mới về quản lý cán bộ, công chức, viên chức (thi tuyển để bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; tuyển dụng công chức theo hình thức thi trực tuyến, trắc nghiệm trên máy tính, phỏng vấn...); thực hiện các chủ trương thí điểm của Trung ương trong hoạt động xây dựng chính quyền, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước (như thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp; hợp nhất Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề quận, huyện...); thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố- mô hình một cửa về đầu tư công cấp thành phố; hoàn thành sớm việc áp dụng ISO 9001:2008, ISO 9001:2015 gắn với giải quyết thủ tục hành chính tại 100% các cơ quan Nhà nước.
Mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với tổ chức, nhân dân có tiến bộ rõ nét, người dân có tiến bộ rõ rệt, ngày càng tham gia nhiều hơn vào việc giám sát những hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và cơ bản đồng thuận, ủng hộ các chủ trương, đường lối, chính sách phục vụ phát triển kinh tế, xã hội thành phố... Điển hình nhất là việc thành phố triển khai, hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 5.870 ha đất của 556 tổ chức và hơn 53.000 hộ gia đình, cá nhân để phục vụ 370 dự án, trong đó có 10.127 hộ phải bố trí tái định cư. Thành công lớn nhất trong quá trình thực hiện đó là cơ bản không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, được nhân dân đồng thuận.
Sự khác biệt trong đổi mới, sáng tạo, đột phá về cải cách hành chính đã đưa Hải Phòng bứt phá mạnh mẽ, với những con số ấn tượng như: Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn thành phố 5 năm từ 2016-2020 tăng bình quân 14,9%/năm, gấp 1,42 lần mục tiêu đề ra và gấp 2,2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, tổng vốn FDI đăng ký giai đoạn 2016-2020 ước đạt 9,66 tỷ USD, gấp 1,38 lần giai đoạn 2011-2015. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thành phố năm 2019 đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số cải cách hành chính của Hải Phòng năm 2019 đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố và tiếp tục giữ vị trí tốp 5 tỉnh, thành phố đứng đầu trên bảng xếp hạng. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2019, Hải Phòng thuộc nhóm tỉnh, thành phố có điểm số tốt với 68,73 điểm, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố, cao hơn 6 bậc so với năm 2018...
Về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, các ngành và lực lượng chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng đã vào cuộc tích cực, đồng bộ, triển khai nhiều phương án, kế hoạch cụ thể và có sự kết hợp chặt chẽ thường xuyên giữa các lực lượng chức năng. Kết quả, tổng số vụ xử lý hành chính năm 2019 là 10.163 vụ (giảm 2%); số vụ xử lý hình sự là 33 vụ (tăng 50%), thu nộp ngân sách Nhà nước trên 458 tỷ đồng... Sáu tháng đầu năm 2020, xử lý 3.813 vụ (giảm 27,36%), thu nộp ngân sách Nhà nước gần 168 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong việc triển khai công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 và công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả của thành phố; đồng thời kiến nghị, đề xuất với Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung và thay thế các Nghị định liên quan đến cải cách hành chính và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả...
Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác chống buôn lậu
Lắng nghe ý kiến của đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả trong công tác cải cách hành chính thành phố Hải Phòng giai đoạn từ năm 2011 đến nay, có nhiều chuyển biến rõ rệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đặc biệt, Chính phủ, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ghi nhận thành phố Hải Phòng luôn là một trong số các địa phương đi đầu, có nhiều cơ chế, mô hình, sáng kiến, cách làm mới, sáng tạo, đột phát, phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính được gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, ưu tiên những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của từng lĩnh vực, trong từng giai đoạn, thời gian cụ thể.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng ghi nhận tinh thần chỉ đạo quyết liệt có hiệu quả của lãnh đạo thành phố Hải Phòng và các cấp chính quyền địa phương với những quyết sách tiên phong, quyết liệt trong phòng, chống dịch COVID-19, góp phần không nhỏ vào thành công chung của cả nước. Hải Phòng đã tích cực thực hiện "mục tiêu kép", ngoài phòng chống dịch hiệu quả còn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế và đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước...
Từ thực tế, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị UBND thành phố Hải phòng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung nhiệm vụ công tác cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, gắn đẩy mạnh công tác cải cách hành chính với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đối với thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình lưu ý, tiềm năng và nội lực của Hải Phòng còn rất lớn. Những kết quả trên đây bước đầu là rất đáng tự hào, tuy nhiên phần nào vẫn chưa tương xứng với vị thế và lợi thế của thành phố. Trong thời gian tới, thành phố phải tiếp tục là địa phương đi đầu trong triển khai, thực hiện công tác cải cách hành chính; không chỉ thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tại thành phố mà còn phải tiếp tục đóng góp những cơ chế mô hình, sáng kiến, cách làm mới, đột phát đi đầu để các tỉnh, thành phố khác tham khảo, học tập; phải xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm.
Trong công tác cải cách thể chế, thành phố Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cần nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiếp cận nhanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về "Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia".
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Hải Phòng tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và gắn kết chặt với tinh giản biên chế theo đúng quy định. Tổ chức triển khai xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững. Trước mắt, tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg; Quyết định số 293/QĐ-TTg; rà soát lại việc tổ chức dịch vụ công trực tuyến kết hợp với việc rà soát thủ tục hành chính, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình, giải pháp triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiệu quả, tiết kiệm; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019.
Hải Phòng tích cực làm tốt công tác phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong thực hiện kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN trên các tuyến cửa khẩu. Đẩy nhanh tiến độ tự động hóa trong công tác kiểm soát xuất nhập cảnh. Đẩy nhanh việc triển khai thực hiện tự động hóa trong công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát biên phòng đối với hoạt động của người, phương tiện tại cửa khẩu. Gắn công tác cải cách hành chính với quản lý Nhà nước hiệu quả, thiết thực, đảm bảo chặt chẽ, đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính và hội nhập quốc tế...
Về kiến nghị, đề xuất của UBND và Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hải phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình ghi nhận, giao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ, Bộ đội Biên phòng, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu, trả lời hoặc xử lý để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy cải cách hành chính cũng như công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Trong chuyến công tác tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Đoàn công tác đã đi thị sát, kiểm tra trực tiếp công tác cải cách hành chính và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại Biên phòng Cửa khẩu Cảng - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng và bộ phận một cửa quận Ngô Quyền; thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.