Theo đánh giá của BCĐ 389 Quốc gia, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại vẫn đang diễn ra rất phức tạp.
Đặc biệt lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, nhiều đối tượng đã đầu cơ, tăng giá mặt hàng khẩu trang bán trong nước và xuất lậu sang nước ngoài để kiếm lời. Điển hình vụ tháng 3/2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phát hiện vụ xuất lậu gần 800.000 khẩu trang y tế; Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện 1 cơ sở đang đóng gói hơn 1.300 bộ quần áo bảo hộ y tế mua trôi nổi trên thị trường, dán nhãn một công ty có thương hiệu tại Hà Nội để chuẩn bị tiêu thụ ra thị trường...
Thời gian qua, các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng (vải, quần áo, giày dép), bánh kẹo, thuốc lá, pháo nổ, dược liệu...từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu Quốc gia và các đường mòn, lối mở. Đáng chú ý, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vẫn diễn biến phức tạp (điển hình vụ tháng 3/2020, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã thu giữ 473 kg ma túy tổng hợp, bắt giữ 7 đối tượng).
Trên tuyến biên giới, địa bàn các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên, hoạt động buôn lậu chủ yếu là rượu ngoại, đường, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, lâm sản, pháo nổ, đồ chơi trẻ em; buôn bán, vận chuyển trái phép sản phẩm của động vật hoang dã, quý hiếm (vẩy tê tê, các sản phẩm từ ngà voi...) từ Lào và Campuchia vào Việt Nam.
Còn ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ như: Long An, Đồng Tháp, An Giang, các đối tượng lợi dụng địa hình sông nước, kênh rạch chằng chịt đã vác bộ, sử dụng xe gắn máy hoặc xuồng máy công suất lớn, cơ động, chạy với tốc độ cao nên việc bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn.
Trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, lực lượng chứ năng đã xử lý các hành vi vận chuyển hàng hóa trái pháp luật, hàng cấm, hàng gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao, dễ cất giấu như ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, điện thoại, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, xì gà...Thủ đoạn phổ biến vẫn là cất giấu hàng trong hành lý mang theo khi nhập cảnh. Khi bị phát hiện, đối tượng bỏ hàng, không làm thủ tục nhận hàng; không trực tiếp vận chuyển mà thuê những người có hoàn cảnh khó khăn vận chuyển thay; lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để buôn hàng cấm và hàng nhập khẩu có điều kiện.
Tại tuyến biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu vẫn xảy ra phức tạp, trọng điểm tại vùng biển Đông Bắc, biển miền Trung và vùng biển Tây Nam.
Theo BCĐ 389 Quốc gia, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả trong thị trường nội địa gia tăng. Hàng giả chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc tđã nhập lậu vào Việt Nam dưới dạng thành phẩm hoặc nguyên liệu để đóng gói trong nước, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng; làm thiệt hại không nhỏ đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thời gian tới, Văn phòng BCĐ 389 lưu ý các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện các thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các vụ vi phạm, không chạy theo sự vụ.
Các lực lượng sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm.