Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Nghiêm khắc phê bình chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu
Tại cuộc họp, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo về tình trạng, nguyên nhân hư hỏng mặt đường tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và các biện pháp khắc phục.
Theo đó, Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng chiều dài 139,204 km, đi qua địa bàn 3 địa phương là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Đoạn tuyến đầu tư bằng nguồn vốn vay JICA có chiều dài 65 km (từ Km 0+00 đến Km 65+00) đã được hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 8/2017. Tháng 9/2018, dự án được đưa vào khai thác toàn tuyến. Cuối tháng 9/2018, bắt đầu xuất hiện một số vị trí hư hỏng cục bộ mặt đường bê tông nhựa tại một số dự án trên đoạn từ Km 0+00 đến Km 65+00.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, VEC và các đơn vị liên quan chưa chủ động xử lý, sửa chữa kịp thời, đồng thời chưa có biện pháp phân làn, bù lấp ổ gà nên các vị trí hư hỏng đã phát triển thêm. Sau khi có phản ánh của các cơ quan báo chí, VEC mới tiến hành sửa chữa tạm để đảm bảo giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải đã cử các đoàn công tác kiểm tra hiện trường, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc VEC khẩn trương kiểm tra, rà soát thống kê đầy đủ các vị trí hư hỏng, xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp xử lý kịp thời, triệt để.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là công trình quan trọng trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực miền Trung, giảm tải cho Quốc lộ 1A, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đưa vào khai thác, đoạn từ Km 0+00 đến Km 65+00, công trình đã xảy ra hiện tượng hư hỏng mặt đường. Chỉ sau khi báo chí phản ánh, chủ đầu tư và các nhà thầu mới tiến hành sửa chữa tạm, gây bức xúc trong dư luận.
“Nghiêm khắc phê bình chủ đầu tư, đặc biệt là các nhà thầu đã không theo dõi, giám sát chặt chẽ, chậm khắc phục sự cố”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Chủ đầu tư, nhà thầu chịu trách nhiệm sửa chữa
Để khắc phục nhanh, đáp ứng yêu cầu hoạt động vận tải thông suốt, an toàn, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng, các đơn vị tư vấn khẩn trương làm rõ nguyên nhân cả chủ quan, khách quan của các hư hỏng mặt đường bê tông nhựa, có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn cho các phương tiện giao thông.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng, Chủ đầu tư (VEC) các đơn vị tư vấn làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân (nhà thầu thi công, tư vấn giám sát…) liên quan đến các hư hỏng nêu trên, xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Do Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đang trong thời gian bảo hành, trách nhiệm sửa chữa hoàn toàn thuộc về nhà thầu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị liên quan và các nhà thầu thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ trong quá trình khai thác, kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
“Chủ đầu tư, các nhà thầu phải có trách nhiệm theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý các hư hỏng ngay khi mới phát sinh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Được biết, trong vài ngày tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cử đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá kết quả xử lý tại các điểm hư hỏng vừa qua; đồng thời tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.