Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các lực lượng chức năng bằng mọi cách kêu gọi, khẩn trương di chuyển các tàu ra khỏi vùng nguy hiểm. Các đơn vị cần kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè, tình hình sơ tán dân, không để bất kỳ người dân nào ở lại khu vực nước ngập sâu, gió mạnh và nhà yếu, đồng thời cưỡng chế không để người dân nào quay trở lại. Cùng với đó, các lực lượng chức năng kiểm tra lại việc gia cố cửa, vật dụng dễ bị ảnh hưởng do bão nhằm tránh gây tai nạn cho người dân trong nhà tránh trú bão.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên tiếp tục chủ động di dời dân. Các địa phương cần triển khai rà soát an toàn hồ đập, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự tại khu vực người dân sơ tán, tập trung, trong thời gian bão đổ bộ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 4, Quân khu 5, lực lượng dự phòng Quân khu 7 và Quân khu 3, tất cả các lực lượng vũ trang trên địa bàn có trách nhiệm cùng các bộ, ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, trang thiết bị để chủ động, thực hiện ứng phó, tìm kiếm cứu nạn kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần bàn kỹ phương án để tìm kiếm 26 thuyền viên đang gặp nạn trên biển.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Tiền phương ứng phó với bão số 9, vào 6 giờ ngày 28/10, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 300 km, cách Quảng Nam 220 km, cách Quảng Ngãi 190 km, cách Phú Yên 180 km; gió cấp 13, giật cấp 16. Về gió, dự báo từ Đà Nẵng - Bình Định: gió cấp 11-13, giật cấp 15; Thừa Thiên Huế, Phú Yên: gió cấp 8-10, giật cấp 12; Kon Tum, Gia Lai: gió cấp 7-8, giật cấp 10; Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa: gió cấp 6-7, giật cấp 10. Về thực đo: Tại Quảng Ngãi: Lý Sơn gió cấp 9, giật cấp 11, Bình Châu gió cấp 8, giật cấp 9; Quảng Trị: Cồn Cỏ gió cấp 7, giật cấp 9; Quảng Nam: Cù lao Chàm gió cấp 4, giật cấp 7; Đà Nẵng: gió cấp 3; Bình Định: An Nhơn cấp 4; các nơi khác gió dưới cấp 4.
Về mưa: Dự báo từ 28 - 29/10, từ Thừa Thiên Huế - Phú Yên mưa 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên mưa 150-250mm/đợt; từ 28-31/10, Nam Nghệ An và Hà Tĩnh mưa 500-700mm/đợt, Quảng Bình - Quảng Trị mưa 200-400mm/đợt. Thực đo, từ 19 giờ ngày 27/10 đến 4 giờ ngày 28/10, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa 50-150mm, riêng Quảng Ngãi có nơi mưa trên 200mm; một số trạm mưa lớn như: Trà Hiệp (Quảng Ngãi) mưa 253mm, Trà Thanh (Quảng Ngãi) mưa 242mm, Khe Tre (Thừa Thiên Huế) mưa 154mm, Tam Trà (Quảng Nam) mưa 139mm. Sóng và nước dâng từ 7,5 – 9,5m trên vùng biển Đà Nẵng đến Phú Yên.
Về tình hình tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản: Đến 6 giờ ngày 28/10, toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Riêng tỉnh Bình Định còn 46 tàu/368 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Các địa phương chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với ngành Giao thông tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông. Các địa phương từ Thừa Thiên Huế - Bình Định cấm các phương tiện lưu thông từ tối 27/10; các công sở, nhà máy, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc ngày 28/10, trừ các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng chống thiên tai.
Về hồ chứa, hiện các hồ chứa trong 10 liên hồ chứa đã đưa về mực nước trước lũ theo quy định, riêng hồ Đăk Ring trên lưu vực sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi) hiện lớn hơn mực nước cao nhất trước lũ (dự kiến đến chiều 28/10 sẽ đưa về mực nước quy định). Cụ thể, lưu vực sông Hương: Hương Điền: 53,83/58m; Bình Điền: 77,68/85m; Tả Trạch: 36,37/45m . Các hồ tiếp tục xả để hạ thấp mực nước; hồ Kẻ Gỗ: 29,14/32,5m.
Thiệt hại ban đầu, ngoài 2 tàu bị chìm của Bình Định, hiện chưa có thông tin thêm.