Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tự chủ về tài chính mới được tự chủ về biên chế

Sáng 7/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập đã làm việc với các Bộ Giao thông Vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Giảm đầu mối tổ chức

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo báo cáo của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, giai đoạn 2011 – 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện tương đối đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ theo hướng giảm mạnh đầu mối tổ chức, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp và cơ quan chủ quản.

Hiện Bộ có 68 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 20 đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên, 42 đơn vị thực hiện tự chủ một phần chi thường xuyên, 6 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Tổng số người làm việc trong các đơn vị này năm 2016 là 9.639 người, tăng 337 người so với thời điểm năm 2011, trong đó tăng chủ yếu là người làm việc hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP (tăng 670 người). Từ năm 2015 đến hết năm 2016, Bộ đã tinh giản biên chế đối với 91 người, trong đó khối sự nghiệp là 69 người.

Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, tính đến năm 2016, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực Bộ được giao quản lý là 533 đơn vị; trong đó các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ là 97 đơn vị (tăng 10 đơn vị so với năm 2016), các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành tài nguyên và môi trường tại các địa phương (theo báo cáo của 56 tỉnh) là 436 đơn vị, giảm 190 đơn vị so với năm 2011.

Trong số 436 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, 18 đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, 83 đơn vị đảm bảo tự chủ chi thường xuyên, 252 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên và 104 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Bộ được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm với 95/97 đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, trong đó 67 đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động, 13 đơn vị bảo đảm một phần kinh phí hoạt động, 15 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm. Tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ là 9.984 người, trong các đơn vị sự nghiệp ở 56 địa phương là 22.613 người.

Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho thấy, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý là 67, trong đó 4 đơn vị tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên, 8 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, 53 đơn vị tự chủ một phần và 2 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 15.421 người.

Số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là 70, trong đó có 2 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, 67 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên, 1 đơn vị do ngân sách đảm bảo chi, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết. Trong đó, đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc Bộ có 38 trường với gần 6.500 người; 11 viện về khoa học công nghệ hơn 4.900 viên chức; 13 ban là đơn vị sự nghiệp về kinh tế chức có 893 viên chức; bệnh viện có 2 đơn vị có 456 viên chức; báo chí và 10 đơn vị sự nghiệp khác với 113 biên chế được giao. Ngoài ra, còn có 11 đơn vị sự nghiệp thuộc 3 Tổng cục, 27  đơn vị sự nghiệp thuộc các cục và Văn phòng  Bộ. Các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành tại 63 tỉnh  thành có 552. Đến nay, Bộ đã tinh giản biên chế 488 viên chức của đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ.

Đánh giá của các bộ cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã đạt được một số kết quả nhất định, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rõ ràng hơn. Thu nhập của các cán bộ, nhân viên ở một số lĩnh vực được cải thiện hơn so với khu vực hành chính. Một số đơn vị sự nghiệp công lập đã có điều kiện để tự tăng đầu tư từ nguồn kinh phí tự chủ của mình cho việc trang bị thiết bị mới, hiện đại, mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng... Nhờ đó, chất lượng dịch vụ do các đơn vị công lập cung cấp từng bước được nâng lên.

Các đơn vị sự công đang nửa bao cấp, nửa thị trường

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tuy nhiên, những bất cập, hạn chế cũng được các bộ chỉ ra, đó là khối sự nghiệp giáo dục còn nhiều đầu mối, chưa hợp lý. Khối sự nghiệp khoa học - công nghệ còn phân tán, chưa thống nhất. Chất lượng viên chức còn hạn chế, một số vị trí chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt vẫn còn một số lĩnh vực thiếu các chuyên gia đầu ngành. Một số đơn vị chưa năng động đẩy mạnh tự chủ tự chịu trách nhiệm về tổ chức, thực hiện nhiệm vụ cũng như về tài chính.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, một số đơn vị sự nghiệp công lập khi mở rộng hoạt động dịch vụ còn chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu... Trong một số lĩnh vực, số lượng đơn vị tự chủ toàn diện còn ít, mức độ tự chủ thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Bùi Văn Thạch nhận định, bước chuyển của các đơn vị sự công vẫn đang lơ lửng, nửa bao cấp, nửa thị trường, chưa rõ ràng. Vì thế, biên chế của khu vực sự nghiệp quá lớn, tới 2,2 triệu người, trong khi đó hệ thống công chức trong hệ thống chính trị chỉ khoảng 500.000 người. Đây là lý do đề án cải cách tiền lương không thực hiện được vì không có nguồn. Muốn cải tiến tiền lương trong hệ thống hành chính, cần giảm ở đơn vị sự nghiệp. Cần đặt các đơn vị sự nghiệp công lập sang trạng thái thị trường ở mức độ nhất định. Những dịch vụ công thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, Nhà nước phải lo, còn lại, cơ bản phải chuyển sang cơ chế thị trường.

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng hơn 30 năm đổi mới nhưng hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập gần như giữ nguyên như thời bao cấp, chỉ có “đẻ” thêm làm nặng gánh Nhà nước chứ không phải tinh giản gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Tự chủ nên quan tâm nhiều đến khái niệm quản lý và hiệu quả, không phải tự chủ gắn với khái niệm tự lo lương, lo tiền, mà đảm bảo tài chính là phải tăng quyền. Có ý kiến cho rằng, giảm chi thường xuyên không có nghĩa là giảm tiền cho khu vực đó, mà là giảm chi từ ngân sách nhà nước nhưng tăng chi từ các nguồn khác, từ xã hội hóa.

Chuyển phí thành giá, tính đúng, tính đủ

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần tiếp tục rà soát sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập của 4 bộ theo hướng giảm đầu mối, tinh giản biên chế, bộ máy để giảm kinh phí thường xuyên hàng năm nhưng mục tiêu phải đảm bảo tăng cường cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Sắp xếp lại không phải bài toán đơn giản là cắt giảm cơ học mà mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu lực và chất lượng trong cung ứng dịch vụ công, đảm bảo cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các dịch vụ sự nghiệp công.

Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công thuộc ngành và Bộ cần làm rõ tiêu chí, căn cứ quy hoạch mạng lưới. Các bộ đã được phê duyệt quy hoạch, sẽ phải rà soát lại mạnh mẽ hơn, giải pháp phải đột phá hơn, tinh lại bộ máy, tinh lại biên chế nhưng phải tăng cường năng lực, biến số lượng thành chất lượng.

Khẳng định tự chủ tài chính mới tự chủ được về biên chế, tổ chức, Phó Thủ tướng nêu rõ “không thể không tự chủ được về tài chính mà đòi trao quyền quá nhiều về xác định biên chế và tuyển dụng cán bộ, nhân viên. Mức độ tự chủ khác phụ thuộc vào mức độ tự chủ về tài chính. Lấy tự chủ tài chính để phân loại đơn vị sự nghiệp công lập”.

Để tự chủ về tài chính được, Phó Thủ tướng khẳng định quan trọng nhất là vấn đề phí và giá. Điều kiện then chốt nhất để chuyển sang xã hội hóa và tự chủ tài chính là lộ trình phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ hoặc phải chuyển từ phí sang giá, phí nào chuyển thành giá. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ đánh giá lại việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công theo Quyết định 22/2015/QĐ-TTg; lập danh mục dịch vụ sự nghiệp công phải đảm bảo bằng ngân sách nhà nước (hiện mới có danh mục Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ làm rõ cơ chế đầu tư của Nhà nước nên tập trung vào lĩnh vực nào, danh  mục nào để ra tấm ra món, tránh phân tán, dàn trải; làm rõ phương thức phân bổ và cấp phát của ngân sách nhà nước, cấp phát hay phân bổ, phân bổ cho ai, cho đơn vị cung cấp dịch vụ hay người chi trả dịch vụ. Ban Kinh tế Trung ương có định hướng chuyển, thay cho việc cấp phát trực tiếp cho đơn vị trước đây bằng trả trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ để họ trả cho đơn vị sự nghiệp công, Phó Thủ tướng cho hay.

Nhấn mạnh mục tiêu sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập một cách triệt để theo nguyên tắc tinh giản biên chế, đội ngũ, từ đó giảm được phần ngân sách nhà nước cấp, Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm không có nghĩa là không lo cho khu vực sự nghiệp công mà là để tránh cấp không đúng, dàn trải, phân tán lãng phí. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao được độ tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công, năng lực cung ứng dịch vụ và chất lượng dịch vụ công. Sắp xếp lại, thu gọn đầu mối để giải phóng nguồn lực đất đai, tài sản, nhân lực.

“Biên chế tăng lên không phải do công chức, viên chức, hợp đồng lao động mới nhiều”, Phó Thủ tướng khẳng định. Theo Phó Thủ tướng, không phải đưa giá dịch vụ lên cao chót vót là tự chủ tài chính, điều này liên quan đến ngân sách nhà nước và khả năng chi trả người dân, đến yếu tố kiểm soát vĩ mô. Không phải viện nào cũng chuyển thành xã hội hóa, trường nào cũng có thể tự chủ tài chính.
      
Chu Thanh Vân (TTXVN)
Đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải hạch toán như doanh nghiệp
Đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải hạch toán như doanh nghiệp

Đề cập đến khía cạnh đổi mới cơ chế quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Nhà nước sẽ không đầu tư kinh phí theo kiểu cào bằng như trước đây. Các đơn vị phải tự chủ hạch toán kinh phí như một doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN