Ngày 4/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2018, xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.
Xây dựng nông thôn mới và tỷ lệ tái nghèo không đồng đều
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, trong năm 2018, nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt gần 59.800 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương dành hơn 16.000 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách địa phương là trên 43.700 tỷ đồng, nguồn vốn huy động hỗ trợ từ phía đối tác phát triển cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ireland cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 là 3 triệu euro.
Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng đã thực hiện đầu tư tín dụng trên địa bàn các xã toàn quốc, góp phần thúc đẩy thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt gần 187.800 tỷ đồng, tăng 16.000 tỷ đồng so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn. Đến hết năm 2018, cả nước có 3.838 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43,02% tổng số xã của cả nước. Bình quân cả nước đạt 14,57 tiêu chí/xã. Có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn khoảng 5,35%, trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 35%.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, từ hơn 15.200 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào tháng 1/2016, đến hết tháng 12/2018, số nợ này đã giảm 95,7%, chỉ còn 651,8 tỷ đồng. Hải Phòng là địa phương tự cân đối ngân sách còn nợ 195,2 tỷ đồng và còn 7 tỉnh có số nợ đọng trên 40 tỷ đồng là Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Bình và Phú Thọ. Hiện có 50 tỉnh, thành phố cơ bản đã xử lý xong và không còn nợ đọng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nếu không có chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở những địa bàn kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số sẽ không xây dựng được nông thôn mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng này cũng chỉ ra tồn tại cố hữu là xây dựng nông thôn mới và tỷ lệ tái nghèo không đồng đều, tập trung ở nút thắt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong cùng một địa phương, chênh lệch giữa xã phát triển, xã khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi doãng ra trông thấy.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trước tình hình nợ đọng trên, Chính phủ đã có quyết sách cho phép chính quyền địa phương được sử dụng 8% kinh phí đấu giá quyền sử dụng đất thu được ở cấp xã dành cho nông thôn mới. Sau đó có tình trạng có xã không đấu giá đất được nên đã điều chỉnh quy định, số kinh phí này tập trung về cấp tỉnh để điều hòa chung. Vấn đề là việc thực hiện như thế nào để đảm bảo các xã vùng sâu, vùng xa cũng được hưởng lợi.
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với hộ nghèo của toàn quốc tăng lên, bằng chứng là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại chiếm 52,7% số hộ nghèo cả nước. Tỷ lệ giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm chậm hơn tỷ lệ giảm nghèo của cả nước. Ông đề nghị Chính phủ cần tăng cường nguồn lực tài chính, tín dụng để cho vay thoát nghèo thông qua cơ chế của Ngân hàng Chính sách xã hội, thay vì là cho không hay là hỗ trợ lãi suất sẽ không đủ khích lệ ý thức thoát nghèo của người dân.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết tín dụng chính sách đã phát huy vai trò trong thực tiễn. “Đối với các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn thì chỉ cần chút phí, lãi suất 0,1%/năm và tổ tiết kiệm đôn đốc thu phí thì hiệu quả hơn nhiều so với việc nhà nước hỗ trợ lãi suất, phí. Nếu cho vay không lãi suất thì khéo trong thời hạn 5 năm vay thì cán bộ tín dụng và hộ nghèo không gặp nhau được một lần nào thì khó biết dân làm ăn ra sao”, ông Thắng bày tỏ.
Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, năm 2018, đầu tư của ngân sách cho hai chương trình rất nhỏ lẻ nhưng nhờ huy động sức mạnh của cả cộng đồng vào cuộc đã tạo thành công cho chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Ông cũng đề cập đến việc chống tái nghèo phải tập trung vào hai nhóm vấn đề. Tái nghèo cao tập trung vào vùng thiên tai, bão lũ, đây là vấn đề bất khả kháng. Ngược lại, có tình trạng những tỉnh phát triển kinh tế rất tốt nhưng tỷ lệ tái nghèo cao do thực hiện tách hộ, tách bố mẹ ở riêng, cho hưởng chính sách hộ nghèo, chính sách làm nhà. “Chúng ta phải thực hiện công tác tư tưởng, ai lại tách bố mẹ ra, làm cái nhà chòi nho nhỏ để hưởng chính sách mới, không chấp nhận được, kể cả về đạo lý”, Bộ trưởng nói và cho rằng phải sử dụng nhiều phương án, cách tiếp cận khác nhau để xử lý.
Thực hiện thành công 2 phong trào thi đua lớn
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, năm 2018, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu trong chương trình do Trung ương, Quốc hội và Chính phủ giao, điều này góp phần quan trọng vào việc cả nước hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Nhắc lại một số chỉ tiêu, Phó Thủ tướng nêu lên điểm nổi bật là trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân và chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện và công nhận trên cơ sở siết chặt xét duyệt các tiêu chí cứng và 2 tiêu chí “mềm” là bảo đảm 100% số xã, huyện không nợ đọng xây dựng cơ bản và trên 90% người dân bày tỏ hài lòng. Trên cả nước đã xuất hiện nhiều vùng quê đáng sống.
Nguyên nhân đạt được thành công, theo Phó Thủ tướng, là do triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp liên quan đến hoàn thiện thể chế chính sách, nghiên cứu, tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều sáng kiến, sáng tạo. Ban Chỉ đạo đã có cách làm bài bản, khoa học, tổ chức các hội thảo toàn quốc liên quan tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn bản, chương trình mỗi xã một sản phẩm và nông thôn mới gắn với phát triển du lịch.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ và tổ chức thực hiện thành công 2 phong trào thi đua lớn là “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” và cuộc vận động “Chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau”, tạo ra sự vào cuộc lớn của cả hệ thống chính trị.
Nhấn mạnh năm 2019, tinh thần chung là các lĩnh vực phải bứt phá thì 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cũng phải bứt phá, Phó Thủ tướng đặt mục tiêu phải hoàn thành và vượt 50% số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu 70 huyện và xem xét một số tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bảo đảm không có hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo. Những nơi đã giảm nghèo thì tiếp tục giảm nhanh hơn nữa, những địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì phải chuyển sang nông thôn mới kiểu mẫu. Các thể chế, chính sách phải được tính toán, hạn chế tái nghèo, đặc biệt là chống trục lợi chính sách, thay đổi thể chế chính sách để người dân ít ỷ lại, trông chờ.
Phó Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành cụ thể hóa các chỉ tiêu giảm nghèo, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới ở các vùng khó khăn; giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2019. Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất nâng mức cho vay hộ nghèo, tập trung khắc phục tình trạng tín dụng đen ở nông thôn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai ngay chương trình áo ấm mùa đông cho người già và trẻ em ở vùng cao; đánh giá chuẩn nghèo đa chiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cho đối tượng là trẻ em. Các bộ, ngành bắt tay xây dựng khung khổ thể chế cho giai đoạn sau, nhất là giai đoạn 2021- 2020 cho 2 chương trình, tích hợp các chính sách về dân tộc ở vùng cao, vùng khó khăn.