Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, Bộ cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tập trung xây dựng, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều vấn đề vướng mắc đã được khai thông. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới…
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực xây dựng tiêu chí mới về cộng đồng học tập, mô hình học tập suốt đời, với sự tham gia của các trường đại học, nhân rộng các điển hình tiên tiến. “Chúng tôi cũng chỉ đạo số hóa các chương trình đào tạo, đưa lên Hệ tri thức Việt số hóa để mọi người tiếp cận được”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy nhanh tiến độ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới, tăng cường công tác truyền thông nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về đổi mới giáo dục cho người dân, cộng đồng, xã hội. Ngoài ra, Bộ cũng cần sớm hướng dẫn nâng chuẩn giáo viên mầm non, đẩy mạnh phân luồng đào tạo nghề từ bậc trung học cơ sở, đổi mới cơ chế tài chính để theo kịp sự phát triển của giáo dục, nhất là bậc đại học.
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành hướng dẫn về xây dựng cộng đồng học tập, đánh giá hiệu quả và kiện toàn các trung tâm giáo dục cộng đồng; đồng thời kiểm tra chặt chẽ quy trình biên soạn các bộ sách giáo khoa theo chương trình mới.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo theo sát quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; cung cấp thông tin đầy đủ, trước hết cho các cơ quan, bộ, ngành để hình dung được bức tranh tổng thể về đổi mới giáo dục; qua đó khẳng định sự đúng đắn của Nghị quyết và nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực tham gia, giải trình thuyết phục, tăng cường truyền thông về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); tập trung xây dựng các nghị định để hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Về thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Phó Thủ tướng nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tập trung biên soạn một bộ sách giáo khoa chính thống theo đúng nghị quyết của Quốc hội; tách bạch khâu biên soạn nội dung với khâu in ấn, phát hành.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý trong quá trình chuẩn bị kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia cần “đặt hàng” chuyên gia về mọi tình huống có thể xảy ra. Đề thi mẫu cần chuẩn bị tốt. “Từ kinh nghiệm của các trường nghề, các trường đại học cần tiến tới phương án tuyển sinh nhiều lần trong năm”, Phó Thủ tướng nói.
Về vấn đề biên chế giáo viên, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo từ số liệu biên chế giáo viên ở từng trường, từng môn, từng cấp học, tiến tới dự báo về nhu cầu giáo viên trong những năm tới ở từng địa phương, kết hợp với thống kê số sinh viên tại từng địa phương đang học sư phạm để từ đó giải quyết căn bản bài toán này.
Đối với các trường nghề, bên cạnh kiện toàn cơ sở vật chất cần tạo điều kiện hơn nữa cho nguyện vọng học liên thông lên cao đẳng, đại học. “Quy hoạch các trường nghề không nên hiểu máy móc, cứng nhắc. Điều cần thiết là cơ chế để phát huy được tối đa cơ sở vật chất đào tạo nghề hiện nay. Các trường nghề cần phối hợp chặt chẽ với trường đại học, cao đẳng trong đào tạo một số nghề có nhu cầu nhân lực cao như công nghệ thông tin, du lịch”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cộng đồng học tập, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. “Tới đây không chỉ học liệu, bài giảng điện tử mà toàn bộ nội dung các chương trình, hoạt động giáo dục tại trường học cần đưa lên Hệ tri thức Việt số hóa để cộng đồng cùng khai thác, sử dụng, giám sát”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.