Tận dụng triệt để thời gian giãn cách xã hội để chặn đứng nguồn lây
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào cuối tháng 6/2021, toàn tỉnh khẩn trương thực hiện các giải pháp truy vết thần tốc, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm. Đến ngày 5/8, tỉnh ghi nhận 244 ca mắc COVID-19. Đối chiếu quy định đánh giá mức độ nguy cơ tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG, Bình Phước hiện đang ở mức độ nguy cơ (màu vàng). "Toàn tỉnh đang tập trung nguồn lực, tận dụng triệt để thời gian giãn cách xã hội để chặn đứng nguồn lây, kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.
Bình Phước có khoảng 1.200 giường điều trị; đang thiết lập Bệnh viện dã chiến Phước Long (200 giường), Bệnh viện dã chiến cấp tỉnh (210 giường). Năng lực cách ly của tỉnh hiện có trên 17.500 giường, được tổ chức quản lý, vận hành chặt chẽ; kết nối đến hệ thống camera giám sát của Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh và Bộ Y tế. Toàn tỉnh có 4 máy xét nghiệm Realtime RT-PCR, thời gian tới sẽ tiếp nhận thêm một máy với năng lực mỗi ngày khoảng 2.300 mẫu đơn và 23.000 mẫu gộp; có thể nâng cao năng lực xét nghiệm lên 5.000 mẫu đơn và 50.000 mẫu gộp. Ngoài ra, 35 cơ sở y tế công lập và tư nhân đủ điều kiện triển khai xét nghiệm nhanh.
Tỉnh có 10 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế đang hoạt động với trên 73.000 lao động. Bình Phước đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến". Đến nay, 167/174 doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại với trên 25.000 lao động.
Cùng với việc đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong mọi tình huống dịch bệnh, Bình Phước hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với kinh phí 22 tỷ đồng; đồng thời chuẩn bị phương án hỗ trợ công dân Bình Phước gặp khó khăn đang ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai (dự kiến bắt đầu từ 6/8/2021).
Về hoạt động quản lý biên giới, các lực lượng (biên phòng, công an, quân sự) phối hợp kiểm soát, duy trì hiệu quả hoạt động của 65 chốt biên giới; 11 tổ cơ động tuần tra; 38 chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra/vào tỉnh. Hiện tỉnh đang triển khai tiêm đợt 5 (5.850 liều) và xây dựng kế hoạch tiêm đợt 6 (33.600 liều). Dự kiến, sau khi hoàn thành 6 đợt tiêm, gần 97.000 người đã được tiêm mũi 1 (chiếm gần 14% dân số cần tiêm) và khoảng 13.000 người được tiêm mũi 2.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, song Bình Phước vẫn còn gặp nhiều khó khăn do vẫn còn tình trạng người dân tránh chốt; bất cập trong việc kiểm soát phương tiện vận chuyển có thẻ nhận diện ưu tiên "luồng xanh"; nguy cơ dịch bệnh do người nước ngoài nhập cảnh trái phép... Trong khi đó, năng lực điều trị của địa phương còn nhiều hạn chế do chỉ có bác sĩ hồi sức cấp cứu tuyến tỉnh, hiện chỉ có 40 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch.
Xác định nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Bình Dương rất lớn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho biết: "Bình Phước xác định chống dịch không chỉ dừng lại ở "một trận đánh" mà là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài; qua đó có cách tiếp cận thận trọng, cảnh giác, không chủ quan, lơ là, luôn chủ động, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch". Trong thời gian tới, toàn tỉnh sẽ tập trung kiểm soát lây nhiễm từ bên ngoài; kiểm soát, thu hẹp lây nhiễm trong cộng đồng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất, nhập cảnh trái phép; đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác tiêm vaccine; đảm bảo các nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ", nhất là trang thiết bị phục vụ điều trị, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm diện rộng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn… Dự kiến, nếu tình hình dịch bệnh ổn định như hiện nay, một số địa phương sẽ được nới lỏng giãn cách xã hội theo nội dung Công điện 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch COVID-19.
"Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cùng với việc nâng cao năng lực tầm soát dịch bệnh, Bình Phước phát huy vai trò phòng, chống dịch của lực lượng cấp xã. Đây là cấp cơ sở nắm sát thực tiễn trong việc truy vết, giãn cách; qua đó có thể lập "vàng đai" xung quanh các địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao; tạo "vùng xanh" phát triển kinh tế-xã hội", ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết.
Giữ thật chặt "vùng xanh"
Qua phân tích tình hình dịch bệnh tại Bình Phước và các địa phương lân cận, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ Thông tin đáp ứng nhanh Ban Chỉ đạo cho rằng, Bình Phước nên quan tâm, tuyên truyền người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở… phải khai báo y tế hoặc báo cho các Tổ COVID-19 cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh nên xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho người dân thuộc nhóm nguy cơ, tránh xét nghiệm dàn hàng ngang, gây lãng phí. Nếu phát hiện nhiều ca rải rác ở các nơi khác nhau, lập tức toàn tỉnh chuyển sang nguy cơ cao, có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trong khi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa phương luôn "thường trực", Thứ trưởng Bùi Thế Duy gợi ý tỉnh Bình Phước tổ chức lại hệ thống cung ứng hàng hóa đảm bảo an toàn trong tình hình bình thường mới, trong đó, các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải hình thành phương án an toàn dịch bệnh, lưu ý một số nhóm mặt hàng thiết yếu.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của hệ thống chính trị, đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An trở về quê.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhằm thực hiện đồng loạt các giải pháp để thiết lập vành đai an toàn vững chắc. "Tỉnh Bình Phước cần tiếp tục phát huy kinh nghiệm phòng, chống dịch trong thời gian qua, tham khảo kinh nghiệm các địa phương khác, phối hợp chặt chẽ với Tổ Thông tin đáp ứng nhanh Ban Chỉ đạo để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu hơn để tình huống đó không xảy ra hoặc không để bị động, bất ngờ, lúng túng", Phó Thủ tướng lưu ý.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Phước cố gắng kiểm soát tốt tình hình, dập dứt điểm các ổ dịch còn lại. Khi đã kiểm soát vững chắc tình hình, tỉnh có thể linh hoạt nới lỏng cục bộ, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh cho người dân trên tinh thần phải bảo đảm an toàn.
Là "vùng xanh" an toàn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Phước quản lý chặt người từ nơi khác đến bằng cách phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ "đi từng ngõ, gõ từng nhà, ra từng người", Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng cần được tập huấn, bổ sung thêm người có chuyên môn y tế để nhanh chóng phát hiện người nghi mắc COVID-19, phục vụ truy vết, hỗ trợ y tế cho người dân.
Trong công tác xét nghiệm, Bình Phước cần tập trung sàng lọc tầm soát bằng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, không bỏ sót các trường hợp có triệu chứng như sốt, ho, khó thở... Đồng thời, Bình Phước củng cố hệ, nâng cấp thống y tế tuyến huyện (thiết lập hệ thống oxy tập trung, máy thở dòng cao (HFNC), thuốc men…) để điều trị kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ, giảm tối đa trường hợp chuyển nặng.
Đối với các khu thu dung, quản lý F0 không triệu chứng, ngành Y tế Bình Phước mạnh dạn cải tiến các quy trình dựa trên hướng dẫn chung của Bộ Y tế nhằm mục tiêu chăm lo đầy đủ cho người dân về sức khỏe thể chất và tinh thần, nhằm giảm tối đa tỷ lệ chuyển thành có triệu chứng, từ đó, giảm bớt áp lực điều trị cho các tuyến trên.
Về thực hiện luồng xanh trong vận tải hàng hóa, Phó Thủ tướng chỉ đạo tất cả những trường hợp đi vào luồng xanh nhưng sử dụng giấy tờ giả, vi phạm các quy định phòng, chống dịch phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các lực lượng chức năng của Bình Phước không dừng xe vạn tải đang lưu thông trong "luồng xanh" nhưng phải kiểm soát chặt chẽ lái xe tại các điểm giao, nhận hàng hóa giống như người từ vùng dịch về. Bình Phước phấn đấu không được có F0 trong cộng đồng.
Trước đó, cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến huyện Đồng Phú (thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú); Công ty Trách nhiệm hữu hạn New Apparel Far Eastern Việt Nam (Khu Công nghiệp Bắc Đồng Phú, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú) triển khai mô hình "3 tại chỗ"; công tác tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước (xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài); khu cách ly tập trung tại trường Cao đẳng Bình Phước (phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài); Bệnh viện dã chiến đặt tại Trung tâm thể dục thể thao thành phố Đồng Xoài (phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài).