Trong không khí thân tình và cởi mở, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về tình hình phát triển kinh tế-xã hội mỗi nước, hoan nghênh những phát triển tích cực trong quan hệ song phương, khẳng định quyết tâm đưa quan hệ “Đối tác chiến lược hướng tới tương lai” đi vào chiều sâu, hiệu quả, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước. Hai nhà lãnh đạo đã thống nhất phương hướng thúc đẩy toàn diện quan hệ song phương; nhất trí thực hiện hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương từ 3,5 tỷ USD lên 5 tỷ USD trong những năm tới.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cảm ơn Phó Thủ tướng Nadia Calviño về sự đón tiếp trọng thị và nồng hậu khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ “Đối tác chiến lược hướng tới tương lai” giữa hai nước; đề nghị Tây Ban Nha tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu nông-thủy sản tiếp cận thị trường Tây Ban Nha và Liên minh châu Âu (EU); khuyến khích các doanh nghiệp nước này đẩy mạnh đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam như cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, giao thông vận tải, công nghệ thông tin; đề nghị Tây Ban Nha ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) gỡ bỏ thẻ vàng cảnh báo khai thác bất hợp pháp (IUU) đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ Tây Ban Nha tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Tây Ban Nha, là cầu nối quan trọng trong quan hệ hữu nghị hai nước.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Nadia Calviño Phó Thủ tướng Tây Ban Nha đánh giá cao ý nghĩa quan trọng chuyến thăm của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, khẳng định coi trọng vị thế và vai trò của Việt Nam ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng đưa quan hệ hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới. Bà cũng bày tỏ ấn tượng về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và triển khai đường lối đối ngoại tích cực của Việt Nam. Bà cho biết các doanh nghiệp Tây Ban Nha ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam, đánh giá cao sự ổn định chính trị và môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi; đặc biệt nhấn mạnh chuyển đổi số và tăng trưởng xanh là các lĩnh vực rất tiềm năng để hai nước tập trung đẩy mạnh hợp tác sắp tới.
Phía Tây Ban Nha nhất trí duy trì viện trợ phát triển cho Việt Nam và khẳng định sẽ thúc đẩy việc sớm ký kết Hiệp định Chương trình hợp tác tài chính 6 để triển khai các dự án đầu tư và hợp tác phát triển giữa hai nước, khẳng định Tây Ban Nha sẽ thúc đẩy quan hệ giữa EU với Việt Nam và ASEAN trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng cuối năm, trong đó có các thỏa thuận hợp tác như Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác về an ninh-quốc phòng, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số, cũng như ứng phó các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi sâu rộng về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), Liên hợp quốc.
Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ quan điểm của Việt Nam, khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trong chiều 2/3, tại trụ sở Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) ở Madrid, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có cuộc gặp với bà Zoritsa Urosevic - Giám đốc điều hành UNWTO. Giám đốc điều hành UNWTO bày tỏ vui mừng đón Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm UNWTO, đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa UNWTO với Việt Nam, đồng thời bày tỏ ấn tượng về thành tựu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội năng động và du lịch bền vững của Việt Nam những năm qua. Bà nhắc lại những đánh giá tích cực của các tổ chức du lịch thế giới về Việt Nam - điểm đến ưa thích của khách du lịch quốc tế.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hoan nghênh vai trò quan trọng của UNWTO và bà Zoritsa Urosevic trong thúc đẩy phục hồi du lịch toàn cầu nhằm đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bình đẳng giới, giáo dục, tạo việc làm và phát triển nông thôn; cảm ơn sự ủng hộ của bà trong việc thúc đẩy UNWTO hợp tác và hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt trong quy hoạch du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng văn bản pháp quy và nâng cao năng lực.
Hai bên cùng chia sẻ về tác động và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới ngành du lịch toàn cầu, những cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam và thế giới trong thời gian tới, đồng thời thảo luận một số biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UNWTO.
Phó Thủ tướng đề nghị UNWTO đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam, lựa chọn Việt Nam đăng cai một số sự kiện của UNWTO; hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, công tác thống kê, ứng phó với biến đổi khí hậu, định vị và phát triển thương hiệu du lịch quốc gia của Việt Nam; hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua cấp học bổng tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu và cử chuyên gia quốc tế tham dự, chia sẻ kinh nghiệm tại các hội nghị, hội thảo do Việt Nam chủ trì tổ chức.
Trong khi đó, bà Zoritsa Urosevic đánh giá cao sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam tại UNWTO; chia sẻ về những khó khăn của ngành du lịch Việt Nam tại châu Á-Thái Bình Dương - khu vực có ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19; khẳng định Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch; ghi nhận tích cực các đề xuất của Việt Nam, cho biết UNWTO cân nhắc khả năng tổ chức một sự kiện quốc tế lớn ở Việt Nam cuối năm 2023 và khẳng định sẽ tiếp ủng hộ và đồng hành cùng Việt Nam trong phục hồi và phát triển ngành du lịch hướng tới phát triển bền vững như hỗ trợ trong chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị và điều phối phát triển du lịch.
Trước đó, cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có cuộc tiếp Lãnh sự danh dự vùng Sevilla Pablo Rafael Gomez và cùng Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Du lịch Tây Ban Nha Maria Reyes Maroto đồng chủ trì Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Tây Ban Nha. Cuộc tọa đàm do Liên đoàn giới chủ Tây Ban Nha (CEOE) phối hợp với Công nghiệp, Thương mại và Du lịch Tây Ban Nha tổ chức, thu hút sự tham gia của gần 50 tập đoàn, doanh nghiệp lớn hàng đầu Tây Ban Nha và hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Maria Reyes Maroto nhắc lại những triển vọng tích cực trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại nhờ vào nền kinh tế phát triển ổn định, năng động ở mỗi nước cũng như vị trí và vai trò của hai nước trong khu vực. Đây chính là trụ cột và động lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trên một tầm cao mới.
Phó Thủ tướng cho biết một tập đoàn hàng không hàng đầu của Việt Nam đang cân nhắc mở đường bay thẳng đến Tây Ban Nha. Việc thiết lập được cầu nối trực tiếp chắc chắn sẽ mở rộng hơn nữa giao lưu nhân dân và trao đổi thương mại, du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư Tây Ban Nha đến Việt Nam.
Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp Tây Ban Nha, Chủ tịch CEOE International - bà Maria Blanco và người đứng đầu Phòng Thương mại Tây Ban Nha - bà Immaculada Riera đã đồng tình với ý kiến trên, đồng thời cho biết các doanh nghiệp của Tây Ban Nha rất quan tâm thị trường Việt Nam nói riêng, cũng như thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung như một điểm đến làm đa dạng hóa thị trường trong chiến lược kinh doanh của mình.
Các doanh nghiệp Tây Ban Nha tham dự tọa đàm đã có những trao đổi cụ thể về các hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam, cũng như chia sẻ về mong muốn và định hướng phát triển hơn nữa các dự án với Việt Nam do sự hấp dẫn của thị trường và vai trò ngày càng quan trọng của nền kinh tế này trong khu vực và trên thế giới.
Các Thứ trưởng thuộc Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam đã trực tiếp giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp, cũng như cung cấp thêm thông tin để các doanh nghiệp nắm bắt rõ hơn những cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Kết thúc tọa đàm là phiên kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp hai bên, nhằm cụ thể hóa các cơ hội kinh doanh. Tọa đàm đã thành công tốt đẹp và được phía Tây Ban Nha đánh giá cao.
Tây Ban Nha là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam trong EU, đồng thời là đối tác xuất khẩu lớn thứ 7 và đối tác nhập khẩu lớn thứ 8 của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đạt 3,54 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021 - mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt 2,96 tỷ USD, tăng 16,34%; nhập khẩu đạt 572,69 triệu USD, giảm 1,59% so với năm trước đó. Về đầu tư, tính đến hết năm 2022, Tây Ban Nha có 88 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 143,37 triệu USD, đứng thứ 45/142 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại Tây Ban Nha, với tổng số vốn hơn 64,2 triệu USD.