Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Thành, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh LHQ và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long, các lãnh đạo cấp Cục, Vụ và cán bộ của một số đơn vị của VPCP và Bộ Ngoại giao, Tổng thư ký và Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Thụy Sĩ cùng một số thành viên Ban chấp hành Hội người Việt Nam ở Thụy Sĩ từ các thành phố khác nhau; cùng với đại diện của Hội Trí thức chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sĩ; các chuyên gia làm việc tại một số Tổ chức quốc tế (TCQT).
Thay mặt tập thể cán bộ nhân viên Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva và Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đã báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về công tác của Phái đoàn tại Geneva phụ trách công tác đối ngoại đa phương, đồng thời phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bern trong triển khai công tác đối ngoại song phương với Thụy Sĩ, cũng như công tác lãnh sự, công tác người Việt Nam ở Thụy Sĩ liên quan đến địa bàn Geneva và các bang nói tiếng Pháp.
Cộng đồng người Việt Nam ở Thụy Sĩ nói chung và ở Geneva nói riêng đã đóng góp tích cực trong nhiều năm qua hỗ trợ cho Phái đoàn từ khi thành lập năm 1974, hỗ trợ Đại sứ quán Việt Nam ở Bern, hỗ trợ cho bà con khó khăn ở trong nước, hướng về quê hương đất nước. Ví dụ gần đây nhất như hỗ trợ vaccine, vật tư y tế trong đại dịch COVID-19, hỗ trợ đóng xuồng chủ quyền ủng hộ nhân dân huyện đảo Trường Sa, hỗ trợ và trao giải y học cho một số bác sỹ Việt Nam có công trình nghiên cứu xuất sắc… Cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ được Chính quyền Liên bang và chính quyền các bang đánh giá cao về sự hội nhập thành công vào xã hội Thụy Sĩ. Nhiều người làm việc ở các cơ quan, các lĩnh vực khác nhau như y tế, ngân hàng, công nghệ thông tin, được Thụy Sĩ tín nhiệm mời làm chuyên gia sang chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao năng lực trên một số lĩnh vực, kể cả lĩnh vực mới như chuyển đổi số.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai bày tỏ tự hào về sự hiện diện, đóng góp của các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại các TCQT ở Geneva, tuy còn ít về số lượng, nhưng đang tăng lên, hiện có khoảng gần 30 người Việt Nam đang làm việc ở các TCQT như Văn phòng LHQ tại Geneva, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Liên minh viễn thông quốc tế, Tổ chức Thương mại thế giới…
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương những đóng góp tích cực của Phái đoàn và các chuyên gia đối với thành tích đối ngoại chung của đất nước, đánh giá cao những nỗ lực vươn lên, có nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp cho quê hương, đất nước của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lắng nghe, ghi nhận và giải đáp trực tiếp các câu hỏi, những băn khoăn của đại diện cộng đồng từ các lứa tuổi khác nhau và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tiếp tục xử lý, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con.
Đại diện cộng đồng, bà Ngọc Dung Moser, Tổng Thư ký Hội Người Việt ở Thụy Sĩ đã rất hân hạnh được báo cáo Phó Thủ tướng về nỗ lực phát triển văn hóa Việt Nam tại Thụy Sĩ và các hoạt động hiệu quả của Hội kể từ khi thành lập tới nay. Bà Ngọc Dung Moser cũng chia sẻ những tình cảm sâu lắng của những người con xa xứ đối với quê nhà và mong muốn Phó Thủ tướng có chuyến công tác thành công và tốt đẹp.
Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Đoàn đại biểu tham dự Phiên họp Cấp cao của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva từ ngày 27/02-28/2, là chuyến công tác có ý nghĩa quan trọng, với vai trò Việt Nam tích cực thực hiện sứ mệnh vì quyền con người của mọi người, ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Chuyến công tác của Phó Thủ tướng chính thức mở đầu sự tham gia của Việt Nam với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, sau khi Việt Nam trúng cử trong cuộc bầu cử tại Đại hội đồng LHQ tháng 10/2022. Đây chính là hoạt động ngoại giao cấp cao của Việt Nam tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại đa phương, đề cao vai trò của LHQ trong quản trị toàn cầu, đồng thời đề cao chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước lấy con người là trung tâm, hướng đến phát triển bền vững, bảo đảm mọi người dân được thụ hưởng lợi ích mang lại từ phát triển.