Nhận lời mời của Chính phủ Trung Quốc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Việt Nam Phạm Bình Minh đã dự và phát biểu tại lễ khai mạc theo hình thức ghi hình. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cũng tham dự sự kiện.
Năm nay là năm đầu tiên sau khi Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và cũng là năm đầu tiên kể từ khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1. Hội chợ năm nay dự kiến kết thúc vào ngày 19/9, được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy thương mại và trao đổi giữa hai bên.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá cao những kết quả quan trọng mà ASEAN và Trung Quốc đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là việc hai bên thiết lập khuôn khổ Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững. ASEAN và Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt kỷ lục mới trên 669 tỷ USD. Trung Quốc là nhà đầu tư FDI hàng đầu tại nhiều nước ASEAN. Hợp tác trên các lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh, xóa đói giảm nghèo, văn hóa giáo dục, giao lưu nhân dân được tăng cường, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai bên.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chuỗi cung ứng, lao động và sản xuất không ổn định, giá cả năng lượng, nguyên liệu ở nhiều nơi tăng cao, các nước ASEAN và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức, cùng nhau thúc đẩy phục hồi bền vững giai đoạn sau dịch COVID-19; trong đó cần tận dụng tốt các cơ hội đến từ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện nhập khẩu nhiều hơn nữa hàng hóa, nông sản chất lượng cao của Việt Nam cũng như của các nước ASEAN trung chuyển qua Việt Nam; phối hợp duy trì ổn định chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và hoạt động thông quan hàng hóa thông suốt trong mọi tình huống; thúc đẩy đa dạng hóa phương thức vận tải hàng hóa bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không; thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phát triển xanh, bền vững.
Tổng cộng 1.653 doanh nghiệp của Trung Quốc và các nước ASEAN tham gia hội chợ lần này. Năm nay, Việt Nam tiếp tục tham gia với quy mô lớn nhất ASEAN, có diện tích trưng bày trên 2.000m² với gần 80 doanh nghiệp tham gia theo hình thức trực tuyến, tập trung quảng bá, giới thiệu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, đầu tư, du lịch và dịch vụ thương mại.
Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 13 năm liên tiếp, trong khi ASEAN đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2020.