Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Phấn đấu năm 2024, CPI không vượt quá 4%

Sáng 30/10, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá 10 tháng năm 2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024, CPI bình quân không vượt quá 4%.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại siêu thị WinMart Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu

Theo Phó Thủ tướng, thời gian vừa qua, dù chịu tác động không thuận từ bên ngoài, cũng như yếu tố khách quan, nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, công tác quản lý, điều hành giá đã đạt được mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng nêu rõ, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vấn đề đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu là hết sức quan trọng. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường để sẵn sàng các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt là việc quản lý, điều hành giá, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới, quan tâm đến các hộ nghèo, gia đình khó khăn; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, quản lý tốt tỷ giá…

Đề nghị các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi sát diễn biến các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới có tác động đến thị trường trong nước (trong đó có thị trường xăng dầu) để sẵn sàng các giải pháp, kịch bản quản lý, điều hành giá linh hoạt, hiệu quả, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng lưu ý bảo đảm thông suốt các hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa. Tiếp tục rà soát để điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá, kiểm soát, bình ổn thị trường; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu…

Các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu toàn diện các quy định của pháp luật về giá và các văn bản hướng dẫn để đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, điều hành giá; tổ chức tốt việc triển khai các nhiệm vụ quản lý, điều hành giá theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm và quy định của pháp luật. 

Cho rằng, “vừa rồi chúng ta đã thực hiện tốt công tác truyền thông về tăng lương, giá điện, điều chỉnh học phí… cần tiếp tục phát huy”, Phó Thủ tướng lưu ý việc truyền thông, thông tin rộng rãi tới công chúng trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý để tránh các thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận. 

Kiểm soát tốt lạm phát

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bình quân 9 tháng năm 2024, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ 2023. Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công, mặt hàng do Nhà nước quản lý, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đảm bảo thông suốt và tăng cường cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ, đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão…

Trong bối cảnh bão YAGI gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống nhân dân, có thời điểm khan hiếm rau, củ, quả, thực phẩm, gây tăng giá cục bộ ở một số địa phương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm có các chỉ đạo tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị bão lũ. Cùng với đó, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát tốt lạm phát. 

Với sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, tình hình cung ứng hàng hóa được bảo đảm, giá hàng hóa tại các siêu thị cơ bản được giữ ổn định. Tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng không đột biến, nguồn cung được đảm bảo nên hầu như không thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Đến 23/10/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,28% so với cuối năm 2023 và tăng 16,48% so với cùng kỳ năm trước. Thanh khoản dồi dào, còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế…

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản điều hành giá. Kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,7%, kịch bản 2 là tăng khoảng 3,92% so với năm 2023 và kiến nghị các giải pháp điều hành giá các tháng còn lại của năm 2024.

Giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong thời gian còn lại của năm 2024, CPI còn dư địa tăng khoảng 0,98 - 1,95% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0 - 4,5%. 

Tại cuộc họp, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo đã phân tích một số yếu tố ảnh hưởng tới mặt bằng giá trong thời gian tới, cho rằng dư địa điều hành giá năm nay còn rất lớn, đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị đối với công tác điều hành giá trong thời gian còn lại của năm 2024.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao vai trò của Nhóm nghị sĩ Hữu nghị Đức - ASEAN
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao vai trò của Nhóm nghị sĩ Hữu nghị Đức - ASEAN

Nhân dịp dự Hội nghị Hamburg về Phát triển bền vững (HSC), ngày 10/10, tại trụ sở Quốc hội Liên bang Đức, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có cuộc làm việc với Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Đức - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bà Gabriele Katzmarek và nhóm nghị sĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN