Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thị sát tại suối Thia và suối Nậm Đông chảy qua địa phận huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã tới thăm gia đình nạn nhân Hà Thị Yến và con gái 3 tuổi của chị, ở thôn Cầu Thia, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn (Yên Bái) và gia đình nạn nhân Nguyễn Quang Trung, tổ 7, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã bị lũ cuốn trôi do sập cầu Thia. Phó Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ những mất mát của người thân các gia đình và mong muốn các gia đình nén đau thương, sớm ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đến tặng quà, động viên 3 gia đình bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản tại tổ 1, phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, gồm các hộ: Lò Thị Muồn, Đồng Văn Tiếp, Hoàng Thị Nhình. Đồng thời, thăm, tặng quà 8 gia đình bị lũ cuốn trôi nhà và tài sản tại bản Ngoa, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, gồm: Hoàng Văn Thủy, Hoàng Văn Nguyên, Đồng Văn Hùng, Lường Thị Hom, Hoàng Văn Liên, Đồng Thị Dá, Đồng Văn Tâm, Hoàng Văn Bánh.
Phó Chủ tịch Quốc hội đã biểu dương các lực lượng quân sự, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên thị xã Nghĩa Lộ đang giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời, đề nghị các lực lượng này tiếp tục nỗ lực, giữ vai trò nòng cốt để chung tay giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đến khu vực đập tràn Nậm Cò Noòng, bản Thón, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, nơi có 8 hộ dân bị lũ cuốn trôi, trong đó có gia đình anh Hoàng Văn Quân có 4 người trong gia đình bị lũ cuôn trôi, hiện mới tìm được thi thể của anh Hoàng Văn Quân, còn vợ và 2 con trai vẫn mất tích.
Thị sát tại suối Thia và suối Nậm Đông chảy qua địa phận huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là vai trò của các Trưởng bản cần làm tốt công tác thông tin, cảnh báo để người dân kịp thời sơ tán khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thăm, hỏi tặng quà các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ.
|
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cử các đoàn công tác kiểm tra đánh giá thiệt hại, nguyên nhân hư hỏng và hỗ trợ giải pháp kỹ thuật xây dựng lại các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, đặc biệt là công trình cầu Thia, kè suối Thia, kè suối Nung. Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ cấp bách kinh phí từ nguồn dự phòng để khắc phục khẩn cấp 78 công trình giao thông thủy lợi trọng yếu bị hư hỏng nặng trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí khoảng 400 tỷ đồng; quan tâm chỉ đạo, bố trí kinh phí xây dựng các khu tái định cư, ổn định lâu dài, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương để bố trí cho các hộ dân đã phải di dời khẩn cấp nhà cửa ra khỏi các vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Song song đó, bố trí nguồn vốn dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Trạm Tấu - Bắc Yên (Sơn La) để khắc phục thế độc đạo của huyện Trạm Tấu; phân bổ hợp lý Quỹ Bảo trì đường bộ cho các địa phương để bảo trì các tuyến đường tỉnh theo hướng ưu tiên cho các tỉnh miền núi, nơi thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng đến các tuyến đường giao thông.
Đồng thời, cần có chính sách tăng mức hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên để khoán cho các hộ dân chăm sóc, bảo vệ rừng, từ đó nhân dân có thể sống được nhờ rừng. Trước mắt hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các diện tích đất đã bị hư hỏng do lũ, sạt lở đất; hỗ trợ khẩn cấp rọ đá và dầm cầu khắc phục các công trình giao thông thiết yếu như cầu Thia, đường tỉnh và các tuyến giao thông khác, cũng như xi măng hỗ trợ xi măng sửa chữa các công trình giao thông nông thôn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị tỉnh Yên Bái tiếp tục tập trung giúp người dân ổn định cuộc sống, bố trí khu dân cư ở nơi ở mới; hỗ trợ tối đa nguồn lực tài chính giúp người dân trong dựng việc dựng nhà mới. Đồng thời, tập trung giải quyết vấn đề môi trường, tránh phát sinh dịch bệnh; chủ động khắc phục nhanh các công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng khác; sử dụng nguồn hỗ trợ hiệu quả, tiết kiệm, công bằng, công khai, đúng đối tượng và kịp thời…
Trong đợt mưa lũ vừa qua, Yên Bái có 18 người chết, 10 người mất tích, 9 người bị thương. Cùng với đó là gần 2.000 ngôi nhà bị thiệt hại; hơn 140 nhà phải di dời khẩn cấp do sạt lở, lũ quét; hàng trăm công trình giao thông, kè chống lũ và thủy lợi bị hư hỏng nặng nề; hạ tầng thông tin liên lạc bị hư hỏng nghiêm trọng gây tê liệt thông tin toàn bộ huyện Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ trong ngày 11/10.
Ngoài ra, thiệt hại về nông nghiệp trên 900 ha, hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm và trên 42 ha thủy sản bị thiệt hại. Bên cạnh đó, có 4 dự án thủy điện đang vận hành phát điện đã bị bồi lấp toàn bộ hồ chứa, hư hỏng một số hạng mục tổ máy, trạm biến áp, kênh xả, đường giao thông trong dự án có nhiều điểm bị sạt lở. Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 700 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất xảy ra tại các địa phương, lãnh đạo tỉnh và các ngành đã kịp thời có mặt tại vùng lũ để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả của thiên tai. Các địa phương đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ để di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả thiên tai…