Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự khai mạc Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn, An Giang

Tối 10/4, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự khai mạc Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXI năm 2022 tại Quảng trường Thoại Ngọc Hầu (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) nhân kỷ niệm 200 năm danh thần Thoại Ngọc Hầu dựng bia, lập làng Thoại Sơn (1822-2022).

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang tặng quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Cùng dự có Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; lãnh đạo tỉnh An Giang, huyện Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) và huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) - hai địa phương kết nghĩa với huyện Thoại Sơn và đông đảo bà con nhân dân huyện Thoại Sơn.

Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXI năm 2022 được huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm nhằm tri ân  công đức của danh thần Thoại Ngọc Hầu và các bậc tiền nhân đã có công khai mở vùng đất Thoại Sơn của tỉnh An Giang. Đây còn là dịp tôn vinh những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân huyện Thoại Sơn trong quá trình xây dựng, phát triển.

Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn trùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nên rất đông những người con của vùng đất Thoại Sơn và du khách thập phương về dự Lễ Kỳ Yên kỷ niệm 200 năm Danh thần Thoại Ngọc Hầu dựng bia, lập làng Thoại Sơn (1822 – 2022).

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đại biểu dự lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn năm 2022. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Từ năm 2002, huyện Thoại Sơn đã tổ chức Lễ hội Văn hóa truyền thống nhằm phục vụ bà con nhân dân. Với chủ đề “Thoại Sơn, sáng danh tên làng - vươn tầm cao mới” - Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn năm 2022 là sự kiện văn hóa nổi bật, chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang. Đây được xem là lễ hội văn hóa truyền thống lớn bậc nhất của vùng đất Thoại Sơn.

Lễ Kỳ Yên với đầy đủ các nghi thức: Túc yết, xây chầu, đại bội, chương trình sân khấu hóa và dâng hương. Cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao trước, trong và sau lễ hội; hội thi tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp thân thế của danh thần Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại, còn diễn ra các giải thi đấu thể thao ở các trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng, điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao của các xã, thị trấn và tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thanh huyện Thoại Sơn; hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch Thoại Sơn, tuyên truyền xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao...

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Minh Kiều, Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn (An Giang) cho biết, năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng kinh tế - xã hội của huyện Thoại Sơn vẫn phát triển ổn định và đạt được kết quả khá toàn diện. Trong 21 chỉ tiêu về phát triển kinh tế xã hội thì có 14 chỉ tiêu vượt, 6 chỉ tiêu đạt, 1 chỉ tiêu cơ bản đạt. Đặc biệt, Thoại Sơn đã thực hiện thắng lợi 2 chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội là nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp từ 180 triệu đồng/ha năm 2020 lên 196 triệu đồng/ha và nâng cao thu nhập bình quân từ 54 triệu đồng/người (năm 2020) lên gần 65 triệu đồng/người (năm 2021). Quý I/2022, kinh tế xã hội huyện Thoại Sơn tiếp tục tăng trưởng khá so cùng kỳ.

Hướng về tương lai với nhiều kỳ vọng, Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Thị Minh Kiều khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quê hương Thoại Sơn quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, hoàn thành xây dựng “Huyện nông thôn mới nâng cao” trước năm 2025, phấn đấu phát triển Thoại Sơn đạt chuẩn đô thị loại 3 vào năm 2029 nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày tái lập huyện Thoại Sơn.

Dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng 50 phần quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu của huyện Thoại Sơn.

Danh thần Thoại Ngọc Hầu (tên thật Nguyễn Văn Thoại), người mà tên tuổi đã gắn liền với cư dân vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là trên vùng đất Thoại Sơn; người đã “thay trời mở đất mênh mông”. Công đào kênh Thoại Hà và dựng bia, lập làng Thoại Sơn của Danh thần Thoại Ngọc Hầu trải qua 200 năm vẫn còn nguyên giá trị. Tưởng nhớ đến công lao to lớn của Ông Thoại, nhân dân huyện Thoại Sơn lập đình thờ ông là thần Thành hoàng bổn cảnh, tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn mang đậm dấu ấn truyền thống của lễ hội đình làng Nam Bộ, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái. Lễ hội còn mang trong mình nhiều giá trị và tiềm năng phục vụ cho việc phát triển du lịch bền vững ở địa phương.

Ngày diễn ra Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn là một trong những lễ lớn nhất trong năm của huyện, đây cũng là ngày diễn ra Lễ hội Kỳ Yên tại đình thần Thoại Ngọc Hầu. Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Kỳ Yên Đình thần Thoại Ngọc Hầu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings cũng đã xác lập kỷ lục Việt Nam đối với Đình thần Thoại Ngọc Hầu. Đây là ngôi đình chứa 3 thiết chế văn hóa vật thể và phi vật thể, gồm Bia Thoại Sơn; Ngôi đình và Lễ hội Kỳ Yên được xếp hạng Di tích quốc gia. Ngôi đình được giữ gìn, trùng tu khang trang và trở thành điểm tựa tâm linh của người dân Thoại Sơn.

Công Mạo (TTXVN)
Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại tại Hà Nội
Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại tại Hà Nội

Tối 11/12, bên hồ Hoàn Kiếm, Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại do thành phố Hà Nội tổ chức, đã diễn ra trong không gian ngập tràn sắc màu văn hóa truyền thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN