Hoan nghênh Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cùng các cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức Chương trình "Xuân Doanh nhân với cộng đồng", Phó Chủ tịch nước nêu rõ, trong những năm qua, "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" đã là khẩu hiệu hành động trong xã hội. Nước ta với 3 triệu nạn nhân chất độc da cam không được sống khỏe mạnh, hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm... là nỗi đau thường trực, ảnh hưởng không những đến đời con, mà thậm chí tới cả đời cháu.
Để xoa dịu nỗi đau da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, vận động nhân dân trong nước, nước ngoài, các tổ chức quốc tế hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực cho các nạn nhân da cam, trong đó có sự đóng góp trực tiếp của 120 doanh nghiệp, doanh nhân trên.
Phó Chủ tịch nước đánh giá cao sự cố gắng và tích cực của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong những năm qua, đã làm tốt chức năng kết nối hàng ngàn nhà hảo tâm, doanh nghiệp để giúp đỡ các nạn nhân; tích cực đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân; mở rộng công tác đối ngoại nhân dân, huy động nguồn lực cho Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước cũng hoan nghênh những tấm lòng nhân ái đã quan tâm, tình nguyện giúp đỡ, sẻ chia những khó khăn, những nỗi đau da cam để giảm bớt phần nào gánh nặng, cải thiện cuộc sống của họ. Các doanh nghiệp, doanh nhân vừa nỗ lực vươn lên trong sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam.
Phó Chủ tịch nước mong muốn với những chính sách cởi mở và sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp sẽ càng phát triển nhanh và mạnh hơn, đạt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Phó Chủ tịch nước tin tưởng, khi doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả sẽ đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, chung tay cùng cộng đồng xã hội, thực hiện các chương trình từ thiện, hỗ trợ nhiều hơn nữa các nạn nhân chất độc da cam, để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, như Bác Hồ mong muốn.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, từ năm 1961 – 1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người, có thể di truyền qua nhiều thế hệ.
Khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là tình cảm, trách nhiệm của mỗi người dân và cộng đồng xã hội. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân hảo tâm trong và ngoài nước đã ủng hộ nạn nhân chất độc da cam cả về vật chất và tinh thần.