Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đã trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long và cá nhân đồng chí Ngô Ngọc Bỉnh (nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long); trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Vĩnh Long là đô thị loại II.
Đồng thời, đại diện Bộ Xây dựng trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị xã Bình Minh là đô thị loại III.
Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, được thành lập từ năm 1977, Đài Phát thanh và Truyền hình Cửu Long (nay là Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long) đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức và có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí ở địa phương. Giai đoạn 2018-2020, Đài đã hỗ trợ cho ngân sách tỉnh 2.000 tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án cấp thiết của tỉnh, góp phần tạo diện mạo mới cho nông thôn Vĩnh Long từng bước khởi sắc và đô thị Vĩnh Long đổi mới phát triển.
Một trong những dấu ấn đẹp của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long để lại trong lòng khán giả trong thời gian qua đó là các chương trình từ thiện xã hội. Trong hơn 10 năm qua, các chương trình nhân đạo xã hội của Đài đã hỗ trợ chi phí điều trị bệnh cho 1.500 bệnh nhân nghèo; xây dựng và sửa chữa gần 2.500 căn nhà, hỗ trợ vốn sản xuất cho hơn 1.600 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn… với tổng giá trị phúc lợi và từ thiện xã hội hơn 800 tỷ đồng.
Cá nhân đồng chí Ngô Ngọc Bỉnh là người đã khởi xướng và lãnh đạo thực hiện thành công Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy từ hơn 20 năm trước về cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Từ thực tế cơ sở và chủ trương của Trung ương, đồng chí đã đề xuất với Tỉnh ủy phát động phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nếp sống văn minh nơi công cộng” với mong muốn hình thành những cộng đồng dân cư văn hóa. Với sự tham mưu của đồng chí Ngô Ngọc Bỉnh, phong trào đã chọn việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm là điểm chỉ đạo đột phá.
Sau nhiều năm cống hiến làm công tác dân vận của Đảng, ở tuổi 73, đồng chí Ngô Ngọc Bỉnh được Tỉnh ủy Vĩnh Long tín nhiệm và đề nghị tham gia vận động công tác nhân đạo xã hội của địa phương với vai trò Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (nay là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long). Tâm huyết với công tác từ thiện, đồng chí đã giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được hưởng chính sách bảo trợ xã hội; giúp Hội xây dựng được 10 bếp ăn từ thiện, mỗi ngày cung cấp trên 4.000 suất ăn miễn phí cho đối tượng bảo trợ tại các bệnh viện trong tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long là đơn vị dẫn đầu trong khu vực và đứng hàng thứ ba cả nước về việc thực hiện thành công cơ chế tự chủ tài chính trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình; đơn vị dẫn đầu toàn quốc trong việc đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mong muốn tập thể Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được để phát triển nhanh và bền vững; chúc đồng chí Ngô Ngọc Bỉnh luôn mạnh khỏe, tiếp tục hiến kế, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Vĩnh Long nói riêng, cả nước nói chung.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống chỉ tiêu đô thị
Vui mừng khi thành phố Vĩnh Long được công nhận là đô thị loại II và thị xã Bình Minh là đô thị loại III, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền của thành phố Vĩnh Long và thị xã Bình Minh cần tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống chỉ tiêu đô thị đã đạt được, nhất là các chỉ tiêu đạt ở mức chuẩn những còn thấp.
Bên cạnh đó, sự phát triển của 2 đô thị phải đặt trong sự phát triển chung của tỉnh Vĩnh Long, phát triển kinh tế phải đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Hai đô thị tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tập trung vào các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm có sức cạnh tranh và phù hợp với điều kiện của địa phương; xác định nguồn lực, lựa chọn các công trình, dự án có ý nghĩa động lực để triển khai đầu tư có hiệu quả; có giải pháp chủ động quỹ đất để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và các dự án hạ tầng quan trọng.
Ngoài ra, hai đô thị tích cực thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, trong đó ưu tiên các công trình hạ tầng công cộng nhằm phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân như phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp. Thành phố Vĩnh Long và thị xã Bình Minh cần xây dựng cơ chế phù hợp với điều kiện của địa phương, nhất là nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế, phát triển đô thị; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch, không để xảy ra tình trạng đầu tư tự phát, đầu tư theo phong trào dẫn đến lãng phí, thất thoát các nguồn lực xã hội và phát triển thiếu bền vững.
Song song với phát triển, nâng cấp đô thị, thành phố Vĩnh Long và thị xã Bình Minh phải chú trọng nâng cao hiệu quả, giữ vững an ninh, trật tự, hướng tới các dịch vụ đô thị thông minh và phát triển các dịch vụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long tập trung triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tận dụng tốt thời cơ, huy động mọi nguồn lực để khôi phục và phát triển mạnh mẽ kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng, hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch và xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời khẳng định, việc thành phố Vĩnh Long trở thành đô thị loại II và thị xã Bình Minh thành đô thị loại III trực thuộc tỉnh Vĩnh Long là tiền đề, động lực phát triển cho 2 đô thị và tạo sự lan tỏa cho các đô thị khác trong toàn tỉnh phát triển theo đúng định hướng Chương trình phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Long đã được phê duyệt; đồng thời góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các khu vực theo hướng tăng khu vực dịch vụ, công nghiệp xây dựng và giảm dần khu vực nông nghiệp nhờ vào quá trình đô thị hóa.