Ngày 24/7, Bộ Ngoại giao Philippines (Philíppin) đã phản đối việc Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” trên quần đảo Hoàng Sa và việc Trung Quốc mới đây điều đoàn tàu cá tới quần đảo Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cũng nêu rõ kế hoạch của Trung Quốc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ cái gọi là "trung tâm hành chính Tam Sa" là không thể chấp nhận được.
Ngày 24/7, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng, "quyết định của Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc triển khai quân tới các hòn đảo ở Biển Đông mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền là sự khiêu khích một cách không cần thiết".
Ông cũng cho rằng việc Trung Quốc bầu đại biểu của cơ quan lập pháp phụ trách các đảo và vùng biển ở Biển Đông chỉ củng cố thêm lý do tại sao nhiều nước châu Á ngày càng quan ngại về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Ông McCain khẳng định, các tuyên bố chủ quyền này của Trung Quốc "không có cơ sở trong luật quốc tế".
Thượng nghị sĩ McCain cho rằng cần tiếp tục hối thúc tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đa phương dựa trên luật pháp quốc tế và duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế.
lNgày 25/7, phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Giacácta (Inđônêxia) về kết quả hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) và các hội nghị cấp cao sau AMM-45 ở Phnôm Pênh (Campuchia) vừa qua, Tổng Thư ký (TTK) ASEAN Surin Pitsuwan đã nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường gắn kết và thống nhất giữa các nước thành viên.
TTK Pitsuwan khẳng định, ASEAN là một khối thống nhất, song cần tăng cường hơn nữa tính gắn kết giữa các thành viên. Ông nhấn mạnh, tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề hết sức phức tạp, việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi thời gian cũng như thiện chí của tất cả các bên liên quan và phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 82).
T.T