Sáng 17/2, tiếp tục phiên họp lần thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống mua bán người và về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiểm toán độc lập.
Về dự án Luật Phòng, chống mua bán người, các thành viên UBTVQH nhận thấy, các tội danh về mua bán người trong Bộ luật Hình sự (Điều 119 và Điều 120) không có quy định cụ thể về hành vi mua bán người và cho đến nay các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn về các tội danh này.
Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, để cấu thành tội phạm mua bán người thì phải có hành vi giao người nhằm nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất; tiếp nhận người đã trả hoặc hứa hẹn trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất. Tuy nhiên, Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo) bổ sung Công ước phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc quy định về hành vi mua bán người có điểm khác so với quy định Bộ luật Hình sự.
Theo đó, các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao và nhận người bằng các thủ đoạn như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt, lợi dụng tình trạng quẫn bách hoặc sự lệ thuộc của nạn nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là hành vi mua bán người.
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người có nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh phát hiện, xử lý hành vi mua bán người, các hành vi có liên quan đến mua bán người; do đó, cần điều chỉnh một cách toàn diện đối với tất cả các hành vi mua bán người, hành vi có liên quan tới mua bán người, phù hợp với thực tế của Việt Nam, pháp luật và điều ước quốc tế, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Vì vậy, dự thảo Luật phải điều chỉnh cả các hành vi mua bán người đơn lẻ, hành vi mua bán người là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các hành vi có liên quan đến mua bán người...
Về cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân (Điều 41), đa số các thành viên UBTVQH cho rằng quy định cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp sử dụng nguồn vốn tự có đứng ra thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân là phù hợp, đáp ứng chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc tổ chức chính trị - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước để thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân và thực hiện việc tiếp nhận quản lý, chăm sóc nạn nhân bị mua bán trở về là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ.
Bởi vì, cùng một việc tiếp nhận quản lý, chăm sóc nạn nhân bị mua bán trở về nhưng Nhà nước phải đầu tư dàn trải ở rất nhiều nơi, gây tốn kém không cần thiết. Vì vậy, UBTVQH đề nghị quy định theo hướng tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc cá nhân trong nước có thể thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân; cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội cũng có thể thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân và thực hiện việc tiếp nhận, quản lý nạn nhân bị mua bán trở về nhưng không được sử dụng ngân sách nhà nước để thành lập và hoạt động của các cơ sở này.
Thảo luận và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiểm toán độc lập, đa số các thành viên UBTVQH cho rằng cần phân biệt rõ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề kiểm toán với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bởi, đa số các ý kiến của đại biểu Quốc hội cho phép các doanh nghiệp hành nghề kiểm toán được cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn kinh tế, tài chính, thuế, dịch vụ kế toán…
Đây là các loại hình dịch vụ kinh doanh không cần xin giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước, theo đó các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của Luật Doanh nghiệp…
Về kiểm toán viên hành nghề, một số ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo Luật, không yêu cầu bắt buộc kiểm toán viên hành nghề phải là hội viên của Hội Nghề nghiệp vì cho rằng đây là tổ chức được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện. Mặt khác, các kiểm toán viên chỉ hành nghề trong các doanh nghiệp kiểm toán và không được phép hành nghề cá nhân.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng kiểm toán độc lập là loại hình dịch vụ đặc biệt, để quản lý tốt và nâng cao vai trò của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, đề nghị quy định kiểm toán viên hành nghề phải là hội viên của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán.
Phúc Hằng