Như báo Tin tức đã thông tin, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng và mới đưa vào sử dụng đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ đã bị hư hỏng mặt đường.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tình trạng hư hỏng có thể do 3 nguyên nhân: Tại một số vị trí, độ dính bám của lớp bê tông nhựa, lớp tạo nhám mỏng, có độ dính bám không được tốt và trong quá trình thi công vệ sinh chưa kỹ, để bụi bẩn bám trên bề mặt lớp bê tông nhựa bình thường; do phương tiện lưu thông trên cao tốc làm... rơi vãi dầu diesel, chất “kỵ” với bê tông nhựa; do mưa đọng cục bộ tại một số vị trí thấp trũng.
“Dưới tác động của tải trọng các bánh xe lưu thông qua những vị trí này, làm mất đi tính liên kết của lớp bê tông nhựa ngậm nước, dễ làm bong tróc bề mặt lớp trên. Lưu lượng xe lưu thông lớn, di chuyển qua các ổ gà cũng làm hư hỏng lan rộng ra xung quanh”, ông Thành cho hay.
Được biết, sau khi thông xe toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (tháng 9/2018), lượng phương tiện lưu thông tăng cao đạt trên dưới 6.000 phương tiện/ngày.
Ngay trong sáng 11/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã cử đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi kiểm tra và báo cáo khẩn giải pháp xử lý.
Ngay khi nhận được báo cáo của đoàn công tác, Bộ GTVT xem xét và tính đến khả năng chỉ đạo dừng thu phí, yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục khẩn cấp. Sau khi khắc phục xong, Bộ sẽ cho kiểm tra, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật mới cho thu phí trở lại. Vì đây là công trình thu phí của người dân, không thể để tình trạng đường hỏng mà vẫn cho thu phí.
Liên quan đến hiện tượng hư hỏng cục bộ trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang xảy ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu Bộ GTVT báo cáo trực tiếp giải pháp xử lý.
“Thiết kế đường cao tốc phải tính hết các bài toán tổ hợp rất nhiều yếu tố như: Xe quá tải trọng, các điều kiện mưa, gió, bão lũ, động đất… trong phương án thiết kế. Các nguyên nhân như nêu trên là không chấp nhận được”, Phó Thủ tướng khẳng định.