Phát triển vùng: Xoá bỏ xung đột lợi ích 'Mạnh ai nấy làm'

Trong suốt hơn 35 năm đổi mới và qua các kỳ Đại hội, phát triển vùng luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm với nhiều Nghị quyết, chính sách được ban hành nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của 6 vùng kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, do chính sách chưa sát hợp và chưa mang tính tổng thể cộng với việc vận dụng chưa hợp lý, còn “mạnh ai nấy làm”, các vùng chưa khai thác hết những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Với sự thiếu gắn kết trong mỗi vùng, trong liên vùng kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định việc Bộ Chính trị đưa ra các nghị quyết về phát triển vùng lúc này để quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức triển khai tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Pacific 100% vốn đầu tư Nhật Bản tại phường Chăm Mát, TP Hòa Bình (Hòa Bình) chuyên sản xuất, chế biến dưa chuột, gừng, lá ớt xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh minh họa: Nhan Sinh/TTXVN

Thực tế, không thể phủ nhận những thay đổi mạnh mẽ của 6 vùng kinh tế - xã hội bao gồm Trung du và miền núi Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua. Có thể kể đến, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành những vựa gạo, trái cây, thủy sản của cả nước; Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, hạ tầng giao thông từng bước kết nối liên vùng, gắn kết các địa phương... Diện mạo mỗi vùng từng bước đổi thay, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế cả nước; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhiều miền quê tại nhiều vùng đã trở thành những nơi đáng sống.

Tuy nhiên, sau hơn 35 năm đổi mới, 6 vùng kinh tế - xã hội vẫn chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế. Trong đó, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, người dân phần lớn chưa khá giả. Sự đóng góp của Đồng bằng sông Cửu Long vào GDP của cả nước trong hơn ba thập kỷ qua giảm mạnh. Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước; quy mô kinh tế còn nhỏ; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững.

Thực tế đã chỉ ra sự thiếu liên kết vùng đã dẫn đến một số địa phương gặp phải vấn đề “xung đột lợi ích”, chưa xem xét việc phối hợp trong lợi ích tổng thể của cả vùng, mà cục bộ “mạnh ai nấy làm”. Vì thế xảy ra tình trạng không những không liên kết, hợp tác, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau phát triển mà trái lại còn làm giảm động lực tăng trưởng, không khai thác, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của cả vùng. Và khi mỗi vùng không phát huy được lợi thế thì kéo theo sự kìm hãm phát triển của cả nước.

Gần đây nhất khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, mỗi địa phương đều ưu tiên phòng chống dịch với nhiều biện pháp giãn cách ngặt nghèo khiến khâu vận chuyển ách tắc, tiêu thụ nông sản tại những vùng sản xuất gần như đứng im, nông dân không buồn thu hoạch. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh lại xảy ra khan hiếm lương thực, thực phẩm. Dù cho việc khan hiếm chỉ là cục bộ nhưng cho thấy khi trong mỗi vùng, liên vùng thiếu sự liên kết, hợp tác sẽ gây ra những thiệt hại không hề nhỏ.   

Với vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra liên kết nội vùng và liên kết với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô còn yếu, hiệu quả thấp, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định nguyên nhân là do chưa có cơ chế liên kết và một hội đồng điều phối vùng để điều phối chung. 

Thực tế này cũng đang diễn ra ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ dẫn đến xung đột lợi ích giữa các địa phương; các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thực sự phát huy vai trò “đầu tàu” cho các địa phương khác trong vùng.

Tổng Bí thư đã đặt vấn đề cần phải khắc phục tình trạng tỉnh nào cũng xin cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi riêng, không phù hợp với những nguyên tắc chung cơ bản của kinh tế thị trường là thống nhất và bình đẳng.

Cụ thể hơn, Tổng Bí thư yêu cầu liên kết vùng phải trở thành tư duy chỉ đạo dẫn dắt sự phát triển; các bộ, ngành đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng. Chính phủ, các cơ quan Trung ương tăng cường phối hợp với các địa phương mỗi vùng khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, từ trung ương đến địa phương cần quán triệt đặt vấn đề phát triển vùng trong tổng thể phát triển chung của cả nước, bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia để "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt".

Để xóa nhòa khép kín trong liên kết vùng, phát huy vai trò các đầu tàu kinh tế trọng điểm, cùng với việc tiếp tục xây dựng, phê duyệt các quy hoạch vùng, hoàn thiện cơ chế điều phối vùng, các bộ, ngành, địa phương đã và đang đề xuất, triển khai xây dựng những dự án, tuyến đường kết nối giữa các tỉnh trong vùng và liên vùng. Mới đây nhất, UBND thành phố Cần Thơ đã đề xuất Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) và đơn vị tư vấn triển khai dự án tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ trước năm 2030. Dự kiến tuyến đường sắt sẽ kết nối 6 địa phương gồm: TP Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ cùng các tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long với 13 ga. Hay tại tỉnh Thái Nguyên vừa khởi công xây dựng tuyến đường kết nối Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc.

Việc đưa các Nghị quyết Trung ương về phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội vào cuộc sống là chặng đường dài nhưng ngay từ lúc này với sự thống nhất từ tư duy đến hành động trong phát triển vùng của các cấp trung ương, chính quyền địa phương, khoảng cách giữa các tỉnh, các vùng sẽ sớm được rút ngắn không chỉ về không gian mà cả về tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu nhập... Đúng như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội: "Bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; thúc đẩy phát triển nhanh các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời tạo điều kiện phát triển các vùng có nhiều khó khăn; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư; các chính sách kinh tế-xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc". 

Thu Hạnh (TTXVN)
Phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Kết nối, tiêu thụ xoài và các loại trái cây  
Phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Kết nối, tiêu thụ xoài và các loại trái cây  

Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây Bắc, được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, tạo tiềm năng thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao nói chung và các loại cây ăn quả nói riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN