70 năm Giải phóng Thủ đô:

Phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng

70 năm kể từ ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Hà Nội luôn vươn lên bằng khát vọng, bản lĩnh và sự sáng tạo không ngừng, đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa và hội nhập quốc tế.

Đó là quá trình Đảng bộ, nhân dân Hà Nội phấn đấu, lao động, sáng tạo không mệt mỏi dưới sự lãnh đạo của Đảng; là quá trình hiện thực hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển Thủ đô.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, về chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển Thủ đô Hà Nội.

Chú thích ảnh
GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trong suốt cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 17 năm gắn bó với Hà Nội, Người đã đặt nền tảng định hướng phát triển Thủ đô. Ông có thể cho biết nền tảng định hướng đó được Người đặt ra như thế nào?

Những ngày tháng đầu mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã quyết định chọn Hà Nội làm Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong bối cảnh đất nước lâm nguy, vận mệnh dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi, phát huy từ sớm vai trò tiên phong trên thực tế của Đảng bộ, nhân dân Hà Nội. Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi sát sao, động viên, chỉ đạo kịp thời phong trào kháng chiến của nhân dân Hà Nội với niềm tin tưởng Hà Nội nêu gương dũng cảm cho toàn quốc.

Ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng trở về Thủ đô. Từ đó cho đến khi "đi xa", Người đã có nhiều dịp tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân Thủ đô, làm việc với Đảng bộ, hệ thống chính trị Hà Nội, chủ trì các phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng bàn về quy hoạch phát triển Thủ đô... Từ những bài viết, bài phát biểu, những việc làm của Người tỏa sáng những luận điểm nền tảng, định hướng cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Thủ đô xã hội chủ nghĩa bình yên, tươi đẹp, phồn thịnh về vật chất, tinh thần. Thứ hai, Người chỉ rõ, người Hà Nội, nhân dân Hà Nội cần giữ gìn thuần phong, mỹ tục, tự giác đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Hà Nội thành thành phố gương mẫu cho cả nước. Thứ ba, Người căn dặn, Thủ đô phải phát triển toàn diện đồng bộ, chăm lo phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, giáo dục, quản lý xã hội, xây dựng đời sống mới... Thứ tư, quy hoạch phát triển Thủ đô phải phù hợp với quy luật tự nhiên và thuận theo lòng người, hài hòa các nhân tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thứ năm, nhân tố quyết định là thường xuyên củng cố, xây dựng Đảng bộ, trọng tâm là xây dựng chi bộ mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Tư tưởng định hướng và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, mãi là kim chỉ nam cho quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội.

Từ khi giành thắng lợi cách mạng đến nay, Đảng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Sự quan tâm đó được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội luôn là một trong những việc có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình lãnh đạo của Đảng. 70 năm qua, trải qua các giai đoạn cách mạng nhiều khó khăn, thử thách, Đảng đã căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước, của Hà Nội, kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, tham khảo những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam, ban hành, lãnh đạo thực hiện nhiều quyết sách quan trọng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Những quyết sách quan trọng của Đảng về Thủ đô là một quá trình liên tục, vừa kế thừa vừa hoàn thiện, gắn liền với 3 giai đoạn của cách mạng nước ta.

Những năm đầu Thủ đô mới giải phóng (1954-1960), Đảng đã quan tâm ngay đến vấn đề phát triển Thủ đô. Ngày 29/8/1958, Bộ Chính trị, khóa II đã họp, bàn về vấn đề mở rộng thành phố Hà Nội theo kế hoạch dài hạn. Ngày 16/11/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp, định hướng xây dựng một số công trình lớn trên địa bàn Thủ đô và mở rộng khu vực ngoại thành.

Những thập niên đầu đổi mới (1986-1999), sau khi khởi xướng, lãnh đạo công cuộc đổi mới, phá vỡ thế bị bao vây cấm vận, đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội, từ giữa những năm 1990, Đảng đã chú trọng lãnh đạo phát triển Thủ đô Hà Nội, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới.

Bước vào thế kỷ XXI, sự phát triển sâu rộng của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, của khoa học công nghệ trên thế giới; những thành tựu quan trọng của đất nước, của Thủ đô Hà Nội sau 15 năm đổi mới, đặt ra yêu cầu và tạo tiền đề để Đảng hoàn thiện chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội.

Sau 70 năm Hà Nội giải phóng, Đảng, Nhà nước đã ban hành một hệ thống văn bản đồng bộ, hoàn chỉnh, đặt cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc và xác định rõ những định hướng ở tầm chủ trương, quan điểm, nguyên tắc, phương châm làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho công cuộc phát triển Thủ đô.

Chú thích ảnh
Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Các văn kiện của Đảng, Nhà nước đã đề cập hệ thống, toàn diện, sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng, cơ bản về định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội. Điều đó thể hiện như nào, thưa ông?

Trước hết, Đảng, Nhà nước xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của Thủ đô và công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô.

Trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước thể hiện nhất quán, ngày càng đầy đủ, sâu sắc về vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Trước hết, Thủ đô là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, biểu tượng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nơi đặt trụ sở các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức quốc tế; nơi khởi phát mọi đường lối, chủ trương của Đảng; nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước. Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, giao dịch và hội nhập quốc tế.

Thủ đô Hà Nội đóng vai trò trọng yếu trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội, an ninh con người. Thủ đô Hà Nội là đầu mối giao dịch, hội nhập quốc tế lớn, chủ yếu của đất nước, phải nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy sức hấp dẫn của thành phố hòa bình, đi tiên phong trong thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng.

Xin ông cho biết tư tưởng chỉ đạo, phương châm phát triển Thủ đô được Đảng, Nhà nước đề ra như nào?

Trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước về Thủ đô Hà Nội đã nêu những quan điểm chỉ đạo phù hợp với từng giai đoạn phát triển, tổng hợp lại thành một hệ thống tư tưởng chỉ đạo, phương châm phát triển nhất quán, hoàn chỉnh, có giá trị định hướng về nhận thức, hành động.

Thứ nhất, phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, trực tiếp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội.

Thứ hai, chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội phải đặt trong quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội vùng và cả nước; với chiến lược phát triển đô thị quốc gia; với chiến lược hội nhập quốc tế và chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế phát triển toàn diện, đồng bộ; tạo sự đột phá trong huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực, sức mạnh tổng hợp, trong đó, phát huy lợi thế của Thủ đô kết hợp với nguồn lực của cả nước là quyết định, tranh thủ nguồn lực từ hợp tác quốc tế là quan trọng.

Thứ tư, phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh, bền vững, hài hòa giữa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quản lý đô thị, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Thứ năm, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, gương mẫu, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô.

Chú thích ảnh
Hà Nội ngày càng phát triển, các tòa cao ốc, nhà cao tầng mọc lên san sát. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin Tức

Ông có thể cho biết định hướng của Đảng và Nhà nước về mục tiêu, phương hướng phát triển để đề cao vai trò tiên phong, tiềm năng phát triển của Hà Nội?

Định hướng mục tiêu phát triển của Thủ đô đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”; đóng vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Phát huy vai trò đi đầu, dẫn dắt của Thủ đô trong tiến trình phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Đảng đưa ra tầm nhìn: đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; đạt trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Để đạt được những mục tiêu cao cả đầy khát vọng đó, Đảng, Nhà nước xác định những phương hướng lớn mà Thủ đô phải phấn đấu thực hiện thắng lợi:

Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trong nước, quốc tế, đóng vai trò đầu tầu dẫn dắt, động lực thúc đẩy kinh tế vùng, kinh tế cả nước; trở thành một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phát triển văn hóa, xây dựng con người toàn diện, đồng bộ, mang đậm bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến. Làm cho văn hóa, con người Hà Nội thực sự tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn. Hà Nội đi nhanh vào hiện đại nhưng phải giữ được bản sắc của một Thủ đô hơn nghìn năm tuổi với những đặc sắc riêng có.

Chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại. Xây dựng khu vực phòng thủ các cấp vững chắc. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Thủ đô, đất nước.

Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ về chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức, tổ chức, cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.

Từ những phương hướng lớn, Đảng, Nhà nước đã gợi mở những định hướng phát triển trên các lĩnh vực quan trọng, những nhiệm vụ trọng tâm, những nhóm giải pháp chủ yếu, tạo điều kiện để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội có cơ sở vững chắc vận dụng, phát triển sáng tạo, phấn đấu xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa ngày càng văn minh, hiện đại.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú!

TTXVN/Báo Tin tức
70 năm giải phóng Thủ đô: Những dấu mốc quan trọng
70 năm giải phóng Thủ đô: Những dấu mốc quan trọng

70 năm trước, ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, mở đầu thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN