Phát triển ngành đóng tàu phải gắn với qui hoạch biển

(Tin tức) - Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với các thành viên Chính phủ trong kỳ họp này tập trung vào một số vấn đề chung, lớn mang tầm quản lý vĩ mô, những vấn đề bức xúc, nổi cộm: Điện; điều hành xuất, nhập khẩu; y tế; quản lý tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có Vinashin… Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lịch sử Nguyễn Ngọc Đào (ảnh), ĐBQH Hà Nội xung quanh vấn đề phát triển Vinashin.

Vấn đề Tập đoàn Vinashin đang được nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau. Vậy ý kiến của ông về Vinashin thế nào?

Có thể nói, một trong những nội dung của kỳ họp lần này được ĐBQH quan tâm là hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế nói chung; đặc biệt là với Tập đoàn Vinashin… Tôi cho rằng sự quan tâm của Quốc hội lúc này là rất đúng lúc. Có thể nói lâu nay, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được quan tâm là do nó có ảnh hưởng khá rõ nét trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Sau khi có việc Tập đoàn Vinashin làm ăn gặp khó khăn, Quốc hội càng băn khoăn hơn; có ý kiến cho rằng do buông lỏng quản lý, có quan điểm cho rằng giám sát của Quốc hội chưa thấu đáo; lại có ý kiến cho rằng bản thân các tập đoàn, tổng công ty còn có phần ỷ vào sự độc quyền để đưa các hoạt động kinh tế của mình chưa thực hiện đúng chức năng cơ bản là đầu tàu kinh tế, mà còn chủ yếu phục vụ cho nhóm lợi ích của họ…

Sau khi nghiên cứu dư luận và thực tế tại một số đơn vị lớn của Tập đoàn Vinashin, chúng tôi thấy rằng Tập đoàn đã được Chính phủ cho phép thành lập 1 năm trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức… Và ngay từ khi nhận nhiệm vụ là người đứng đầu Chính phủ thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có rất nhiều biện pháp để chấn chỉnh hoạt động tất cả các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, trong đó có Vinashin. Như vậy, Thủ tướng đã phải gánh trách nhiệm nặng nề khi hành lang pháp lý cho các tập đoàn, tổng công ty chưa rõ… Do vậy, theo tôi, Thủ tướng Chính phủ đã có nỗ lực rất lớn trong việc đưa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty vào khuôn khổ cho phép…

Thưa ông, có không ít ý kiến cho rằng, rõ ràng, với sự chấn chỉnh kịp thời của Thủ tướng Chính phủ thì các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có sự chuyển biến tích cực? Ông có ý kiến gì về nhận định này?

Tôi đồng ý với nhận định này. Vừa rồi Thủ tướng đã có những quyết sách cụ thể, hiệu quả, kịp thời trong việc chấn chỉnh, tạo tiền đề để các tập đoàn phát triển và đi đúng định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiến tới là các đầu tàu kinh tế. Ví dụ như việc ban hành các quyết định để làm rõ các chức năng, nhiệm vụ của tập đoàn, tổng công ty, thu hẹp những đầu mối kinh doanh chưa đúng tiêu chí để tập trung vào những mũi nhọn, chủ đạo thuộc thế mạnh của từng tập đoàn, tổng công ty. Cụ thể gần đây nhất là Vinashin đã tái cơ cấu rõ theo hướng đó. Hiện Vinashin có 3 lĩnh vực, trong đó đóng tàu là chủ chốt, thứ đến là công nghiệp phụ trợ và sửa chữa đang từng bước ổn định bằng những hợp đồng kinh tế đã và đang được thực hiện tốt giữa Vinashin với các đối tác như Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và với nhiều đối tác nước ngoài…

Vậy theo ông, việc phát triển Tập đoàn Vinashin gắn với thương hiệu những con tàu Vinashin vươn ra biển lớn có cần thiết?

Nước ta là một quốc gia có tới hơn 3.600 km bờ biển; nếu chúng ta không phát triển ngành đóng tàu là một sai lầm lớn về mặt hoạch định chính sách phát triển kinh tế. Do đó, phải bảo lưu, phải cấu trúc lại Vinashin là việc làm cần thiết. Bên cạnh đó, với sự kế thừa truyền thống đóng tàu của người Việt ta từ lâu đời, Vinashin lại có lợi thế về đội ngũ cán bộ, công nhân viên đông đảo, tận tâm với nghề nghiệp mà chúng ta không phát huy những lợi thế đó thì quả là lãng phí lớn… Thứ nữa là những con tàu do Vinashin đóng đều được nước ngoài chấp nhận, với nhiều đơn đặt hàng thì tại sao chúng ta lại không tận dụng thị trường cho loại sản phẩm đã giành được thiện cảm của khách hàng…

Tuy nhiên, để trụ được và thực sự trở thành một tập đoàn đóng tàu lớn, đảm đương tốt chức năng, nhiệm vụ được giao thì chúng ta phải có giám sát để Vinashin có báo cáo hàng năm trước Quốc hội và Vinashin phải tiếp tục nỗ lực vươn dậy mạnh mẽ.

Cũng qua giám sát, ông có thể đánh giá thế nào về khả năng trả nợ của Vinashin?

Tôi rất đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin là Vinashin vay thì Vinashin có trách nhiệm trả… Thực tế cũng cho thấy Vinashin có thể trả được, bởi thị trường đóng tàu rất rộng lớn; không chỉ là thị trường nước ngoài, mà ngay nội tại trong nước cũng rất dồi dào. Hơn 3.600 km bờ biển thì nghề khơi, nghề hàng hải cũng không khi nào hết nhu cầu để Vinashin cung ứng sản phẩm… Do vậy, chỉ riêng hướng vào thị trường nội địa Vinashin cũng đủ sức để trả nợ, vì đa phần tàu của ta hiện còn rất nhỏ, trang bị kém, không thể đánh bắt xa bờ. Chúng ta có quyền đánh bắt xa bờ, nhưng chúng ta đã có mấy đội tàu đánh bắt xa bờ? Ngay như vận tải biển chúng ta cũng chủ yếu dựa vào tàu nước ngoài, nên đây cũng là một thị trường đầy tiềm năng cho Vinashin cung ứng sản phẩm tàu, chưa nói đến thị trường nước ngoài, nhất là trong khu vực. Tôi tin là Vinashin sẽ đứng vững nếu Vinashin thực sự đạt được các yêu cầu: Lãnh đạo Tập đoàn ấy tận tâm, tận lực với công việc, đặt lợi ích của tập thể cán bộ, công nhân lên trên; chuyên môn hóa, tức phải hiểu công việc kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về công việc của chính mình…

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến(thực hiện)
Những dự án chuyển giao
Những dự án chuyển giao

(Tin tức) - Tổng tài sản do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chuyển giao sang Vinalines khoảng 14.000 tỷ đồng. “Cận cảnh” quá trình xử lý khối tài sản này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến con tàu Vinashin lún sâu vào khủng hoảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN