Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam

(Tin tức) - Ngày 18/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 2108/QĐ - TTg về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) với mục tiêu sớm ổn định sản xuất kinh doanh của tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển.

Vinashin tập trung vào 3 lĩnh vực chính là công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu biển; đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ công nhân công nghiệp tàu biển. Xây dựng tập đoàn làm nòng cốt của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Yêu cầu của Đề án tái cơ cấu là không để ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế; duy trì đội ngũ lao động, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của nhà đầu tư, người lao động trong các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp. Khai thác, sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại những tài sản đã và đang đầu tư; thu hồi tối đa các khoản đã đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính để tập trung cho phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển. Thời gian tái cơ cấu: Năm 2011 - 2013.

Vinashin sau khi tái cơ cấu là tổ hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu biển, công nghiệp phụ trợ, đào tạo, phục vụ đóng và sửa chữa tàu biển, gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, bao gồm: Công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết, đơn vị sự nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động. Công ty mẹ và các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân, có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận chung của tập đoàn. Trong đó, công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các công ty con (3 tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, Bạch Đằng và Phà Rừng, 12 công ty thành viên), 2 công ty liên doanh (Công ty TNHH Sejin – Vinashin và Công ty TNHH Songsan - Vinashin), một công ty liên kết là Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Huyndai Vinashin, hai đơn vị sự nghiệp là Viện Khoa học công nghệ tàu thủy và Trường cao đẳng nghề Vinashin.

Thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp còn lại trong tổ hợp Vinashin hiện nay theo các hình thức: Cổ phần hóa, bán doanh nghiệp, bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, giải thể, phá sản... Hội đồng thành viên Vinashin chủ động thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp này một cách linh hoạt về hình thức và thời gian, theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm các yêu cầu đã nêu trên. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp các doanh nghiệp, Vinashin áp dụng cơ chế, chính sách liên quan trong lĩnh vực đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước.

Các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan và thực hiện một số quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu mà Thủ tướng Chính phủ giao đối với Vinashin. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo việc tái cơ cấu Vinashin theo quy định tại Điều 1 quyết định này; giám sát việc thực hiện theo pháp luật, mục tiêu, yêu cầu, thời hạn tái cơ cấu Vinashin; kịp thời xử lý những vướng mắc, phát sinh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền, đồng thời chỉ đạo Vinashin xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển của tập đoàn giai đoạn 2011 - 2015, có tính đến 2020. Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát Vinashin trong việc cơ cấu lại tài chính, xử lý nợ, cân đối các nguồn vốn trả nợ, việc huy động và sử dụng vốn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư; rút vốn bằng thương hiệu; xác định lại mức vốn điều lệ của Vinashin phù hợp với nhiệm vụ được giao, cấp đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, hướng dẫn tập đoàn đăng ký doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại dự án đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư của tập đoàn theo quy định của pháp luật về đầu tư; hướng dẫn tập đoàn xây dựng quy chế quản trị nội bộ, đổi mới tổ chức quản trị doanh nghiệp có hiệu lực, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong việc cơ cấu lại các khoản nợ và cho vay mới theo đúng quy định của pháp luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tái cơ cấu tài chính Vinashin.

Hội đồng thành viên Vinashin tổ chức thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu Vinashin theo quyết định này, theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan liên quan; thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với phần vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác trong quá trình sắp xếp nêu tại điểm 5, Điều 1 quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN