Những ngày này, trên vùng đất Điện Biên lịch sử, nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực và ý nghĩa được tổ chức, hướng tới sự kiện đặc biệt quan trọng - kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014). Trả lời phỏng vấn của TTXVN, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã chia sẻ về những bước phát triển mới trên vùng đất lịch sử anh hùng, giàu bản sắc; việc bảo tồn, khai thác, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa; cũng như những định hướng, giải pháp cần tập trung thực hiện để Điện Biên có thể bứt phá vươn lên cùng cả nước .* Phóng viên: Là địa danh gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ngày nay Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục vượt khó vươn lên trong công cuộc xây dựng và phát triển. Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật mà Điện Biên đã đạt được thời gian qua?Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: TTXVN.
|
Đồng chí Mùa A Sơn: Trong những năm qua, tình hình kinh tế trong nước và của tỉnh có những bước phát triển, nhưng cũng có nhiều khó khăn thách thức. Với sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên các mặt kinh tế - xã hội vẫn được duy trì ổn định và phát triển, một số thành tựu nổi bật trong những năm qua, đặc biệt là năm 2013 như sau:
Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức khá cao; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1996-2000 là 6,55%, giai đoạn 2001-2005 là 9,3%, giai đoạn 2006-2011 là 11,62%; năm 2013 tăng trưởng là 8,55%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, chú trọng phát triển thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ...; GDP bình quân đầu người năm 2013 đạt 20,41 triệu đồng/người/năm. Năm 2013, sản lượng lương thực đạt trên 23 vạn tấn, tăng 1,7 lần so với năm 2000, bình quân lương thực đạt trên 420 kg/người/năm; từ chỗ thiếu lương thực, những năm gần đây tỉnh đã tự túc được lương thực và có một phần trở thành hàng hóa bán ra bên ngoài.
Công nghiệp, xây dựng bước đầu khai thác được tiềm năng, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Các ngành dịch vụ, thương mại phát triển nhanh cả về qui mô, mạng lưới và chất lượng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư xây dựng, bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn đổi thay tiến bộ. Các nguồn lực đầu tư được khai thác và sử dụng có hiệu quả, nhất là phát triển thủy điện nhỏ, giao thông, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, kinh tế cửa khẩu, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2013, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 6.977 tỷ đồng ; tỉnh hiện có 125/130 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 88% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, 72,6% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 126/130 xã có điện lưới quốc gia, 79,89% hộ dân được sử dụng điện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 3%/năm, đến năm 2013 còn 35,06% (riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ giảm bình quân trên 5%/năm) .
Giáo dục, đào tạo phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, toàn tỉnh có 26,58% trường đạt chuẩn quốc gia; trên 90% đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn; có 81,5% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 57,7% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ II.
Các hoạt động báo chí, thông tin truyền thông, phát thanh, truyền hình... phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Công tác bảo tồn và phát huy di tích lịch sử, phát triển văn hóa các dân tộc được quan tâm chỉ đạo thực hiện có kết quả. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh đảm bảo. Các hoạt động đối ngoại mở rộng. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động nâng lên. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đạt kết quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
* Phóng viên: Thưa đồng chí, Điện Biên là vùng đất anh hùng, giàu bản sắc văn hóa, với nhiều di tích lịch sử, ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Vậy, Điện Biên đã bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa đó như thế nào để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau?Đường 7/5 ở thành phố Điện Biên Phủ sẽ được đổi tên thành đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh TTXVN |
Đồng chí Mùa A Sơn: Như các đồng chí và các bạn đã biết, Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi Tây Bắc của Tổ quốc có tổng diện tích tự nhiên 9.562,9 km 2 ; dân số trên 53 vạn người, với 19 dân tộc anh em sinh sống; mỗi dân tộc với bản sắc văn hóa độc đáo và phong tục tập quán riêng của vùng Tây Bắc. 60 năm qua tỉnh Điện Biên rất vinh dự và tự hào được thay mặt nhân dân cả nước gìn giữ và phát huy giá trị quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, một trong 10 di tích đặc biệt của cả nước được công nhận lần đầu tiên.
Để bảo tồn, bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trong các năm qua tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành mà trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật di sản, cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, qua đó hàng năm có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh mới được phát hiện và bảo vệ; các phong tục tập quán, các lễ hội truyền thống được khôi phục và giữ gìn qua đó các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.
Đến nay, tỉnh Điện Biên có 7 di tích cấp quốc gia trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (1 trong 10 di tích cấp quốc gia đặc biệt được công nhận lần đầu tiên trong cả nước); 2 di tích cấp tỉnh đang tiến hành các thủ tục công nhận và xếp hạng, 2 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp tỉnh. Trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên hiện có 8 bản văn hóa đang lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Đối với các di tích thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, thực hiện Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 26/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc p hê duyệt Dự án tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên), trong các năm qua tỉnh đã triển khai thực hiện và chỉ đạo các sở, ngành thực hiện có hiệu quả Dự án, góp phần vào việc gìn giữ, bảo quản và phát huy các giá trị của quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, do việc cân đối và bố trí ngân sách từ Trung ương cho việc triển khai thực hiện các nội dung công việc của Dự án tổng thể chưa đáp ứng được nhu cầu nên nhiều điểm di tích chưa được đầu tư như thiết kế; trước khó khăn trên tỉnh Điện Biên rất mong các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đầu tư tại Điện Biên, đặc biệt là các công trình di tích.
Qua công tác chỉ đạo, điều hành, cùng với các chủ trương chính sách đúng đắn trong công tác bảo tồn, bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tỉnh Điện Biên đã thu được những kết quả nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Khách du lịch trong và ngoài nước đến Điện Biên ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước, doanh thu từ các hoạt động du lịch qua đó cũng ngày một tăng lên. Năm 2013, tỉnh đã đón tiếp trên 380,5 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 66,7 nghìn lượt khách quốc tế; với doanh thu trên 400 tỷ đồng đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên xác định từng bước sẽ đưa Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2014, từ ngày 13 – 15/3 tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức các hoạt động trong Tuần Văn hóa Du lịch Điện Biên năm 2014 để tuyên truyền và quảng bá những hình ảnh, những nét văn hóa độc đáo đến với đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch tiếp cận các thông tin về du lịch Điện Biên, từng bước đưa Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với những hình ảnh đẹp, thân thiện, đa dạng, giàu bản sắc.
* Phóng viên: Mặc dù được Trung ương và cả nước quan tâm, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng luôn hết sức cố gắng, nhưng đến nay tỉnh Điện Biên vẫn là một tỉnh nghèo. Xin đồng chí cho biết những định hướng chủ yếu mà tỉnh tập trung thực hiện trong thời gian tới để Điện Biên có thể bứt phá vươn lên cùng cả nước?Đồng chí Mùa A Sơn: Như các bạn đã biết - Điện Biên là tỉnh có địa hình không thuận lợi, chủ yếu là đồi núi cao, chia cắt phức tạp và có độ dốc lớn (hơn 70% quỹ đất của tỉnh có độ dốc trên 25%); dân cư thưa, sống không tập trung; giao thông đi lại khó khăn; tài nguyên thiên nhiên nghèo; nguồn lực và thu hút đầu tư không đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh...
Để hoàn thành thắng lợi m ục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, trước mắt là năm 2014, tại kỳ họp thứ 9 , HĐND tỉnh khóa XIII đã xác định mục tiêu là : “Nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái ” . UBND tỉnh xác định một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2014 như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 9,52%; sản lượng lương thực phấn đấu đạt 236,58 ngàn tấn, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41,58%; thu nội địa tăng 11,44% so với ước thực hiện 2013; giảm tỷ lệ đói nghèo là 3,57% so với năm 2013...
Do vậy, UBND tỉnh tập trung vào những giải pháp và định hướng chủ yếu để chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gồm: Tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, bảo đảm phát triển bền vững; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế , đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đảm bảo an sinh, giảm nghèo bền vững, quan tâm chăm lo các vấn đề xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng, chống tham nhũng , thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường tiềm lực về quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại .
Cùng với những giải pháp trên, tỉnh Điện Biên hiện đang là một tỉnh đặc biệt khó khăn, do vậy cần tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và thực hiện thật tốt các nhiệm vụ, chương trình dự án mà Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước đã quan tâm đầu tư trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
* Phóng viên : Trân trọng cảm ơn đồng chí.
PV