Năm 2020 được xem là một năm khá đặc biệt với lực lượng Bộ đội Biên phòng. Vậy theo Thiếu tướng, đâu là dấu ấn của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong năm này?
Năm 2020, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã lãnh đạo toàn lực lượng tập trung đạt được một số thành tích đáng chú ý. Tuy nhiên, tôi cho rằng dấu ấn lớn nhất của Bộ đội Biên phòng trong năm 2020 là việc tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến nhiệm vụ biên phòng. Chúng tôi đã xây dựng và hoàn thành một dự án luật, một nghị định, một thông tư và đặc biệt là Luật Biên phòng Việt Nam đã được Kỳ họp thứ X, Quốc hội Khóa XIV thông qua với số phiếu ủng hộ rất cao.
Việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 trên các tuyến biên giới được Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt, góp phần để Việt Nam là một trong những nước thành công nhất trong ngăn chặn đại dịch. Năm 2020, lực lượng đã phá hơn 11.000 vụ án với trên 4000 đối tượng bị bắt giữ, trong đó riêng ma túy, đã bắt giữ trên 30 tấn ma túy và phát hiện, bắt giữ và ngăn chặn trên 37.000 người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Đây là một số rất lớn để ngăn chặn làn sóng xuất, nhập cảnh trái phép.
Chúng tôi cũng duy trì công tác sẵn sàng chiến đấu và tổ chức nắm tình hình, tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xử lý kịp thời các diễn biến, tình hình xảy ra trên các tuyến biên giới. Làm tốt công tác giữ vững an ninh, chủ quyền, an ninh biên giới, góp phần giữ ổn định và thực hiện các nhiệm vụ công tác quy hoạch và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tôi cho rằng đó là những thành công rất lớn mà Bộ đội Biên phòng đạt được trong năm 2020.
Tình hình đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của chủng mới. Là lá chắn vững chắc trên tuyến đầu biên giới, lực lượng Biên phòng đang thực hiện những biện pháp gì để ngăn chặn, không cho đại dịch lây lan vào nội địa, thưa ông?
Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp. Hiện nay, chủng mới đã lan rộng ở nhiều tỉnh nước ta, làm ảnh hưởng, xáo trộn an ninh và gây ra sự lo lắng đối với người dân trong cả nước, nhất là trong bối cảnh bước vào giai đoạn đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Thực hiện chủ trương của Ban Chỉ đạo các cấp, ngay từ đầu năm 2020 và trong giai đoạn hiện nay, Bộ đội Biên phòng đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19. Toàn bộ lực lượng Biên phòng đã được lệnh ở lại đơn vị trong dịp Tết, đồng thời duy trì nghiêm 1.608 tổ chốt với trên 10.000 cán bộ, chiến sỹ cùng phối hợp với các lực lượng khác chốt chặn trên tuyến biên giới.
Chúng tôi đã điều động thêm 550 cán bộ, chiến sỹ của Học viện Biên phòng và lực lượng một số tỉnh lên tăng cường tuyến như Lạng Sơn, Cao Bằng, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh. Biên phòng tuyến biển cũng lên tăng cường cho tuyến biên giới với tổng số trên 1000 cán bộ, chiến sỹ. Chúng tôi phối hợp với các địa phương hình thành các tuyến để ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép với phương châm là rà từng ngõ, gõ từng nhà.
Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng phối hợp với các lực lượng ở cửa khẩu biên giới tổ chức phân luồng, cách ly theo quy định. Chỉ riêng trong tháng 1 năm 2021, chúng tôi đã phân luồng trên 17.000 người xuất, nhập cảnh qua biên giới để cách ly theo quy định và tuần tra, bắt giữ, ngăn chặn trên 6.000 người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Bộ đội Biên phòng hướng dẫn và phối hợp với các địa phương hình thành các tuyến để ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép.
Tôi cho rằng, với sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cấp ngành, các cấp, các lực lượng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chúng ta sẽ ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bộ đội Biên phòng đang phải thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa ngăn chặn đại dịch lại vừa phòng, chống tội phạm từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta. Lực lượng có phải chịu áp lực nào không, thưa Thiếu tướng?
Tôi cho rằng áp lực lớn nhất với Bộ đội Biên phòng hiện nay trong công tác phòng, chống đại dịch là khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, địa hình biên giới phức tạp.
Bộ đội Biên phòng hiện quản lý hơn 5.000 km đường biên giới đất liền và 3.260 km bờ biển. Cũng bởi điều kiện địa hình rất phức tạp nên việc bám trụ các tổ chốt, triển khai công tác tuần tra, kiểm soát tại tuyến biên giới phía Bắc và tuyến biên giới phía Tây Nam rất khó khăn. Nếu lực lượng không thực hiện nhiệm vụ chặt chẽ sẽ là sơ hở rất lớn cho các đối tượng lợi dụng và có nguy cơ lây lan bệnh dịch ra cộng đồng.
Với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch như hiện nay, việc đảm bảo điều kiện, đời sống vật chất cho lực lượng tại tuyến biên giới vẫn còn khó khăn, nhất là phải đảm bảo cho hơn cán bộ, chiến sỹ công tác tại 1.608 tổ chốt đủ điều kiện an tâm sinh hoạt và hoàn thành nhiệm vụ công tác phòng, chống dịch, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.
Một thách thức, khó khăn nữa là giải quyết vấn đề một số điểm chốt, những nơi có nguy cơ cao về xuất, nhập cảnh trái phép. Chúng tôi phải đồng bộ phối hợp với các địa phương, các hệ thống chính trị tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các cấp ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, quyết liệt khép chặt tuyến biên giới, không để sơ hở một đường mòn lối mở, không để các đối tượng, đường dây lợi dụng xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Với việc Quốc hội thông qua Luật Biên phòng Việt Nam, việc chủ trì phối hợp, quản lý, bảo đảm trật tự, an ninh biên giới, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại tội phạm của lực lượng bộ đội biên phòng tới đây sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Luật Biên phòng Việt Nam được Kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV thông qua có hiệu lực thi hành vào năm 2022. Tôi cho rằng, Luật được thông qua đã đáp ứng mong ước của các thế hệ lực lượng Bộ đội Biên phòng. Luật Biên phòng Việt Nam sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong bảo vệ, quản lý chủ quyền biên giới quốc gia và thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng.
Luật Biên phòng Việt Nam sẽ phát huy tốt vai trò chủ trì, nòng cốt, chuyên trách của Bộ đội Biên phòng cũng như phối hợp với các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng, đặc biệt là trong công tác quản lý chủ quyền quốc gia ở trên tuyến biên giới do Bộ đội Biên phòng quản lý.
Để thực hiện điều này, Bộ đội Biên phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các lực lượng chuyên trách như Công an, Hải quan, Cảnh sát Biển trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và thực hiện, thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Bộ đội Biên phòng đã tham mưu Đảng, Nhà nước, Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Nghị quyết số 33-NQ/TW xác định Bộ đội Biên phòng là một quân chủng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại để đáp ứng nhiệm vụ, công tác biên phòng trong thời kỳ mới. Trong tiến thẳng lên hiện đại có những thành phần như cửa khẩu, trinh sát và phòng, chống ma túy và tội phạm. Hiện nay, Bộ đội Biên phòng đã thực hiện Đề án xây dựng lực lượng Biên phòng, tinh gọn bộ máy tổ chức, trong đó ưu tiên các đơn vị cơ sở để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trên tuyến đầu.
Tôi cho rằng với những giải pháp cụ thể như thế, Bộ đội Biên phòng sẽ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng và trong Luật Biên phòng Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!