Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chiều 19/8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã trả lời các phóng viên báo chí về bài học kinh nghiệm trong thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: TTXVN


* Thưa Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, theo ông, sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa như thế nào trong thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945?


Để làm rõ sức mạnh của Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ phải đề cập đến diễn biến rất đặc biệt của Cách mạng tháng Tám. Cần nói rằng sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được đúc kết trong hàng nghìn năm lịch sử của đất nước và trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám đã được phát huy vì được hội tụ những điều kiện cụ thể.

Điều kiện thứ nhất là sức mạnh Đại đoàn kết đó đã được Đảng lãnh đạo, định hướng để từ tình cảm của người dân được tập hợp lại, trở thành sức mạnh hiện hữu. Bài học ở đây là sức mạnh Đại đoàn kết thông qua sự lãnh đạo của Đảng mới đem lại yếu tố tăng cường mới.

Điều kiện thứ hai là sức mạnh Đại đoàn kết đã trải qua một quá trình từ năm 1941 khi có Mặt trận Việt Minh, đến ngày 15-16/8/1945 hình thành các cuộc xuống đường của hàng vạn người ở Hà Nội và các địa phương khác để đe dọa, gây áp lực đối với bộ máy chính quyền của chế độ cũ với phát xít Nhật lúc đó, tạo thành lực lượng cách mạng để dẫn đến thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám.

* Lịch sử đã chứng kiến trong Cách mạng tháng Tám 1945, các hình thức vận động, tập hợp và quy tụ quần chúng của Mặt trận Việt Minh rất phù hợp, hoạt động rất hiệu quả. Tuyên ngôn của Việt Minh tuyên bố: "Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn". Thưa ông, phải chăng chính tuyên ngôn này, cùng với các khẩu hiệu rất thiết thực như “Phá kho thóc giải quyết nạn đói” đã đáp ứng nguyện vọng khẩn thiết, cấp bách trước sự sinh tồn của đại đa số nhân dân lúc bấy giờ, khiến quần chúng nhân dân tin tưởng và đồng lòng với một tổ chức Đảng non trẻ và vị lãnh tụ chưa từng tiếp xúc?

Từ khi có Đảng, đã có nhiều cuộc tập dượt như Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, phong trào dân chủ Đông Dương, cũng tập hợp lực lượng… Thông qua các hoạt động này, người dân có sự tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ. Những chủ trương đó đem lại niềm tin cho nhân dân rằng công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc có người lãnh đạo.

Từ năm 1941, Việt Minh chính là thể hiện sự lãnh đạo của Đảng. Vào ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc Trung ương Đảng nhận định thời cơ rất tốt cho chúng ta giành độc lập dân tộc đã đến.

Lúc đó, Đảng cũng xác định 3 nguyên tắc của hành động, đó là: tập trung, thống nhất và kịp thời. Tập trung là tập trung lực lượng chuẩn bị cho khởi nghĩa; thống nhất mọi lực lượng chính trị, quân sự, sự chỉ huy và hành động kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ. Khẩu hiệu nêu ra là: Phản đối xâm lược, hoàn toàn độc lập và chính quyền nhân dân.

Cũng trong Hội nghị Trung ương Đảng lần đó đã công bố 10 chính sách Việt Minh làm nền tảng để chuẩn bị cho ngày 16/8/1945 diễn ra Đại hội Quốc dân tổ chức tại Tân Trào, Tuyên Quang. 10 chính sách đó là giành chính quyền xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập; vũ trang nhân dân, phát triển quân giải phóng Việt Nam.

Tịch thu tài sản của giặc nước và việt gian, tùy trường hợp xung công hoặc chia cho người nghèo; bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra, đặt thuế công bằng và nhẹ hơn; ban bố 3 quyền của người dân là nhân quyền, tài quyền và dân quyền; chủ trương chia lại ruộng đất, giảm địa tô; công bố Luật lao động, ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu và có bảo hiểm xã hội; xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp, mở ngân hàng quốc gia.

Xây dựng nền giáo dục dân tộc chống lại mù chữ, thực hiện giáo dục phổ thông và xây dựng nền văn hóa mới; thân thiện và giao hảo với các nước đồng minh và nhân dân các nước giành đồng tình ủng hộ của họ. Những chủ trương lớn của Việt Minh lúc đó là nền tảng để Đại hội Quốc dân đồng bào tổ chức. Cho nên khi thời cơ ở Hà Nội đến, mặc dù lãnh đạo Hà Nội không dự Đại hội Tân trào nhưng hành động đúng phương châm này.

* Các giai đoạn cách mạng tiếp sau đó với hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cũng đã tiếp tục chứng minh: Khi những người giương cao ngọn cờ cách mạng có chung mục tiêu với toàn dân tộc là “độc lập, tự do, cơm no, áo ấm” thì nhất định cách mạng thành công. Hơn bao giờ hết, dân tộc Việt Nam mong muốn thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tiếp tục được kế thừa và phát triển trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Thưa Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, theo ông, để quy tụ lòng dân, những yếu tố nào là quan trọng?

Nhiều cán bộ lão thành cách mạng tham gia Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định: Không có người dân ủng hộ thì khó thành công. Sở dĩ người dân theo cách mạng vì người dân biết rằng mình sẽ làm những việc theo được nguyện vọng.

Bài học ở đây là muốn tập, hợp đoàn kết nhân dân thì phải biết nhân dân muốn gì; phải tổ chức hành động đáp ứng đúng nhu cầu nhân dân. Nói cách khác là phải nắm bắt được đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân và chuyển tâm tư, nguyện vọng đó đến các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cũng như đoàn thể để tổ chức triển khai thực hiện.

Từ sau năm 1975 đến nay, nhiệm vụ đặt ra đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Gần đây nhất, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định lại quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân nhưng đồng thời cũng có quyền thay mặt nhân dân giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.

* Bài học nào từ cuộc Cách mạng Tháng Tám được MTTQ Việt Nam áp dụng trong thực tiễn hôm nay để có thể tập hợp sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa Chủ tịch?

Ở thời điểm Cách mạng Tháng Tám, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, lực lượng phát xít Nhật ở Đông Nam Á bắt đầu suy yếu. Hoàn cảnh giống với nhiều nước nhưng chỉ có Việt Nam cướp chính quyền. Vấn đề là sức mạnh đại đoàn kết của Việt Nam đã được tổ chức tập hợp phát huy từ nhiều năm trước, khi thời cơ đến đã tạo sức mạnh vượt qua đối kháng của phát xít Nhật và tay sai.

Vì vậy, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam là cần chăm lo công tác thông tin truyền thông để người dân thấy được thách thức và khả năng của mình đóng góp vào quá trình đổi mới đất nước. Trong thời điểm hiện nay, hàng quý, MTTQ tổ chức thu nhận ý kiến của người dân phản ánh với chính quyền để báo cáo trước Quốc hội và Chính phủ về tâm tư nguyện vọng của người dân.

Sắp tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ chăm lo, tạo ra các phong trào cách mạng ở từng khu vực, địa bàn phù hợp với khả năng và điều kiện của nhân dân, lắng nghe dân, cùng nhân dân làm những điều có ích cho đất nước và cho chính nhân dân.

Phúc Hằng (ghi) (TTXVN)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tri ân cán bộ lão thành cách mạng
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tri ân cán bộ lão thành cách mạng

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, cán bộ lão thành cách mạng, những người trực tiếp làm lên cách mạng Tháng Tám, những người đã có đóng góp to lớn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN