Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:

Phát huy năng lực địa phương trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 30/10, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát về việc triển khai thực hiện các nghị quyết về các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thí điểm phân cấp cho cấp huyện

Trình bày báo cáo giám sát sáng 30/10, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới, Đoàn giám sát đã giải quyết nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc lớn với cách tiếp cận và cách làm mới phù hợp. Việc xác định nội dung trọng tâm là giám sát, đánh giá tiến trình chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện là hướng đi đúng đắn, nhất là trong bối cảnh các Chương trình đang bị chậm tiến độ đề ra.

Nhấn mạnh việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, khó khăn và vướng mắc, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) cho rằng: “Với những khó khăn cả về thể chế và con người nếu không có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù, khả năng thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 rất khó khăn”. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba Chương trình, đại biểu đề nghị cần có nghị quyết đặc thù để phân cấp, phân quyền và có cơ chế như Chính phủ đề xuất để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, tiến độ thực hiện.

Để chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất phát huy hiệu quả, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đề xuất cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách, không nên lồng ghép mục tiêu an sinh xã hội trong chính sách hỗ trợ phát triển. Chính sách hỗ trợ cần được xây dựng dựa trên quan hệ và các quy luật của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế. 

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo hướng chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng trong thực tiễn; giải thích từ ngữ đầy đủ, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều văn bản trong cùng một nội dung.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các Chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài. Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo. Hết chương trình, hết dự án, "nghèo lại hoàn nghèo", đại biểu Tạ Văn Hạ nói và đề nghị cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các Chương trình. Các chương trình này phải đảm bảo mang tính bền vững cao, "đây mới là căn cơ".

Vận động bà con có tâm thế mới, tích cực hơn

Chiều cùng ngày, giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm "trộn" ba Chương trình mục tiêu quốc gia về nguồn vốn.

Đối với vấn đề “đạt chuẩn hay không đạt chuẩn nông thôn mới sẽ mất đi nguồn lực” hay “thoát nghèo rồi sẽ mất chính sách”, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách để sau khi thụ hưởng chương trình, mọi người có động lực tự vươn lên và mong muốn chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội vận động bà con có tâm thế mới, tích cực hơn, vượt qua sự ỷ lại.

Thống nhất với quan điểm tiếp cận của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, những kết quả đạt được đến nay trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có thể chậm, chưa đạt đủ mục tiêu nhưng đó cũng là những cố gắng rất lớn của các địa phương, trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương giảm gần một nửa nhưng mục tiêu không thay đổi. Theo đó, những vấn đề trong thiết kế chính sách cần được xem xét lại theo hướng hỗ trợ tạo năng lực cụ thể cho địa phương, bởi nguồn lực nhà nước không thể hỗ trợ được hết mà về lâu dài cần phát huy được năng lực của cộng đồng.

Thông tin làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, hiện nay, trong các chính sách về giảm nghèo không còn chính sách "cho không", tạo sự ỷ lại. "Chương trình giảm nghèo không còn chính sách "cho không" mà đã chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện, kể cả về hỗ trợ sản xuất, nhà ở, sinh kế hay đào tạo nghề. Gần đây, nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, chủ động nhường quyền lợi cho người khác. Qua tiếp xúc cho thấy, người dân cũng rất e ngại khi nhận "danh hiệu" này và cảm thấy băn khoăn, tự mình muốn vươn lên", Bộ trưởng chia sẻ. 

Để khắc phục những vướng mắc được đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ ngành, tham mưu với Chính phủ nghiên cứu, thiết kế mô hình Ban Chỉ đạo các cấp về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ bản đến nay, tất cả các văn bản hướng dẫn của Trung ương đã hoàn thành, bao gồm 34 văn bản quy phạm pháp luật, 75 văn bản thông thường. Rút kinh nghiệm trong việc ban hành các văn bản chậm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải, do khối lượng văn bản lớn, nhiều vấn đề phức tạp, có những vấn đề mới liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau; các chương trình cũng không được xem xét và phê duyệt tại cùng một thời điểm. Vì vậy, về tổng thể chung rất khó tránh khỏi sự chồng chéo, bất cập.

Tiếp cận ở góc độ văn hóa, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, theo phân cấp, chính quyền địa phương là cơ quan quyết định vấn đề quy hoạch, xây dựng và chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện. "Trong thời gian tới cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa ở các cấp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

TTXVN/Báo Tin tức
Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia
Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Ngày 30/10, trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 6 về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các đại biểu Quốc hội cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người, nâng cao năng lực cho một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN