Chấn chỉnh tinh thần, thái độ, đạo đức công vụ
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhận định, qua gần hai năm triển khai, ba chương trình mục tiêu quốc gia đã đạt được hiệu quả ban đầu, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tiếp nối giai đoạn trước, giai đoạn này, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo được cơ sở, tiền đề vững chắc, giúp cho bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể, nâng cao đời sống người dân nông thôn. Hai chương trình còn lại, khi bắt đầu triển khai cũng chồng chất khó khăn nhưng cũng đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc ban hành văn bản quy định cơ chế, chính sách, đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Nếu không kịp thời tháo gỡ vướng mắc này, các giải pháp sau rất khó thực hiện. Chẳng hạn như các quy định về hỗ trợ đất canh tác cho bà con, quy định về kinh phí đào tạo đại học, sau đại học… đối chiếu với thực tế, có độ vênh nhất định và cần có sự điều chỉnh.
Quá trình triển khai có độ trễ nhất định: từ việc ban hành văn bản, triển khai, lập dự toán, giải ngân… Áp lực về thời gian còn lại đối với các chương trình là rất lớn, đặc biệt là Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Cơ bản nhất trí với các giải pháp mà Đoàn Giám sát đưa ra, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh giải pháp về con người. Bởi, theo đánh giá của Đoàn Giám sát, việc chậm trễ, đặc biệt là chậm trễ ban hành văn bản, lập dự toán hay giải ngân đều có nguyên nhân chủ quan là từ phía các cán bộ thực thi. Dẫn câu nói của Bác Hồ "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", đại biểu cho rằng cần chấn chỉnh tinh thần, thái độ, đạo đức công vụ đối với những người trực tiếp làm các chương trình.
Đặc biệt, khẩn trương rà soát để sửa đổi các quy định, chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Đại biểu dẫn chứng về quy định hỗ trợ đất canh tác cho bà con. Ở những vùng núi đá, không có đất, việc hỗ trợ này không thể thực hiện được. "Bên cạnh yếu tố con người phải rà soát thật kỹ để sửa đổi kịp thời những quy định, đáp ứng yêu cầu trước mắt. Nếu không sẽ lãng phí chính sách, lãng phí nguồn lực", đại biểu lưu ý.
Tránh lãng phí nguồn lực
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đánh giá, việc tiến hành giám sát giữa kỳ ba chương trình mục tiêu quốc gia thể hiện sự chủ động từ sớm, từ xa của Quốc hội mong muốn đồng hành cùng Chính phủ xem xét các khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở; từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ, giúp việc triển khai các chương trình này thực sự hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.
Theo đại biểu, các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần nâng cao đời sống cho bà con, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Đáng chú ý, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy hiệu quả, đạt mục tiêu đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, qua giám sát cho thấy, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Đó là nguồn lực con người, cán bộ thực hiện từ tỉnh đến cơ sở rất hạn chế. Dẫn chứng đội ngũ cán bộ dân tộc ở Phòng Dân tộc cấp huyện, cấp xã rất yếu và thiếu; trình độ, kinh nghiệm thực hiện dự án chưa đạt yêu cầu, đại biểu Đặng Bích Ngọc chỉ rõ, đây là nguyên nhân căn cơ dẫn đến tình trạng triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.
Bên cạnh đó, hiện nay, việc giải ngân các nguồn vốn rất chậm; nhiều dự án, tiểu dự án tỷ lệ giải ngân chưa đạt 10%. Nguyên nhân là do các vướng mắc về cơ chế, chính sách, điều kiện triển khai... Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn, việc đối ứng nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình còn hạn chế. Đây là những điểm nghẽn cần giải pháp căn cơ tháo gỡ; qua đó thực hiện hiệu quả mục tiêu các chương trình đề ra.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, tại tỉnh Hòa Bình, khi chương trình bắt đầu, người dân rất mong chờ, háo hức, xác định ba chương trình mục tiêu quốc gia là "cơn gió" làm thay đổi đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Số lượng văn bản quá nhiều; một số nội dung còn chồng chéo; có hướng dẫn chưa rõ ràng nên khi triển khai xuống cơ sở gặp khó khăn. Nguồn lực phân bổ so với yêu cầu thực tế từ địa phương chưa đáp ứng hết. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện dự án là nỗi trăn trở lớn.
Để giải quyết điểm nghẽn này, theo đại biểu, phải tổ chức nhiều hội nghị để tập huấn cho đội ngũ cán bộ; rà soát hệ thống văn bản, cơ chế chính sách để tránh trùng lắp, tập trung giải ngân cao nhất các nguồn lực... Đây là mong muốn không chỉ riêng đại biểu Quốc hội mà là của đông đảo cử tri và người dân.