Ông Phan Mộng Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau chia sẻ, đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát tối cao, độc lập đối với 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về các chính sách liên quan đến ‘‘tam nông’’.
Đề cập đến kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, ông Phan Mộng Thành cho biết, công tác này luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc để chăm lo cho vùng nghèo, người nghèo bằng các nội dung, việc làm cụ thể. Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị đã vào cuộc quyết liệt, tạo niềm tin và sự đồng thuận ngày càng cao trong toàn xã hội. Phần lớn người nghèo ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tự vươn lên thoát nghèo. Đây là yếu tố cơ bản góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới.
Ước tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo Cà Mau giảm còn 1,61% và phấn đấu cuối giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ này còn dưới 1%. Tuy vậy, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh còn thấp so với tiêu chí hiện nay. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn cao. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông trong tỉnh còn nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Triều cường dâng cao, xâm nhập mặn, sạt lở, sụp lún đất ven biển, ven sông diễn biến phức tạp… dẫn đến nhiều nguy cơ, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Từ thực tế trên, cử tri Cà Mau tin tưởng và mong muốn, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm phân bổ nguồn lực của 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia cho Cà Mau phù hợp; từ đó giúp tỉnh thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia. Quốc hội sớm nghiên cứu, xem xét điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện về cơ chế, chính sách, đảm bảo phù hợp, đồng bộ để Cà Mau và các địa phương trong cả nước vận dụng linh hoạt trong triển khai hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Qua theo dõi phiên thảo luận, ông Nguyễn Thành Niệm, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau bày tỏ tin tưởng vào sự giám sát tối cao của Quốc hội. Các đại biểu đã phát huy tối đa trí tuệ, thể hiện tốt trách nhiệm của mình; thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá bao quát, toàn diện những việc làm được và chưa làm được; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực góp phần thúc đẩy triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia trong thời gian tới.
Đề cập đến việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ông Nguyễn Thành Niệm cho biết, trong giai đoạn I (2021 - 2025), Cà Mau có tổng số 10 dự án với 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần. Chỉ tiêu tổng thể thực hiện Chương trình được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 và được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 đối với tỉnh Cà Mau là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm trên 2%; đến năm 2025 có ít nhất 40% số xã (tương đương 2 xã) và 51,2% số ấp, khóm (tương đương 22 ấp, khóm) đưa ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Chương trình này triển khai trên địa bàn tỉnh với nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thuộc nhiều cấp quản lý. Bên cạnh đó, việc áp dụng đồng thời, thống nhất về nội dung giữa các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn đối với các địa phương vùng dân tộc thiểu số, nhất là nhiều văn bản pháp lý khi áp dụng triển khai vào thực tiễn đã bộc lộ nhiều bất cập, phải điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác để thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số rất khó khăn. Trong khi đó, người dân, cộng đồng đóng góp cho Chương trình này còn hạn chế.
Chương trình đã tích hợp nhiều chính sách dân tộc của các giai đoạn trước, song có khá nhiều nội dung mới, mang quy mô lớn, mục tiêu dài hạn và công tác triển khai, phương thức thực hiện khá mới so với các chương trình, chính sách dân tộc trước đây. Theo kết quả phê duyệt danh sách xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Bộ tiêu chí mới, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025 đã bị thu hẹp đáng kể và số lượng các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm đi rất nhiều so với giai đoạn 2016 - 2020. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo điều hành và tiến độ triển khai chương trình.
Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau đề xuất, Trung ương quan tâm xem xét, hỗ trợ thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bố trí thêm nguồn kinh phí đặc thù giúp cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện triển khai đầu tư các công trình bức xúc ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu. Từ đó, giúp chính quyền, nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương vùng dân tộc thiểu số nâng cao khả năng ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.