Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao Bộ Tài chính về kết quả nghiên cứu, thời gian hoàn thành báo cáo "chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động đến Việt Nam". Tuy vậy, báo cáo của Bộ Tài chính mới chỉ tập trung vào nội dung sửa đổi, điều chỉnh chính sách thuế mà chưa phân tích, đánh giá thật đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là những tác động bất lợi đối với những đối tượng nhà đầu tư mà ta đã cam kết ưu đãi, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, cạnh tranh thu hút đầu tư của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thuế suất tối thiểu toàn cầu là chính sách phát sinh từ bên ngoài có ảnh hưởng, tác động sâu sắc nhiều mặt đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia thu hút, tiếp nhận đầu tư. Vì thế, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan (kể cả các nước "nguồn" cũng như nước tiếp nhận đầu tư), đặc biệt là những nước có hoàn cảnh, điều kiện tương tự như Việt Nam, cần có đánh giá kỹ lưỡng tất cả các tác động, nhất là tác động bất lợi để có các giải pháp ứng xử phù hợp.
Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của đại biểu tại cuộc họp để tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo. Báo cáo cần bao quát hết các vấn đề phát sinh để đề xuất, kiến nghị các giải pháp thật phù hợp trong thời gian tới, đồng thời báo cáo phải được bố cục chặt chẽ, rõ ràng hơn. Theo đó, báo cáo cần tập trung nêu bật các vấn đề cốt lõi sau: Quá trình hình thành và nội hàm thuế suất tối thiểu toàn cầu; khẳng định rõ việc Việt Nam cần hay không cần, nên hay không nên tham gia; làm rõ hơn chính sách thuế của ta trong thời gian vừa qua; phân tích đánh giá thật đầy đủ, toàn diện tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, trong đó tập trung đánh giá tác động đến: Ngân sách nhà nước, nhà đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam; giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu, nhất là giải pháp đối với những đối tượng bị tác động cần cụ thể rõ ràng, phân tích kỹ tác động.