Khẩn trương xây dựng cơ chế thích ứng với thuế suất tối thiểu toàn cầu

Ngày 20/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị về “Tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt nam” nhằm trao đổi, xin ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, ngân hàng, quỹ và chuyên gia, trên cơ sở đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư tại Việt Nam và tham mưu, đề xuất chính sách áp dụng tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Công nhân Công Ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đóng trên địa bàn Khu Công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên) sản xuất điện thoại thông minh. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia pháp lý đề xuất các giải pháp chính sách nhằm đảm bảo 3 mục tiêu: hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư; phù hợp với các cam kết của quốc tế và quy định của OECD; phù hợp với điều kiện thực tiễn của quốc gia.

Trình bày kết quả nghiên cứu tại hội thảo, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết, Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư.

“Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực”, ông Sử cho biết.

Tuy mức thuế suất phổ thông là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu; song trong một số trường hợp, các mức thuế suất ưu đãi 10%, 15% và 17% được áp dụng tùy theo lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư.

Đáng lưu ý, một số nhà đầu tư được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt có các mức 5%, 7% và 9%. Cùng với ưu đãi về thuế suất, pháp luật hiện hành có quy định về việc miễn thuế, giảm 50% thuế suất trong thời gian được miễn, giảm.

Trong khi đó, các trường hợp chịu tác động của thuế suất tối thiểu là các nhà đầu tư lớn (có tổng doanh thu hợp nhất trên 750 triệu Euro, tức khoảng 850 triệu USD theo tỷ giá hiện hành), nên việc áp dụng quy định mới không chỉ làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài mà còn làm ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài; gia tăng áp lực hành chính trong quá trình đầu tư.

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, thuế tổi thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam. Cùng với đó, khi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp không còn là lợi thế, Việt Nam không thể chậm trễ trong việc xây dựng các chính sách khác để thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Yasuhisa Taninaka, Trưởng ban Thuế, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, khi một doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ nhìn tổng chi phí thuế mà họ phải chi trả, chứ không phải chỉ riêng thuế thu nhập doanh nghiệp. Chúng tôi xin đề xuất nới lỏng các quy định về thuế suất lũy tiến thuế thu nhập cá nhân. Thuế này tại Việt Nam đang khá cao so với các quốc gia khác. Nếu giảm thuế thu nhập cá nhân thì sẽ bù trừ cho thuế tối thiểu toàn cầu mà doanh nghiệp phải nộp thêm.

Ông Kim Jin Seong, Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung tại Việt Nam đề xuất, Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung, để giữ quyền đánh thuế với các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Dựa trên thuế này, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư mới.

Bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Tổng giám đốc Canon Việt Nam dẫn chứng, Chính phủ Thái Lan họ đã có những động thái, ví dụ là hỗ trợ tiền điện cho doanh nghiệp. Việt Nam nên duy trì các chính sách như hiện tại, nhưng bổ sung thêm hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ví dụ, sau khi quyết toán thuế hằng năm, doanh nghiệp sẽ đề xuất danh mục được miễn, ví dụ những chi phí như hạ tầng cơ sở, tiền điện, tiền giao thông...

Các nhà đầu tư cũng đã nêu nhiều kiến nghị đáng lưu ý như xem xét nới thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; nới bước lũy tiến thuế thu nhập cá nhân; chú trọng tạo thuận lợi, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (không chịu tác động của chính sách thuế mới); đồng thời, giảm bớt thủ tục hành chính và đa dạng hóa chính sách ưu đãi thay vì tập trung vào chính sách thuế cũng là những gợi ý đáng lưu ý khác.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Việt Nam sẽ nghiên cứu và điều chỉnh chính sách đầu tư để thích ứng với thuế suất này và thu hút các nguồn lực đầu tư mới.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02; trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn tất việc nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng thể về cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2023. Trước đó, ngày 4/8/2022, Thủ tướng thành lập Tổ công tác đặc biệt, để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan.

"Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu" dự kiến sẽ được thực thi từ năm sau. Đây là thoả thuận đa phương với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới, với mức thuế tối thiểu thống nhất là mức 15%, đối với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro.

Thúy Hiền (TTXVN)
Định hướng quy định thuế suất Thuế bất động sản
Định hướng quy định thuế suất Thuế bất động sản

Qua nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Thuế bất động sản thay thế Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN