Trong số các bệnh nhân đi trên chuyến bay đó có thành viên đoàn công tác Việt Nam vừa có chuyến làm việc, trao đổi và học tập kinh nghiệm về xây dựng chính sách, chiến lược phát triển quốc gia tại Vương quốc Anh. Trong suốt 4 ngày đoàn công tác làm việc ở Vương quốc Anh, các phóng viên CQTT chúng tôi đã luôn bám sát để có thể kịp thời gửi về nhà những thông tin, hình ảnh về hoạt động của đoàn.
Sự lo lắng của chúng tôi tiếp tục gia tăng trong những ngày sau đó khi hai phóng viên tham gia tác nghiệp cùng đoàn công tác đã xuất hiện một số triệu chứng của COVID-19 như mệt mỏi, ngấy sốt, ngứa họng và kho khan. Vào thời điểm đó, tình hình dịch bệnh tại Vương quốc Anh chưa quá nghiêm trọng nên cơ quan y tế sở tại chưa tổ chức xét nghiệm trên diện rộng mà chỉ đưa ra khuyến cáo, yêu cầu những người có triệu chứng mắc COVID-19, nếu không đặc biệt nặng, thì không được đến các cơ sở y tế mà tự cách ly tại nhà.
Chúng tôi đã thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng Vương quốc Anh và rất may mắn là sau vài ngày tự cách ly và nghỉ ngơi, các triệu chứng của chúng tôi đều đã thuyên giảm. Mặc dù tới giờ chúng tôi cũng không biết là mình đã từng mắc COVID-19 hay chưa, nhưng chúng tôi cũng nhận thức được rất rõ rủi ro, nguy cơ bị nhiễm bệnh mà những phóng viên thường trú ngoài nước của TTXVN phải đối mặt trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là tại một địa bàn như Vương quốc Anh, nơi từng là một trong những điểm nóng của thế giới về COVID-19 khi vào lúc đỉnh điểm, số ca nhiễm mới lên tới gần 70.000 trường hợp/ngày và gần 130.000 người tử vong do COVID-19.
Nguy cơ nhiễm bệnh cũng chỉ là một trong những khó khăn, thách thức phóng viên CQTT London phải đối mặt khi tác nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tại Vương quốc Anh, nơi quyền riêng tư được bảo vệ chặt chẽ, việc quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn... không hề dễ dàng.
Do dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các đường bay nối Vương quốc Anh với Việt Nam bị hủy từ cuối tháng 3/2020 và nhiều công dân Việt Nam đang công tác, học tập, tham quan, du lịch và chữa bệnh tại Vương quốc Anh đã bị mắc kẹt không thể về nước. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Anh tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước. Bên cạnh đó là các chuyến bay đưa các công dân Anh đi du lịch “mắc kẹt” tại Việt Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19 về nước, trong số đó có một số người mắc COVID-19 đã được Việt Nam điều trị khỏi bệnh. Đây cũng là chuyến bay vận chuyển số khẩu trang là quà tặng của Chính phủ, nhân dân Việt Nam gửi tới Chính phủ và nhân dân Anh.
Còn nhớ, khi thực hiện nhiệm vụ đưa tin và hình ảnh về chuyến bay đưa gần 340 công dân Việt Nam từ Vương quốc Anh về nước vào ngày 3/6/2020, các phóng viên CQTT London đã có những trải nghiệm "mạo hiểm" khó quên.
Do tình hình dịch bệnh phức tạp, sân bay quốc tế Heathrow, nơi thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, ra quy định chỉ cho phép hành khách của các chuyến bay mới được vào nhà ga và ngay cửa vào sân bay đã có nhân viên bảo vệ kiểm tra. Do đó, câu hỏi đầu tiên đặt ra là làm thế nào chúng tôi có thể vào được bên trong sân bay để tác nghiệp? Chúng tôi xếp hàng, tiến đến cửa kiểm soát như những hành khách bình thường và dõng dạc đọc tên mã số chuyến bay VN54 của Vietnam Airlines khi được hỏi. Dù bên ngoài thể hiện sự tự tin, nhưng trong lòng chúng tôi có đôi phần lo lắng và trong đầu đã tính đến các phương án dự phòng, như nhờ sự can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam, trong trường hợp nhân viên bảo vệ sân bay tiếp tục đưa ra các yêu cầu khác. Rất may các nhân viên kiểm soát không hỏi thêm và chúng tôi đã vào được nhà ga sân bay Heathrow.
Vượt qua cửa ải thứ nhất, quá trình tác nghiệp trong sân bay lại tiếp tục là một câu chuyện dài của những khó khăn. Sau khi trao đổi với đại diện Vietnam Airlines, xin phép các nhân viên bản địa cũng như các hành khách đang làm các thủ tục lên máy bay, chúng tôi bắt đầu thực hiện việc chụp ảnh, ghi hình. Dù đã cố gắng thực hiện một cách kín đáo và nhanh nhất có thể, nhưng chúng tôi cũng sớm bị nhân viên bảo vệ trong sân bay phát hiện và yêu cầu dừng tác nghiệp bởi Heathrow là khu vực thuộc sở hữu tư nhân.
Sau một thời gian thường trú tại địa bàn, chúng tôi không quá xa lạ với quy định phải đăng ký, xin phép trước khi tác nghiệp tại các khu vực thuộc sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, việc công ty quản lý sân bay Heathrow quy định phải đăng ký xin phép trước từ 2-3 tháng, trong khi quyết định tổ chức các chuyến bay như thế này chỉ được đưa ra trước khi triển khai thực hiện vài tuần, thậm chí là vài ngày, việc làm các thủ tục đăng ký tác nghiệp với công ty quản lý sân bay Heathrow là không thể.
Sau khi trao đổi và đề nghị nhân viên quản lý sân bay linh hoạt cho phép tiếp tục tác nghiệp, nhưng không được chấp thuận, chúng tôi đành ra về. Trong quá trình đi ra khỏi nhà ga, chúng tôi đeo máy bên hông nhưng vẫn để ở chế độ quay với hy vọng có thể tiếp tục thu thêm một số thước hình các công dân Việt Nam đang xếp hàng làm thủ tục lên máy bay, với mục tiêu có những hình ảnh sinh động, phản ánh đầy đủ công tác bảo hộ công dân của Nhà nước ta tại địa bàn. Mặc dù vậy, nhân viên quản lý sân bay vẫn phát hiện và từ xa yêu cầu chúng tôi dừng lại.
Câu chuyện trên của CQTT London chỉ là một ví dụ nhỏ về những khó khăn, thậm chí hiểm nguy mà những phóng viên TTXVN thường trú tại nước ngoài phải đối mặt để có được những bài báo, bức ảnh, thước phim tưởng như rất đỗi bình dị đối với người đọc, người xem.
Một năm đã trôi qua kể từ khi hoàn thành nhiệm vụ đáng nhớ đó, cảm xúc của chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn. Vượt qua những khó khăn và rào cản, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp một phần nhỏ bé vào công tác thông tin phòng chống dịch COVID-19 của đất nước Việt Nam với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau". Đó là niềm tự hào và cũng là phần thưởng đối với những người làm báo như chúng tôi.