Phân định rõ trách nhiệm để cơ quan nhà nước tránh lạm quyền

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ảnh), đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức xung quanh những thay đổi quan trọng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong ngày 3 - 4/6.



´Ông đánh giá như thế nào về những quy định mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 như: Nhấn mạnh quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, đồng thời phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước Trung ương?


Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (DTSĐHP) lần này có nhiều nội dung được chỉnh sửa, song có hai vấn đề lớn rất đáng quan tâm là: Khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân có quyền lập hiến; đồng thời phân định rõ trách nhiệm và có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để tránh lạm quyền.


Thứ nhất, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, có quyền lập hiến được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ các điều khoản của DTSĐHP. Nguyên tắc này được thể hiện ngay ở lời nói đầu và tại điều 2, chương I. Qua đây cũng thấy, so với Hiến pháp hiện hành, DTSĐHP quy định thêm việc kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.


Trong điều 6, Hiến pháp hiện hành quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Điều này thiếu thống nhất với điều 2 nói trên. Bởi vì nhân dân có thể thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, bằng hình thức dân chủ đại diện không chỉ thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà còn thông qua các cơ quan nhà nước khác như hành pháp, tư pháp... Vậy nên, DTSĐHP tại điều 6 đã quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan nhà nước khác”. Đây là những quy định rất mới, đã thể chế hóa Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ 11 là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.


Thứ hai, DTSĐHP đã thể hiện rõ sự phân công quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Theo đó, “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp…”; Chính phủ được khẳng định: “là cơ quan hành chính… thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”; còn “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử…, thực hiện quyền tư pháp”.


Từ trước tới nay, Hiến pháp quy định chỉ có Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp; chứ không quy định rõ Chính phủ là cơ quan hành pháp hay tòa án là cơ quan tư pháp. Do đó, với những quy định như trên thì đây là lần đầu tiên trong Hiến pháp xác định rõ ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Sự phân công rành mạch ba quyền này không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyên nghiệp hóa các quyền mà còn tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước.


´Vậy hoạt động giám sát quyền lực của ba nhánh quyền lực nhà nước sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?


Trong DTSĐHP, vấn đề giám sát nội bộ (giám sát bên trong) của ba nhánh quyền lực nhà nước nói trên hiện quy định chưa thật rõ ràng. Đến nay, các quy định mới chỉ thể hiện rõ vai trò giám sát của Quốc hội với các cơ quan hành pháp và tư pháp, còn hoạt động giám sát ngược lại của hai nhánh quyền lực này với Quốc hội thì chưa cụ thể. Do đó, đây là vấn đề mà chúng ta cần phải nghiên cứu thêm.


Đối với vấn đề giám sát bên ngoài, theo quy định của pháp luật hiện hành, nhân dân có quyền kiểm soát trực tiếp các cơ quan nhà nước thông qua việc tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước; bầu, miễn nhiệm đại biểu Quốc hội, giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội… Bên cạnh đó, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp của mình, nhân dân cũng thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ… Tuy nhiên, việc giám sát này của nhân dân cũng chưa được thực hiện thường xuyên, đôi khi chưa đảm bảo tính khách quan.


Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội đang xem xét và cho ý kiến về việc thành lập Hội đồng Hiến pháp như DTSĐHP đưa ra (phương án 2, điều 120). Theo đó, Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao… ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu các cơ quan nêu trên sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật…


Xin cảm ơn ông!



P.Liên - M.Phương (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN