Phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn hiện đại và an toàn

Sáng 14/11, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V và kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (14/11/1945-14/11/2020).

* Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia

Biểu dương kết quả trong phong trào thi đua toàn ngành Nông nghiệp trong 5 năm qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, Việt Nam có nền văn minh lúa nước lâu đời, có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Ngay khi mới giành độc lập, theo lời kêu gọi tăng gia sản xuất và thi đua ái quốc của Bác Hồ đã đẩy lùi được nạn đói. Phát triển nông nghiệp là nền tảng của kinh tế kháng chiến, góp phần làm tròn vai trò hậu phương lớn của đất nước và tiền tuyến. Sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Sau 35 đổi mới đất nước, đặc biệt từ sau Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nền nông nghiệp của nước ta chính thức phát triển mạnh mẽ; chuyển từ sản xuất manh mún, lạc hậu, trình độ thấp sang hướng sản xuất hàng hoá hiện đại và bền vững. Nhờ đó, an ninh lương thực luôn được bảo đảm; Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản có ảnh hưởng tới thị trường thế giới.

Phó Chủ tịch nước nêu rõ, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, đề án quan trọng; tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ khó khăn, mới thúc đẩy phát triển nông nghiệp toàn diện, duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Năng suất chất lượng nông sản ngày càng cao, giá trị và sản lượng tăng mạnh; sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng; góp phần giảm nghèo vền vững, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và hỗ trợ nhiều quốc gia khác.

"Nông nghiệp luôn đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng kinh tế và bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu vừa qua", Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản phát triển nhanh với trên 7.500 doanh nghiệp hoạt động với quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Trên 52.000 doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào nông nghiệp và công nghiệp chế biến với trình độ công nghệ hiện đại so với khu vực và thế giới. Các mô hình sản xuất đã đổi mới để phù hợp và hiệu quả hơn. Kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã được tổ chức thích nghi với cơ chế thị trường. Thị trường tiêu thụ nông lâm thuỷ sản được mở rộng, chuyển mạnh sang thương mại chính ngạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản giai đoạn 2015-2020 đạt khoảng 220 tỷ USD, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.

Đặc biệt, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước, đạt nhiều thành tựu quan trọng và đạt mục tiêu đề ra trước thời hạn gần 2 năm. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, hạ tầng kinh tế-xã hội được cải thiện.

Hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, Phó Chủ tịch nước biểu dương, phong trào thi đua của ngành Nông nghiệp đã cụ thể hoá vào điều kiện thực tế của ngành thông qua việc phát động, triển khai nhiều phong trào bám sát nhiệm vụ trọng tâm, tập trung những việc khó để tạo bứt phá, lan toả. Công tác khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, quan tâm đến khen thưởng đột xuất, chuyên đề cho người lao động trực tiếp, tập thể nhỏ. Đặc biệt, trong đợt bão lũ vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực, chủ động tham gia công tác phòng chống, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

“Với những thành tựu trên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã góp phần quan trọng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế”, Phó Chủ tịch nước khẳng định.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Thứ trưởng thường trực Bộ NN và PTNT Hà Công Tuấn. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Trước thời cơ thuận lợi xen lẫn thách thức, khó khăn, Phó Chủ tịch nước đề nghị, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, đẩy mạnh 4 phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động. Qua đó, ngành Nông nghiệp lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, điển hình để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời; coi trọng và thực hiện đồng bộ việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa trong ngành cũng như trong toàn xã hội.

Phó Chủ tịch nước đề nghị toàn ngành triển khai tốt các định hướng, chiến lược phát triển trong giai đoạn tới: Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực; xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao về giống cây-con mới trong sản xuất nông lâm thuỷ hải sản để xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hoá, chất lượng cao, quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, toàn ngành phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển toàn diện, bền vững nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn; đẩy mạnh, khuyến khích liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với nông nghiệp; phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại và an toàn. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng như Nghị quyết Quốc hội đề ra.

* Khẳng định vai trò trụ đỡ, then chốt của ngành Nông nghiệp

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước”, trong những năm qua, các phong trào thi đua góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp để toàn ngành Nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà tăng trưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước nhà. Giai đoạn 2016-2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới; góp phần khẳng định vai trò trụ đỡ, then chốt của ngành Nông nghiệp cho sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp liên tục đạt từ 2,8-3%.

Nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh, quy mô sản xuất nông sản của Việt Nam ngày một lớn mạnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; trở thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập quốc tế. Nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 2020, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản dự kiến đạt khoảng 41 tỷ USD.

Một số nông sản lớn, chủ lực đã khẳng định vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Hiện nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi đến gần 200 thị trường trên thế giới, bao gồm cả những thị trường yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Trong đó, một số mặt hàng như cao su, cà phê, sắn, rau quả, cá tra… có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên; các mặt hàng như trái cây, hạt điều, gạo, tôm, đồ gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế-xã hội trong nước. Năm 2019, thu nhập của người dân nông thôn đạt khoảng 39,3 triệu đồng/người; năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người, tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh, còn khoảng 4,3% năm 2020.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, bước sang giai đoạn mới với những thời cơ và thách thức mới, dưới sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sẽ hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh, giàu đẹp và người nông dân mới làm chủ khoa học kỹ thuật, có trình độ văn hoá cao. Trong đó, ngành Nông nghiệp xác định thực hiện 2 chương trình lớn: Cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; từ đó, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu toàn ngành Nông nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cấp và hiện đại hoá kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, toàn ngành đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông nghiệp thuỷ sản; phát triển thị trường tiêu thụ nông sản gắn với hội nhập quốc tế; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Với chủ đề phong trào thi đua trong giai đoạn 2020-2025 “Toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung sức xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn giàu có, nông thôn văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước phát động sâu rộng trong công nhân, viên chức, người lao động ngành Nông nghiệp; gắn thi đua với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của mỗi người nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực theo thế mạnh của vùng miền và nhu cầu thị trường; phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp...

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Dịp này, 10 tập thể vinh dự được nhận Cờ thi đua Chính phủ đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 2 cá nhân được nhận Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Diệp Trương (TTXVN)
Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chiều 30/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định điều động, bổ nhiệm ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN