Xây cầu nông thôn ở Đồng Tháp. Ảnh tư liệu - minh họa: Nhựt An/TTXVN
Mục tiêu của Chương trình là tập trung công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, tổ chức thực hiện và quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu được giao của các Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2030; xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế và thực hiện có hiệu quả các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề "việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".
Tập trung chỉ đạo, điều hành công tác hoàn thiện thể chế, kịp thời ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 theo các Nghị quyết có liên quan của Quốc hội, Chính phủ.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội; đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 của 03 chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định; kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 02/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ và theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.
Rà soát, bổ sung chính sách kịp thời; quyết liệt thực hiện kế hoạch đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chú trọng công tác hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, chủ động rà soát, kịp thời ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp trung ương và địa phương sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương và quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; kịp thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương và các văn bản có liên quan bảo đảm việc tổ chức, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia không bị gián đoạn, hoàn thành cao nhất các mục tiêu được giao.
Triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và xã hội, huy động đa dạng các nguồn lực và khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh của các địa phương trong tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu giải ngân 100% dự toán, kế hoạch được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025, số 60/CĐ-TTg ngày 09/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và với các địa phương, giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chương trình thông qua hoạt động chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý, đặc biệt là trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, tình hình sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn đối ứng ngân sách địa phương. Tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của từng cấp, tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025, trong đó lưu ý làm rõ các tồn tại, hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất định hướng cơ chế chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Phân công địa bàn theo dõi các chương trình mục tiêu quốc gia
Quyết định cũng phân công địa bàn theo dõi và chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021–2025 sau sáp nhập.
Cụ thể, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Ủy viên Thường trực; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Mạnh Cường, Ủy viên theo dõi địa bàn các tỉnh: Sơn La, Điện Biên.
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Cao Bằng, Tuyên Quang.
Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Huế.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Tấn Dũng, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố: Vĩnh Long, Cần Thơ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Khánh Hòa, Lâm Đồng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Tháp.
Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy, Ủy viên, theo dõi địa bàn các tỉnh: An Giang, Cà Mau.