Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31/8, ông Vũ Văn Tám cho biết, ngày 12/8, sau khi có kết luận của Phó
Thủ tướng Trương Hòa Bình thì Bộ NN&PTNT đã có công văn chỉ đạo và tổ chức
đoàn xuống địa phương, xuống cơ sở kê khai từng tổ chức, cá nhân cũng như niêm
yết, công khai minh bạch thiệt hại.
Vừa qua, Bộ đã tổ chức hội nghị lắng nghe ý
kiến địa phương tại Huế thì các địa phương nhất trí cao với văn bản hướng dẫn
này, tuy nhiên, việc triển khai các bước
tiến hành, đặc biệt là tập huấn cho người thiệt hại cũng như tổ chức thiệt hại
tại cơ sở và nhiệm vụ kê khai. Các địa phương cho rằng, thời gian báo cáo theo
chỉ đạo của Phó Thủ tướng vào ngày 10/9 phải báo cáo Văn phòng Chính phủ về các
phương án bồi thường của các địa phương để các bộ, Chính phủ có phương án bồi
thường là không kịp nên tại hội nghị này, các địa phương kiến nghị kéo dài thêm
5 ngày nữa, đến 15/9 sẽ báo cáo.
Thương lái thu mua cá đánh bắt xa bờ tại Cảng cá Nam Cửa Việt sau sự cố cá chết. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN. |
Với tinh thần như vậy, ngay sau đó, 29/8 Bộ đã báo cáo Phó
Thủ tướng Trương Hoà Bình. Ngay trong ngày 29/8, Phó Thủ tướng đã có kết luận, Văn
phòng Chính phủ có văn bản 259 ngày 29/8 về kết luận của Phó Thủ tướng. Thứ nhất, đồng ý với đề xuất địa phương đến 15/9 chốt phương án. Thứ 2, giao Bộ Tài
chính tổng hợp báo cáo Chính phủ về kiến nghị thiệt hại của địa phương để cuối
tháng 9, Thủ tướng có thể ký quyết định phân bổ ngân sách. Còn việc bồi thường hỗ trợ người dân, tổ chức
cá nhân sẽ tiến hành sau đó.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Tám, để hoàn thành các thủ tục
liên quan tính toán định mức, đơn giá, cục thống kê, sở ngành 4 địa phương tham
mưu cho địa phương trình lên Bộ Tài chính. Sau đó, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp
thảo luận rồi tham mưu cho Chính phủ có kết quả.
“Đây là những quy trình bắt buộc và nhiều thủ tục nên Chính
phủ chỉ đạo quyết liệt, bộ ngành vào cuộc quyết liệt, địa phương triển khai quyết
liệt nhưng chưa lường hết được. Vấn đề không phải nhanh hay chậm mà phải làm
sao để đảm bảo các đối tượng bị ảnh hưởng phải được kê khai và xác định, không
sót đối tượng nào và được bồi thường, đảm bảo công khai minh bạch nên Phó Thủ
tướng đưa ra chỉ đạo như vậy. Hiện giờ các địa phương, bộ ngành phối hợp với
nhau khẩn trương mới đạt được tiến độ này”, ông Tám cho biết.
Liên quan đến nội dung gần 4.000 tấn cá lưu trữ tại các tỉnh
miền Trung, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau khi Phó thủ tướng
chỉ đạo, Bộ Y tế phối hợp với Bộ
NN&PTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn cho 4 tỉnh miền Trung. Nguyên tắc của
Bộ Y tế là đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu theo chỉ đạo của Thủ tướng.
"Chúng tôi đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan gồm Sở NN&PTNT,
Sở Công thương, cơ quan quản lý kho cá cần phân lô tất cả các kho cá, trên cơ sở
đó, Bộ sẽ lấy mẫu tất cả các lô cá, sau đó chuyển về 2 phòng xét nghiệm tầm quốc
gia của Bộ để xét nghiệm. Chỉ cho lưu hành kho cá nào xác nhận là an toàn, nếu
không an toàn thì phải tiêu hủy và đền bù theo quy định. Việc này Bộ Y tế đã chỉ
đạo đối với 4 tỉnh. Chúng tôi nghĩ rằng đây là việc khó khăn và mất nhiều thời
gian nhưng trên cơ sở đảm bảo sức khỏe người dân thì Bộ Y tế chỉ đạo với các địa
phương thực hiện", ông Long cho biết.