Phải công khai thông tin về đầu tư công, mua sắm công, giá đất, thu hồi đất

Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 quy định nhiều loại thông tin mà cơ quan Nhà nước phải công khai rộng rãi đến người dân.

Cụ thể, tại Điều 17 quy định những thông tin phải công khai như: Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu.

Những thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; cũng phải công khai cho người dân được biết.

Những thông tin về kế hoạch sử dụng đất, giá đất... cũng phải được công khai cho người dân biết. Ảnh: Trần Xuân Tình /TTXVN (ảnh có tính minh hoạ).

Bên cạnh đó, các thông tin khác cũng phải được công khai rộng rãi như: Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp; báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đại diện chủ sở hữu; thông tin về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước.

Những thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan và của đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân; nội quy, quy chế do cơ quan nhà nước ban hành; Báo cáo công tác định kỳ; báo cáo tài chính năm; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực; thông tin về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học;… cũng là những thông tin cần được công khai rộng rãi cho người dân biết.

Theo nguyên tắc của Luật Tiếp cận thông tin, mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác.

Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Hoàng Linh/Báo Tin tức
Phổ biến Luật tiếp cận thông tin và Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước
Phổ biến Luật tiếp cận thông tin và Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước

Ngày 15/6, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, Hội Đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật quý II năm 2018 nhằm Phổ biến Luật tiếp cận thông tin và Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN