Ổn định dân di cư tự do - Hệ lụy từ di cư tự do

Trong những năm qua, tình hình di cư tự do có nhiều diễn biến phức tạp. Việc di cư tự do đã hình thành thêm một số thôn bản và cụm dân cư, nhất là vùng biên giới.

Hầu hết các hộ dân di cư tự do (DCTD) đều là những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn. Có hộ bị các phần tử xấu đội lốt tôn giáo lợi dụng để kích động dẫn đến phát sinh ảo tưởng về cuộc sống đầy đủ, ấm no ở nơi đến, từ đó rời bỏ nơi đang sinh sống, DCTD gây ra sự xáo trộn trong cộng đồng, khó khăn cho việc quản lý dân cư, đặc biệt là việc quản lý đường biên, mốc giới. DCTD dẫn đến phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch bố trí, sắp xếp và quản lý dân cư, khó khăn về quản lý đất đai ở các địa phương, tiền đề của các tình trạng: Tranh chấp, mua bán chuyển nhượng đất đai trái phép, xâm canh, xâm cư và đặc biệt là nạn phá rừng, đốt nương làm rẫy, hủy hoại môi trường sinh thái.

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại Hội nghị về dân di cư tự do, bố trí dân cư ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên ngày 13/8/2014.Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Đại bộ phận người dân DCTD là những người nghèo khó, không có hộ khẩu vì vậy không được hưởng các chính sách an sinh của Nhà nước tại địa phương. Chính vì vậy, DCTD là nguyên dân tiềm ẩn các yếu tố phức tạp về trật tự, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội (truyền đạo trái pháp luật, các tệ nạn xã hội…).


Nỗi lo nhìn từ Giang Đông


Thôn Giang Đông của xã Ea Dăh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có gần 100% đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào từ năm 1996 đến nay. Các hộ dân di cư vào khai hoang và định cư tại tiểu khu 342 thuộc khu rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý và một số diện tích nương rẫy thuộc UBND xã Ea Dăh từ năm 1996. Hiện tại, cuộc sống của những hộ này rất khó khăn do chưa ổn định, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhà ở tạm bợ bằng tranh tre, nứa, lá hoặc vách ván, nước sinh hoạt chưa bảo đảm vệ sinh, bệnh tật, sốt rét thường xuyên xảy ra, cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng chưa được đầu tư.


Qua tổng hợp của các tỉnh có dân DCTD đến vùng Tây Nguyên từ năm 1975 đến quý I/2014 là 189.846 hộ với 937.564 khẩu, trong đó có khoảng 50.000 hộ ở khu vực Tây Bắc di cư vào. Dân DCTD vào khu vực Tây Nguyên chủ yếu vào cuối những thập niên 70-90. Trong 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm có khoảng 2.000 hộ DCTD, thời điểm dân DCTD cao nhất là năm 2008 với 4.247 hộ (18.490 khẩu). Sau đó số dân DCTD giảm mạnh đến hết năm 2013 là 695 hộ (2.408 khẩu) và quý I/2014 là 48 hộ (211 khẩu). Như vậy, số dân DCTD vào khu vực Tây Nguyên đến hết năm 2013 đã giảm hơn 83%.

Theo ông Phạm Minh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, thực hiện Chương trình 134/CP, trong hai năm 2006-2007, UBND huyện đã xây dựng nhà ở và cấp đất ở cho gần 90 hộ đồng bào Mông (mỗi hộ 400 m2) tại khu vực xã Ea Dăh. Nhưng đến nay chỉ còn gần 20 nhà có người ở, chủ yếu là cán bộ thôn và người già, trẻ em; hơn 70 ngôi nhà còn lại bị bỏ trống. Trước tình hình trên, huyện Krông Năng đặt ra mục đích di dời số hộ dân còn lại ra khỏi khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn để định cư và làm ăn sinh sống lâu dài tại khu vực đã quy hoạch.


Từ thực tế đời sống người dân không ổn định, cộng với tập quán canh tác lạc hậu, không có kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… nên từ năm 2008 đến nay tình hình đói nghèo không giảm. Do thiếu đất ở, đất sản xuất nên việc mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tệ nạn xã hội tại Ea Dăh nói chung và Giang Đông nói riêng rất phức tạp. Đơn cử như trong dịp tháng 4/2011, Giang Đông đã có 7 hộ nhẹ dạ, cả tin và nghe theo kẻ xấu xúi giục bán hết đất đai, tài sản để về Mường Nhé (Điện Biên) gây mất an ninh trật tự. Sau khi được cấp ủy và chính quyền tuyên truyền vận động, số hộ trên đã trở về địa phương, yên tâm lao động sản xuất.


Theo báo cáo của các địa phương, từ năm 1976 đến nay đã có trên 189.000 hộ với gần một triệu nhân khẩu DCTD từ các địa phương trên cả nước đến Tây Nguyên.


Trong đó, số hộ chưa bố trí ổn định cần sắp xếp vào vùng quy hoạch là 23.566 hộ (gồm cả số đến trước năm 2005 đến nay). Người dân di cư đã làm cho dân số, cơ cấu dân cư và thành phần dân tộc vùng Tây Nguyên biến đổi nhanh chóng, gây ra không ít khó khăn, bức xúc cho các địa phương có dân DCTD đến. Người dân DCTD phần lớn là từ các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là người dân tộc Mông, có nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, tỷ lệ đói nghèo cao.


Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, diễn biến của di cư hiện nay vẫn còn phức tạp và khó kiểm soát, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi Tây Bắc. Ở một số tỉnh vùng Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang có dân DCTD đi ngoài tỉnh nhưng dân các tỉnh khác lại DCTD đến. Nhiều hộ dân của các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng DCTD đến Lai Châu, Yên Bái, Bắc Kạn tiếp tục di cư vào các tỉnh Tây Nguyên, sau đó lại di cư sang huyện hoặc tỉnh khác gây nhiều khó khăn về công tác quản lý dân cư và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.


Nhiều hệ lụy


Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số 23.566 hộ cần bố trí ổn định thì số đông sinh sống phân tán ở bìa và trong vùng rừng phòng hộ, đặc dụng, còn lại sinh sống phân tán xen ghép tại các thôn, bản hiện có trên địa bàn. Hiện các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng, phê duyệt 37 dự án với tổng vốn được duyệt 1.930 tỷ đồng để bố trí ổn định 13.968 hộ; trong đó 21 dự án đang thực hiện, 14 dự án đã phê duyệt nhưng chưa được bố trí vốn, hai dự án chưa phê duyệt.


Khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên hiện nay là còn gần 9.600 hộ dân DCTD trong tổng số 23.566 hộ đang sinh sống phân tán, chưa có dự án để sắp xếp ổn định, bao gồm 7.600 hộ chưa có đất hoặc chưa được làm thủ tục cấp đất ở, đất sản xuất. Trong số người dân DCTD từ Tây Bắc vào khu vực Tây Nguyên có số ít hộ dân mua được đất ở, đất sản xuất và được cấp hộ tịch, hộ khẩu, còn lại đa số trong tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, một số hộ dân phải đi làm thuê, đời sống thiếu ổn định, tỷ lệ đói nghèo cao. Những điều kiện phục vụ cho cuộc sống như cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, văn hóa… rất hạn chế, tình trạng chiếm rừng, phá rừng, mua bán đất trái phép và tranh chấp đất đai diễn ra phổ biến. Công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, an ninh trật tự xã hội gặp nhiều khó khăn.


Nguyên nhân của hiện tượng trên là điều kiện tự nhiên ở các tỉnh Tây Bắc (nơi có số dân thường xuyên DCTD) rất khó khăn, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thiếu nước sinh hoạt, nước và đất sản xuất, kết cấu hạ tầng cơ sở yếu kém. Bên cạnh đó, tình hình lợi dụng tôn giáo, lôi kéo, kích động người dân DCTD chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư ở vùng miền núi nhất là vùng sâu, vùng xa tập quán sản xuất, canh tác lạc hậu, du canh du cư, đốt nương làm rẫy, sản xuất quảng canh, sinh đẻ thiếu kế hoạch (bình quân 5 - 7 con/hộ) dẫn đến đói nghèo. Cuộc sống khó khăn bế tắc nên DCTD đi nơi khác hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với công tác định canh, định cư chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn. Do đó nhân dân chưa biết được những khó khăn của nơi đến như: Quy định về quản lý đất đai, pháp luật về bảo vệ rừng và những điều kiện khác cho cuộc sống của người dân. Công tác quản lý dân cư (kể cả nơi đi và nơi đến) còn nhiều hạn chế dẫn đến nhiều nơi không nắm chắc được số lượng dân đi và đến. Công tác quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng ở một số địa phương còn nhiều yếu kém, chưa kiên quyết xử lý các trường hợp phá rừng, mua bán đất trái pháp luật nên đã để người dân từ nơi khác DCTD đến chiếm đất, phá rừng làm nương rẫy.


Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN