Hàng trăm giáo viên ở Đắk Lắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng
Sự việc hàng trăm giáo viên tại các trường ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) sẽ bị chấm dứt hợp đồng vì trong diện dôi dư do huyện đã ký tuyển dụng thừa đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Ngày 12/1/2018 Thanh tra Chính phủ đã ra Thông báo kết luận thanh tra số 65/TB-TTCP thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục tại tỉnh Đăk Lắk.
Kết luận của Thanh tra nêu rõ kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk do không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk; kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk do ký hợp đồng với giáo viên; yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk khẩn trương khắc phục tình trạng thừa giáo viên.
Việc tuyển dụng thừa thuộc trách nhiệm của UBND huyện Krông Pắk. Nhưng tương lai của những giáo viên này sẽ ra sao khi sai sót này không phải do họ?
Trước đó, như thông tin báo chí đã nêu, ngày 9/3 UBND huyện Krông Pắk đã tổ chức họp giải quyết vụ việc này. Trước mắt UBND huyện đã có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với 200 giáo viên hợp đồng giảng dạy các môn học không thuộc diện phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017. Cuối tháng 3/2018, UBND huyện sẽ tổ chức tuyển dụng viên chức với 83 chỉ tiêu.
Như vậy, trong trên 600 giáo viên hợp đồng do UBND huyện tuyển dụng thừa, sẽ có trên 500 giáo viên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Vụ ca sĩ vô ý làm chết người: Bắt khẩn cấp Châu Việt Cường và Phạm Đức Thế
Chiều 6/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Việt Cường (SN 1984, quê ở Hà Trung, Thanh Hóa; ca sĩ có nghệ danh là Châu Việt Cường) để điều tra làm rõ hành vi vô ý làm chết người.
Đối tượng Nguyễn Việt Cường. Ảnh: dantri.com.vn |
Theo thông tin ban đầu, khoảng 3 giờ 30 ngày 5/3, Châu Việt Cường, Nam Khang (tức Đoàn Quý Nguyên, quê Thừa Thiên - Huế) rủ chị T.M.H (sinh năm 1998, ở Chương Mỹ, Hà Nội) và một cô gái có tên Phượng Anh (chưa xác định được nhân thân) đến nhà Phạm Đức Thế, ở phố Nguyễn Văn Ngọc (phường Cống Vị, quận Ba Đình) để sử dụng ma túy.
Tại đây, nhóm người này đã quan hệ tình dục và sử dụng ma túy tổng hợp. Đến khoảng 8 giờ cùng ngày, Châu Việt Cường bị ảo giác nghĩ chị H bị ma nhập nên đã nhét tỏi vào miệng cô gái này. Hành động của Cường khiến nạn nhân tắc thở, tử vong.
Qua pháp y tử thi, lực lượng chức năng tìm thấy hơn 30 nhánh tỏi, củ tỏi trong miệng chị H., gây tắc phế quản, tắc đường hô hấp, là nguyên nhân khiến chị H tử vong.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 7/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình cũng đã đã bắt khẩn cấp Phạm Đức Thế (sinh năm 1981, quê Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) để điều tra về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Xây dựng ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm sẽ giảm áp lực giao thông?
Ngày 9/3, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức giới thiệu và lấy ý kiến người dân về quy hoạch tổng mặt bằng Ga ngầm C9 - Ga hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm). Việc lấy ý kiến của người dân sẽ kết thúc vào ngày 31/3.
Ga C9 thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Theo phương án quy hoạch, Ga C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Hoàn Kiếm. Nhà ga dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng.
Người dân xem phối cảnh Ga C9- hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN |
Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, việc bố trí Ga C9 ở khu vực cạnh Hồ Gươm có nhiều lợi ích như: hạn chế phương tiện cá nhân, giảm áp lực giao thông cho khu vực hồ...
Tuy nhiên, hiện đã có ý kiến trái chiều khi cho rằng, việc triển khai dự án có thể sẽ sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng cho rằng Hồ Gươm vốn đã là nơi đông người qua lại, áp lực giao thông lớn. Do đó, nếu làm ga tàu điện ngầm tại đây thì sẽ gây ra xung đột giao thông; như thế là trái với mục đích mà đề án này đưa ra.