'Nóng' tuần qua: Hội đồng xét xử nghị án vụ Đồng Tâm; sách giáo khoa bị ‘thổi giá’ 2 -3 lần

Tuần qua, những thông tin: Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đồng Tâm; sách giáo khoa bị ‘thổi giá’ 2 -3 lần; nguyên Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội bị đề nghị truy tố; triệt phá đường dây mua bán 41 phụ nữ, trẻ em qua biên giới... được dư luận đặc biệt quan tâm.

Những điểm nổi bật trong phiên tòa sơ thẩm vụ án tại Đồng Tâm

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử nghị án và dự kiến sẽ tuyên án vào chiều 14/9.

Chú thích ảnh
Hội đồng xét xử cho trình chiếu video lời khai của bị cáo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Tại phần xét hỏi, Hội đồng xét xử đã cho trình chiếu các clip nêu tóm tắt toàn bộ quá trình tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, Mỹ Đức; hành vi sai phạm của các bị cáo vào rạng sáng 9/1/2020 dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, làm 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh. Trong đó có các đoạn clip dẫn chứng lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra. Điều đáng nói, thông qua những lời khai này đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn trong lời khai của chính các bị cáo tại phiên tòa. Qua đó, nhiều bị cáo đã tự nhận thức sai phạm, thừa nhận hành vi phạm tội và xin được Hội đồng xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Trong phần tranh tụng, một số luật sư đặt câu hỏi về nguồn gốc các clip trình chiếu tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cho biết những clip này được lấy từ 2 nguồn: Một nguồn công khai do các cơ quan báo chí, phóng viên phỏng vấn và đã công chiếu trên truyền hình cho nhân dân cả nước đều biết, có giá trị chứng minh nên Cơ quan điều tra đã thu thập; một nguồn khác được thực hiện trong quá trình hỏi cung, ghi lời khai của các bị cáo theo quy định tại Điều 183 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, có thể ghi âm, ghi hình song song với ghi lời khai trong các bút lục của hồ sơ.

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố 29 bị cáo, trong đó có 25 bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”. Đánh giá tổng thể quá trình xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát nhận thấy hành vi của 25 bị cáo này có đủ căn cứ cấu thành tội “Giết người” thông qua việc góp tiền mua lựu đạn, mua xăng, làm bom xăng, làm bùi nhùi tẩm xăng… tấn công lực lượng chức năng. Cáo trạng của Viện Kiểm sát truy tố các bị cáo này về tội “Giết người” là có căn cứ pháp luật.

Qua xét hỏi công khai tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng các bị cáo đã cơ bản biết rằng vì nhận thức pháp luật hạn chế, do được hứa hẹn nên đã mù quáng tin tưởng và đi theo Lê Đình Kình. Các bị cáo đã nhận thức được sai phạm, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải. Xét về bản chất, các bị cáo này đều không phải là những đối tượng chống đối quyết liệt, tham gia có mức độ, phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp và đặc biệt là không trực tiếp thực hiện hành vi dẫn đến hậu quả làm 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh. Do vậy, Viện Kiểm sát đã vận dụng chính sách pháp luật hình sự, đường lối khoan hồng nhân đạo của Nhà nước, để áp dụng tội danh nhẹ hơn và theo đó có áp dụng hình phạt nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với một số bị cáo, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.

Trên cơ sở đó, căn cứ vào Điều 319 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo có tên nêu trên từ tội “Giết người”, sang tội “Chống người thi hành công vụ” và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo một phần hình phạt, để các bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật, yên tâm cải tạo, tu dưỡng thành công dân tốt, có ích cho xã hội.

Xuyên suốt phiên tòa, trải dài từ phần xét hỏi đến tranh tụng, tất cả các bị cáo đều nhận ra sai phạm, thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật và mong được Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt, hưởng khoan hồng của pháp luật. Không có bị cáo nào kêu oan, hoặc cho rằng hành vi của mình là không vi phạm pháp luật. Đa số các bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn hối hận, xin lỗi gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh.

Quá trình tranh tụng, nhiều luật sư bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ vụ án để tiến hành điều tra bổ sung. Đáp lại luận điểm này, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng không có cơ sở để trả hồ sơ điều tra bổ sung. Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 3 gia đình bị hại cũng đề nghị Hội đồng xét xử không trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngay cả một số bị cáo cũng chung mong muốn không trả hồ sơ vụ án, bởi với họ, kéo dài thêm thời gian tố tụng trong vụ án này là làm xấu đi tình trạng của họ.

Việt Nam đã có 35 ca tử vong do COVID-19, số ca điều trị khỏi là 918 ca

Tính đến 18 giờ ngày 13/9, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh được cách ly ngay; tổng số mắc hiện là 1.063 ca.

Chú thích ảnh
Hòa Bình tiếp nhận, cách ly 80 công dân từ Mỹ trở về. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.

Trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 36.299 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 504 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 17.703 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 18.092 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 12/9, Việt Nam có thêm 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 16 ca, lần 2 là 17 ca, lần 3 là 21 ca.

Sách giáo khoa bị ‘thổi giá’ 2 - 3 lần

Khác với những năm học trước, năm nay có 7 nhà xuất bản được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép xuất bản sách giáo khoa (SGK). Đó là, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản ĐH Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản ĐH Vinh, Nhà xuất bản ĐH Huế.

Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung “một chương trình, nhiều SGK”, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức thẩm định và phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng cho năm học 2020-2021. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục sửa đổi mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 thì việc lựa chọn SGK lại do UBND các tỉnh lựa chọn. Điều đáng quan tâm là một bộ SGK năm nay có mức giá cao hơn so với những năm trước. Cụ thể, SGK lớp 1 năm học 2019-2020 bao gồm các môn học bắt buộc có giá 54.000 đồng/bộ. Nhưng giá SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới giá đã tăng đến 267%.

Trong danh mục SGK mới nhất mà trường Tiểu học An Phong, quận 8, TP Hồ Chí Minh yêu cầu học sinh mua gồm 23 đầu sách, trong đó có bộ thực hành Toán, Tiếng Việt 1 có giá lên tới 173.400 đồng.Ở 5 bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh môn học bắt buộc các Nhà xuất bản đều niêm yết giá SGK rất cao, trong đó có sách tiếng Anh (môn học tự chọn) mức giá dao động từ 45.000-99.000 đồng/cuốn. Điều này khiến nhiều phụ huynh không đồng tình và cũng không biết căn cứ vào đâu để mua cho đủ số lượng.

Trong khi SGK lớp 1 theo chương trình mới tăng như vậy, thì SGK lớp 6 cũng rất khan hiếm và tăng tự phát khiến phụ huynh rất bức xúc. Ngay ở Thủ đô, việc tăng giá SGK diễn ra khá phức tạp do "cò sách" làm giá. Cụ thể, một bộ SGK lớp 6 là 900.000 đồng/bộ (giá gốc là 179.800 đồng). Cuốn sách được phụ huynh tìm mua nhiều nhất là Tiếng Anh, giá bìa chỉ có 115.000 đồng/4 cuốn, nhưng “cò sách” đã thổi giá lên 300.000 đồng.

Được biết, đây là năm cuối cùng học sinh lớp 6 dùng SGK theo chương trình hiện hành, nên các nhà in giảm số lượng so với năm học trước. Việc khan hiếm SGK diễn ra ở nhiều nhà sách lớn trên địa bàn gây bức xúc cho phụ huynh.

Điều đáng ngạc nhiên là đến nay, Bộ GD&ĐT chưa ban hành 1 bộ SGK chuẩn. Việc biên soạn, in ấn, phát hành và quyết định giá SGK thuộc về các Nhà xuất bản. Các chi phí hình thành giá SGK do các Nhà xuất bản tự đặt ra nên đã dẫn đến tình trạng giá SGK đang "nhảy múa". Trên thực tế việc triển khai SGK mới có giá cao hơn SGK cũ khoảng 2 lần đã ảnh hưởng tới học sinh, đặc biệt những học sinh vùng khó. Với thực tế này, ngành giáo dục cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để lập lại trật tự về giá SGK.

Nguyên Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội bị đề nghị truy tố

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) và các đơn vị liên quan; đồng thời, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội cùng 9 bị can khác về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Đây là diễn biến mới nhất trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm CDC Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Trong 10 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án, có 6 bị can là cán bộ, lãnh đạo thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, gồm: Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc; Nguyễn Vũ Hà Thanh, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán; Hoàng Kim Thư, nguyên Kế toán trưởng; Lê Xuân Tuấn, nguyên cán bộ Phòng Tài chính kế toán; Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính và Nguyễn Ngọc Quỳnh, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ.

Các bị can còn lại gồm: Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.

Kết quả điều tra xác định, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.

Từ các tài liệu thu thập được, Cơ quan điều tra xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng, chống dịch COVID-19 khi nhập về Việt Nam có giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối đã mua bán lòng vòng với nhau, sau đó được định giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập và được CDC Hà Nội mua vào.

Kết quả điều tra xác định, các bị can đã câu kết với nhau nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động, qua đó đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn hơn 5,4 tỷ đồng. Quá trình điều tra, các bị can và gia đình đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền thiệt hại trong vụ án để khắc phục hậu quả.

Triệt phá đường dây mua bán 41 phụ nữ, trẻ em qua biên giới

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lào Cai vừa triệt phá thành công chuyên án 419D đấu tranh với đường dây mua bán người dưới 16 tuổi do nhóm đối tượng chuyên giả danh Công an, Bộ đội Biên phòng dụ dỗ lừa gạt phụ nữ trẻ em ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lào Cai... bán ra nước ngoài.

Đây là chuyên án do Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an xác lập vào tháng 5/2019. Sau khi được giao nhiệm vụ, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lào Cai đã tập trung lực lượng điều tra, xác minh và phát hiện đối tượng Sùng A Chớ (sinh năm 1991, trú tại Bản Nậm Pon, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là kẻ cầm đầu đường dây lên tới 7 đối tượng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự phối hợp của Công an Trung Quốc, Công an tỉnh Điện Biên, từ ngày 2/7-5/8/2020, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lào Cai đã bắt được 7 đối tượng trong đường dây nói trên.

Quá trình điều tra đến nay, lực lượng chức năng đã làm rõ hành vi phạm tội của Chớ và các đối tượng có liên quan, tỷ lệ ăn chia, phương thức, thủ đoạn phạm tội của đường dây buôn người nêu trên. Theo đó, ngoài thủ đoạn cũ là lừa yêu, Sùng A Chớ còn giả danh Công an hoặc Bộ đội Biên phòng Lào Cai lừa bị hại là liên quan đến vụ án nào đó và yêu cầu bị hại sang Lào Cai để làm việc, sau đó lừa bán  qua biên giới. Quá trình đấu tranh đã có đủ căn cứ xác định: Chớ và 6 đối tượng trong vụ án đã thực hiện trót lọt 29 vụ, lừa bán 41 phụ nữ, trẻ em qua biên giới.

Quá trình kiểm tra, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Lào Cai đã thu giữ trong điện thoại di động và Ipad của Sùng A Chớ có 29 ảnh chụp chứng minh nhân dân Việt Nam được chèn ảnh Công an nhân dân Việt Nam, Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Bộ đội Biên phòng Trung Quốc.

Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lào Cai đang tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án và làm rõ hành vi của các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Gỡ bỏ giãn cách trên phương tiện vận tải xuất phát từ Đà Nẵng từ 14 giờ ngày 13/9

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có công văn số 9115/BGTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục: Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Giao thông và xây dựng Lào Cai gỡ bỏ quy định giãn cách trên các phương tiện vận tải hành khách xuất phát từ Đà Nẵng từ 14 giờ ngày 13/9.

Công văn này triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 ngày 11/9/2020; căn cứ tình hình dịch COVID-19 về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc; nhằm tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải và vẫn đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 cho người điều khiển, tiếp viên, nhân viên phục vụ và hành khách khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách đi/đến Đà Nẵng.

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị gỡ bỏ quy định về giãn cách hành khách trên các xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, máy bay, tàu thủy... Đặc biệt, các đơn vị tập trung chỉ đạo và giám sát việc thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện giao thông công cộng: Đeo khẩu trang đúng cách tại các khu vực công cộng (nhà ga, bến tàu, bến xe...) và trên phương tiện vận tải hành khách trong suốt hành trình; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại khu vực công cộng và xếp hàng khi tham gia giao thông; đồng thời, yêu cầu hành khách khai báo y tế bắt buộc trước chuyến đi: Thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; khuyến cáo hành khách cài đặt và bật ứng dụng BlueZone (tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn) để được cảnh báo.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Nóng tuần qua: Xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế; 6 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Nóng tuần qua: Xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế; 6 bệnh nhân COVID-19 tử vong

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc; đã có 6 bệnh nhân COVID-19 tử vong; bão số 2 suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới gây cảnh báo mưa lũ trên diện rộng; TP Hồ Chí Minh có trên 35.000 chương trình du lịch bị hủy vì dịch bệnh COVID-19... là những tin "nóng" tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN