Bệnh nhân số 499 tử vong do mắc ung thư máu ác tính và viêm phổi nặng và COVID-19
Sáng ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, đã thông báo về trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19.
Bệnh nhân tử vong là BN 499, bà T.T.B.T, 68 tuổi. Bệnh nhân mắc bạch cầu cấp dòng tủy kháng trị; đái tháo đường type 2; tăng huyết áp. Bệnh nhân điều trị ung thư máu (leucemia) tại Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, ra viện ngày 23/7.
Sau đó, do bệnh nhân ho, sốt, nên tái khám tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Do có dịch tễ nghi ngờ, bệnh viện đã chuyển bệnh nhân đến ngay Khu cách ly. Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính. Bệnh nhân có biến chứng suy tủy, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Đến 19 giờ ngày 31/7, bệnh nhân suy hô hấp nặng hơn, phải tiến hành đặt nội khí quản, thở máy. Có hội chẩn trực tiếp với chuyên gia của Bộ Y tế đang có mặt tại Đà Nẵng. Đến 22h30, hội chẩn và điều trị cho kết quả thất bại; nhưng các bác sĩ vẫn tiếp tục cho bệnh nhân thở máy, vận mạch liều cao. Đến 4h55 phút ngày 1/8 thì bệnh nhân ngừng tuần hoàn, hô hấp và được xác nhận tử vong vì suy hô hấp.
Theo Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu, thành viên Tiểu ban điều trị BCĐ Phòng chống COVID-19, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân: Ung thư đường máu ác tính không đáp ứng hoá chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và COVID-19.
Như vậy, tính đến chiều 1/8, Việt Nam ghi nhận thêm 28 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 đến thời điển hiện tại là 586 ca. Trong đó, có 304 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Riêng 28 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 1/8, có 19 ca liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng (Đà Nẵng 11, Quảng Nam 5, TP. Hồ Chí Minh 2, Thái Bình 1); 7 ca tại Đà Nẵng (đang tiếp tục điều tra) và 2 ca cách ly ngay sau nhập cảnh tại Trà Vinh.
Không được để sót đối tượng có liên quan đến dịch COVID-19 tại Đà Nẵng
Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp, ngày 1/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong công tác tiếp nhận, quản lý và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại hơn 700 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã trong cả nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết đã phân tích dịch tễ và các yếu tố liên quan nhưng chưa tìm được mối liên quan giữa các ca tại cộng đồng và các ca mắc trong các bệnh viện tại Đà Nẵng. Bộ Y tế nhận định dịch COVID-19 tại Đà Nẵng đã trải qua 4-5 chu kỳ dịch.
Với quyết tâm ngăn chặn bằng được, giảm thiểu tối đa tử vong do dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã hành động quyết liệt, thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ tại thành phố Đà Nẵng, bao gồm các chuyên gia đầu ngành, đồng thời liên tục được các chuyên gia của Tiểu ban Điều trị hội chẩn, đưa ra phác đồ tối ưu nhất cho từng bệnh nhân mắc COVID-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam và các bệnh viện liên quan...
Theo thống kê, từ đầu tháng 7/2020 có hơn 800.000 người đã từng đi, đến Đà Nẵng và trở về các địa phương; có hơn 41.000 người đã đến 3 bệnh viện tại Đà Nẵng. Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương lập danh sách, giám sát, theo dõi tất cả các đối tượng này, đồng thời gửi tin nhắn khuyến cáo, hướng dẫn những người này theo dõi sức khỏe, liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, giám sát và xét nghiệm phát hiện mắc COVID-19 trong trường hợp cần thiết.
Bộ cũng xác định Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... là những nhóm có nguy cơ cao trong lây nhiễm COVID-19 nên cần khẩn trương xây dựng kịch bản, kế hoạch điều tra, giám sát tất cả những người đi đến và trở về từ Đà Nẵng, đến các địa điểm đã được Bộ Y tế cảnh báo, đảm bảo không để dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn
Theo đó, nhiều biện pháp phòng, chống dịch khẩn trương được thực hiện tại các tỉnh, thành. Cụ thể, Hà Nội tái kích hoạt các biện pháp phòng, chống COVID-19 trên xe buýt; Quán bar, cửa hàng trong phố cổ Hà Nội đồng loạt đóng cửa chống dịch COVID-19; TP Hồ Chí Minh phong tỏa chung cư Thái An 2 vì có ca nghi nhiễm COVID-19. Hiện TP Hồ Chí Minh có trên 26.000 người về từ Đà Nẵng đã khai báo y tế.
Mưa lũ sẽ dồn dập vào cuối năm
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 8 - 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Đây là năm có thời tiết phức tạp, khả năng xảy ra bão, mưa, lũ dồn dập vào cuối năm.
Lúc 13 giờ chiều 1/8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Thái Bình - Nghệ An khoảng 450 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 – 75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130 km tính từ tâm bão. Hoàn lưu của nó đang bao phủ hầu khắp khu vực Bắc biển Đông, vùng mây phía Tây của bão đang gây mưa cho khu vực bắc Trung Bộ với trọng tâm mưa ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Riêng chiều tối và đêm 1/8, mưa to và dông bao trùm các khu vực trong cả nước, cục bộ có nơi mưa rất to. Đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20 km. Đến 13 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km, đi vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp.
Đến 13 giờ ngày 3/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 103,9 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào.
Đối với cơn bão số 2, ông Hoàng Phúc Lâm cảnh báo khả năng cao sẽ xảy ra một đợt mưa rất lớn ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ cũng như khu vực Tây Nguyên. Theo đó, người dân ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, khu vực vùng núi miền Trung cần hết sức cảnh giác dông, lốc và gió giật mạnh ở rìa ngoài hoàn lưu bão, khi mưa lớn xảy ra sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, người dân vùng đô thị ở các khu vực trên cần lưu ý tới hiện tượng ngập úng đô thị. Ngoài ra ở vùng ven biển khu vực bão ảnh hưởng đề phòng sóng lớn và nước biển dâng, đặc biệt nếu bão đổ bộ vào thời điểm thủy triều cao vào buổi chiều các ngày đầu tháng 8/2020.
Trước dự báo này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân, trong đó cần lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Động đất có độ lớn 3.6 tại Mộc Châu, Sơn La
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, vào lúc 5 giờ 31 phút 13 giây ngày 1/8, một trận động đất có độ lớn 3.6 xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km.
Theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh, trận động đất này tiếp tục là dư chấn của trận động đất có độ lớn 5.3 diễn ra vào 12 giờ 14 phút ngày 27/7. Liên tiếp từ đó đến nay, tại Mộc Châu (Sơn La) đã xảy ra hàng chục dư chấn của trận động đất trên với độ lớn đo được từ 2.6 đến 4.0. Thông thường, một trận động đất có độ lớn 5.3 như trên có thể gây ảnh hưởng trên phạm vi cả trăm km và kéo theo nhiều dư chấn trong nhiều ngày.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu đã cử hai đoàn công tác lên Mộc Châu, Sơn La để kiểm tra, đánh giá dư chấn và mức độ ảnh hưởng do động đất; đồng thời tiến hành lắp đặt 2 máy đo dư chấn trên địa bàn các xã Nà Mường và Tân Lập (huyện Mộc Châu).
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Ngành Giáo dục sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) Mai Văn Trinh cho biết, đến thời điểm này, các công việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cơ bản đã hoàn tất như: Xây dựng các văn bản về kỳ thi, phần mềm quản lý thi và chấm thi, ra đề thi, tập huấn quy chế thi, thanh tra thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi… đảm bảo đúng lịch trình và chất lượng. Công tác bàn giao đề thi của Ban chỉ đạo cấp quốc gia cho 63 Hội đồng thi toàn quốc đã hoàn thành đầy đủ và an toàn tuyệt đối. Đề thi dự bị cũng sẽ sớm chuyển tiếp tới các Hội đồng thi.
Về vấn đề phòng, chống dịch COVID-19 khi thi, Bộ y tế yêu cầu Ban chỉ đạo thi các địa phương phải thực hiện nghiêm túc việc phân loại thí sinh theo công văn Bộ GDĐT vừa ban hành. Thí sinh thuộc diện F0 (ca bệnh xác định, dương tính với vius SARS-CoV2) phải cách ly và điều trị tại cơ sở y tế thì không thể dự thi. Thí sinh thuộc diện F1, F2 phải tổ chức phòng thi hoặc điểm thi riêng và đảm bảo yêu cầu cách ly. Để rà soát phân loại, cần phải huy động một lực lượng y tế vào cuộc để thực hiện.