'Nóng' ngày 29/9: Thêm 17 ca COVID-19 mới, đều là nhập cảnh; Mở đường bay thẳng Hà Nội-Côn Đảo

Những thông tin thời sự thu hút sự quan tâm của dư luận ngày 29/9 bao gồm: Việt Nam có thêm 17 trường hợp mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh; lần đầu tiên có chuyến bay thẳng kết nối Hà Nội-Côn Đảo; xét xử vụ án 'Lập quỹ trái phép' tại Ban Quản lý dự án Nghi Sơn; tuyên phạt nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh 30 năm tù; triệt phá đường dây đánh bạc với số tiền gần 1.000 tỷ đồng...

Việt Nam có thêm 17 trường hợp mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh

Tính đến 18 giờ ngày 29/9, Việt Nam có thêm 17 ca mắc mới COVID-19, đều là các ca nhập cảnh đã được cách ly ngay, nâng tổng số mắc lên 1.094 ca. 

Chú thích ảnh
Người dân bảo hộ phòng dịch khi đi các chuyến bay quốc tế. Ảnh: TTXVN.

Ngày 26/9/2020, 17 bệnh nhân này về từ Liên bang Nga trên chuyến bay QH9495 và nhập cảnh tại Sân bay Cần Thơ. Sau đó được chuyển đến tỉnh Bạc Liêu cách ly tập trung tại 2 khu (A,B) của Ký túc xá Sinh viên Bạc Liêu và được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu lấy mẫu bệnh phẩm ngày 27/9/2020. Các mẫu bệnh phẩm được gửi về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ngày 28/9/2020 xét nghiệm và đã phát hiện 17 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 29/9, Việt Nam có tổng cộng 1.094 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Hiện, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 15.897 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 270 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 10.625 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 5.002 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngày 29/9 có thêm 8 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong đó, riêng Quảng Nam có 2 bệnh nhân khỏi bệnh là: BN561 và BN981. Theo Sở Y tế Quảng Nam, đây là 2 bệnh nhân COVID-19 cuối cùng của tỉnh này được xuất viện. Hai bệnh nhân đã có ba lần xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính. Hai bệnh nhân này được bàn giao về y tế địa phương và tiếp tục được cách ly, giám sát y tế bởi cán bộ y tế cơ sở. Tính đến nay, đã 41 ngày Quảng Nam không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. 

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 1 ca, lần 2 là 3 ca, lần 3 là 13 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca; số ca điều trị khỏi là 1.007 ca.

Lần đầu tiên có chuyến bay thẳng kết nối Hà Nội-Côn Đảo

Chuyến bay kết nối Hà Nội-Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) lần đầu tiên bay thẳng được hãng hàng không nội địa Bamboo Airways thực hiện sáng ngày 29/9 bằng máy bay Embraer 195 (dòng máy bay phản lực hiện đại đầu tiên được hàng không Việt Nam vận hành), mở màn cho 3 đường bay không dừng tới Côn Đảo, cùng với chặng bay từ Hải Phòng và Vinh.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam và huyện Côn Đảo dự khai trương đường bay thẳng.

Chuyến bay đầu tiên mang số hiệu QH1031 đã hạ cánh tại sân bay Côn Đảo lúc 9 giờ 10 phút sáng 29/9. Theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục Trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), việc khai trương 3 đường bay thẳng từ Hà Nội, Hải Phòng, Vình đi Côn Đảo của Bamboo Airways bên cạnh việc kích cầu du lịch tới điểm đến sở hữu thiên nhiên hoang sơ và hệ sinh thái biển, rừng đặc trưng, quý hiếm của ngành Du lịch, hàng không Việt Nam, còn mở ra kế hoạch khai thác các đường bay tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả khác như Phú Quốc-Rạch Giá, TP Hồ Chí Minh-Cà Mau, Đà Nẵng-Côn Đảo… trong tương lai gần, khẳng định chiến lược dài hạn gia tăng liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và ngành Hàng không.

Xét xử vụ án 'Lập quỹ trái phép' tại Ban Quản lý dự án Nghi Sơn

Ngày 29/9, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án “Lập quỹ trái phép” xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (viết tắt là Ban Quản lý dự án Nghi Sơn).

Chú thích ảnh
Từ trái sang là bị cáo Trần Khắc Hiệp, Lê Xuân Hoàng và Nguyễn Mạnh Tấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Ba bị cáo trong vụ án này gồm: Trần Khắc Hiệp (sinh năm 1957, nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Nghi Sơn), Lê Xuân Hoàng (sinh năm 1962, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Tài chính kế toán, Ban Quản lý dự án Nghi Sơn), Nguyễn Mạnh Tấn (sinh năm 1981, nguyên nhân viên Phòng Tài chính kế toán, Ban Quản lý dự án Nghi Sơn) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lập quỹ trái phép” theo quy định tại Điều 205, khoản 3-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, từ năm 2010-2015, lợi dụng chức vụ Trưởng Ban Quản lý dự án Nghi Sơn, được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ủy quyền để đàm phán, ký, thực hiện hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn và sau khi nhận được tiền thanh toán cho Hợp đồng san lấp mặt bằng hoàn thiện và Hợp đồng nạo vét công trình biển gói BoQ2, Tôn Anh Thi, Trần Khắc Hiệp đã bàn bạc, thống nhất với lê Xuân Hoàng sử dụng tổng số 1.600 tỷ đồng nguồn tiền này và 50 tỷ đồng từ nguồn do PVN cấp để gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) Thanh Hóa và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) Thanh Hóa trong thời gian ngắn (1 tuần đến 1 tháng), lấy chênh lệch lãi suất có kỳ hạn với lãi suất không kỳ hạn tổng cộng hơn 20 tỷ đồng để ngoài sổ sách kế toán để sử dụng, chi tiêu, gây thiệt hại cho PVN.

Trong số các bị cáo, bị cáo Trần Khắc Hiệp bị Viện Kiểm sát xác định đã có hành vi ký 66 Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với MB Thanh Hóa và 13 Văn bản thỏa thuận gửi tiền với OceanBank Thanh Hóa, tổng số tiền gửi ghi trên hợp đồng là 1.600 tỷ đồng, tiền lãi phát sinh là 19,2 tỷ đồng, để ngoài hệ thống sổ sách, kế toán để sử dụng, chi tiêu, gây thiệt hại cho PVN. Trước khi khởi tố vụ án, Trần Khắc Hiệp đã nộp 7,4 tỷ đồng vào tài khoản của PVN để khắc phục một phần hậu quả.

Viện Kiểm sát xác định bị cáo Lê Xuân Hoàng đã có hành vi bàn bạc, thống nhất với Trần Khắc Hiệp sử dụng 1.550 tỷ đồng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn thanh toán và 50 tỷ đồng do PVN cấp để gửi có kỳ hạn tại MB Thanh Hóa và OceanBank Thanh Hóa lấy tổng số tiền lãi là hơn 19,2 tỷ đồng để sử dụng chi tiêu, gây thiệt hại cho PVN.

Đối với Nguyễn Mạnh Tấn, Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Tấn là người có nhiệm vụ theo dõi kế toán các khoản lãi phát sinh đã không thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao mà thực hiện theo sự chỉ đạo của Trần Khắc Hiệp và Lê Xuân Hoàng, đã nhận tổng số tiền lãi 6 tỷ đồng, không hạch toán, để ngoài hệ thống sổ sách để chi tiêu, gây thiệt hại cho PVN.

Đối với bị can Tôn Anh Thi (nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án Nghi Sơn), cơ quan tố tụng xác định có đủ căn cứ kết luận bị can phạm tội “Lập quỹ trái phép”. Tuy nhiên, do bị can Thi đã trích một phần tiền lãi thu được này để sử dụng vào các hoạt động xã hội của Ban Quản lý dự án. Mặt khác, toàn bộ số tiền lãi phát sinh từ 15 Hợp đồng gửi tiền do Tôn Anh Thi ký là hơn 1,1 tỷ đồng đã được bị can chủ động nộp khắc phục toàn bộ vào tài khoản của PVN trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án; PVN có văn bản đề nghị giảm trách nhiệm hình sự cho Tôn An Thi; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị xem xét áp dụng chính sách hình sự đối với bị can Tôn Anh Thi… Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can Tôn Anh Thi.

Tuyên phạt nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh 30 năm tù

Ngày 29/9, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Tham ô tài sản," "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng," "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh và Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đã kết thúc với phần tuyên án đối với 16 bị cáo.

Theo Hội đồng xét xử, các chứng cứ và kết quả xét xử công khai tại tòa đã đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của các bị cáo như cáo trạng truy tố. Cụ thể, từ ngày 26/12/2013 đến ngày 30/3/2015, Trần Văn Tâm lợi dụng chức vụ quyền hạn là Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh, đã cùng với Nguyễn Tấn Vinh, Phan Văn Hiệp, Nguyễn Nhất Thống, Cao Minh Chiểu, Cao Tấn Được thực hiện hành vi tham ô số tiền hơn 5,15 tỷ đồng của Vinafood 2 để hợp thức khoản tiền mua, bán hai căn nhà số 36 Võ Thị Sáu, số 68 Bạch Đằng, thành phố Trà Vinh của Tổng Công ty, chuyển thành tài sản cá nhân của Trần Văn Tâm.

Các bị cáo còn có hành vi lập khống chứng từ chi mua gạo từ các hộ dân để thực hiện xử lý công nợ và xử lý số tiền bị hụt quỹ tại Xí nghiệp chế biến lương thực Cầu Kè và Phân xưởng chế biến lương thực Tân An Luông để lấy số tiền 3,24 tỷ đồng nộp tiền thanh toán mua hai căn nhà số 36 Võ Thị Sáu và 68 Bạch Đằng, thành phố Trà Vinh, thay cho Võ Văn Sen và Châu Thị Thúy Hằng.

Số tiền Công ty Lương thực Trà Vinh thanh toán cho các hợp đồng khống được các cá nhân, tổ chức sử dụng qua các hình thức: Giữ lại một phần để thanh toán chi phí hoạt động của Công ty cổ phần Đại Phúc (công ty sân sau của Tâm, do Võ Văn Sen làm giám đốc); chuyển thanh toán lại cho Công ty lương thực Trà Vinh để hợp thức các khoản nợ khống theo các hợp đồng mua khống hàng hóa với Công ty Lương thực Trà Vinh hoặc rút tiền mặt chuyển khoản qua các công ty trung gian để thanh toán các khoản nợ khống cho các xí nghiệp, phân xưởng thuộc Công ty Lương thực Trà Vinh. Tất cả dòng tiền này nhằm che đậy phần vốn lưu động bị thiếu hụt do nâng khống hàng tồn kho, nâng khống công nợ, dẫn đến Công ty Lương thực Trà Vinh phải trả lãi vay ngân hàng, phí chuyển khoản cho số tiền sử dụng không đúng mục đích.

Về nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Vinafood 2, Huỳnh Thế Năng (nguyên Tổng Giám đốc Vinafood 2) và 3 cấp dưới liên quan đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện và thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong công tác kiểm tra, giám sát việc kiểm kê tài sản, lập báo cáo tài chính, kiểm tra, giám sát về tài chính, kế toán, tình hình huy động và sử dụng vốn tại Công ty Lương thực Trà Vinh, để Trần Văn Tâm và đồng phạm lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho Tổng Công ty. Tuy nhiên Hội đồng xét xử cũng đánh giá hành vi phạm tội có phần hạn chế do các bị cáo Trần Văn Tâm và đồng phạm có hành vi phạm tội trong thời gian dài và có hệ thống, ngay cả các cơ quan chức năng chuyên môn khi kiểm tra cũng khó khăn để phát hiện.

Nhóm 6 bị cáo nguyên lãnh đạo xí nghiệp trực thuộc Công ty lương thực Trà Vinh và các doanh nghiệp có vai trò đồng phạm bị tuyên phạt mức án cụ thể: Lê Hoàng Minh 2 năm 9 tháng tù (tính đến thời điểm tuyên án đã chấp hành xong), Lê Châu Giang 3 năm tù, Võ Văn Sen 8 năm tù; Nguyễn Vĩ Long 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Nguyễn Thị Liễu 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Hồ Phú Lộc 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Nhóm 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) gồm Huỳnh Thế Năng (sinh năm 1959, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc), Vũ Bá Vinh (sinh năm 1959, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Trưởng ban Kiểm soát nội bộ), Huỳnh Văn Tranh (sinh năm 1961, nguyên Kiểm soát viên phụ trách chung) và Trịnh Ngọc Thuận (sinh năm 1976, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán) cùng bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", thời gian thử thách là 5 năm kể từ khi tuyên án sơ thẩm.

Triệt phá đường dây đánh bạc với số tiền gần 1.000 tỷ đồng

Ngày 29/9, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an Hà Nội cho biết, một đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, lô đề với số tiền gần 1.000 tỷ đồng đã bị triệt phá.

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội phát hiện đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên do 2 đối tượng Nguyễn Mạnh Long (sinh năm 1991) và Vũ Mạnh Dũng (sinh năm 1981), cùng trú tại Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm (Hà Nội) cầm đầu. Số tiền giao dịch hằng ngày từ 5 đến 10 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 20/9, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an Hà Nội bắt giữ các đối tượng: Nguyễn Mạnh Long, Vũ Mạnh Dũng, Bùi Xuân Thành (sinh năm 1977, trú tại Tân Bình, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương), Bùi Quang Huy (sinh năm 1986, trú tại Phương Lâm, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) và Vũ Thị Hảo (sinh năm 1976, trú tại Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Khám xét chỗ ở của các đối tượng, cơ quan Công an đã thu giữ 19 điện thoại di động, 9 máy tính xách tay và hơn 2,5 tỷ đồng tiền mặt.

Căn cứ tài liệu điều tra và lời khai của các đối tượng, Phòng Cảnh sát hình sự ước tính số tiền các đối tượng đánh bạc, tổ chức đánh bạc tính từ đầu năm 2020 đến nay là gần 1.000 nghìn tỷ đồng.

Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định.

Vân Sơn/Báo Tin tức
‘Nóng’ ngày 28/9: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư chúc Tết Trung thu; Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp
‘Nóng’ ngày 28/9: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư chúc Tết Trung thu; Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp

Ngày 28/9, một số thông tin “nóng” được dư luận quan tâm là: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam; Khởi tố thêm 4 bị can nguyên là cán bộ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Yên; Chính phủ ban hành Nghị định 114/2020/NĐ-CP về giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 …

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN