Trình bày dự thảo Nghị định trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh được các nước thành viên ASEAN ký kết vào ngày 16/12/1998, với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa quá cảnh, hỗ trợ thực hiện khu vực thương mại tự do ASEAN và liên kết kinh tế khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp định khung quy định việc xây dựng và ký kết các Nghị định thư có liên quan, trong đó có Nghị định thư 7 về chế độ quá cảnh hải quan.
Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, với những nội dung cơ bản để thực hiện một cách đầy đủ các cam kết trong Nghị định thư 7, cũng như phù hợp với quy định của pháp luật trong nước về hoạt động quá cảnh hàng hóa.
Để đảm bảo các nội dung tại Nghị đinh thư 7 được quy định đầy đủ các vấn đề, tại dự thảo Nghị định này đã quy định phạm vi áp dụng gồm các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS; chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS; bảo lãnh, đặt cọc và thu hồi nợ thuế hải quan đối với hàng hóa quá cảnh.
Đồng thời, cũng quy định cụ thể đối tượng áp dụng gồm: Tổ chức, cá nhân thực hiện quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS; Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan; cơ quan hải quan, công chức hải quan; cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về thực hiện hoạt động quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS và người bảo lãnh.
Thủ tục hải quan được thực hiện trên cơ sở các quy định tại Nghị định thư 7, các phụ lục và quy định của pháp luật trong nước và với đặc thù vị trí của Việt Nam là điểm đầu hoặc điểm cuối hoặc cũng có thể là điểm trung gian trong dây chuyền thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh ASEAN, do vậy, thủ tục hải quan tại dự thảo Nghị định cần được quy định chi tiết, cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh cũng như các cơ quan liên quan để đảm bảo thủ tục được xử lý trên một hệ thống thống nhất đối với từng luồng đi của hàng hoá.
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh được thực hiện thống nhất trên một hệ thống, các nước tham gia cùng thực hiện và cùng chia sẻ trên hệ thống đó, do vậy các nội dung liên quan đến hệ thống cũng phải được quy định cụ thể, chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi triển khai và phải phù hợp với xu hướng thực tế đã và đang áp dụng của Việt Nam trong việc sử dụng công nghệ quản lý tiên tiến, đảm bảo mục tiêu sử dụng công nghệ thông tin đã tạo ra khả năng quản lý hiệu quả và hiệu lực hàng hóa di chuyển trong phạm vi rộng là khu vực ASEAN, hệ thống phải xử lý được việc khai thác và trao đổi thông tin dễ dàng, kịp thời.
Quy định về bảo lãnh riêng; bảo lãnh chung; cách tính tiền bảo lãnh; đặt cọc tiền thuế; điều kiện, quyền và trách nhiệm của người bảo lãnh; kiểm tra, theo dõi xử lý bảo lãnh, tiền đặt cọc của cơ quan hải quan; thu hồi và phối hợp thu hồi nợ thuế hải quan giữa các nước có hành trình hàng quá cảnh đi qua… Riêng mức bảo lãnh theo quy định tại Nghị định thư 7 là theo mức thuế cao nhất của nước mà có trong hành trình hàng hóa quá cảnh đi qua và để có cơ sở đưa ra mức thuế cao nhất thì trách nhiệm của các nước là phải kết nối hệ thống dữ liệu ACTS để có cơ sở xác định mức bảo lãnh hoặc đặt cọc tiền thuế hàng quá cảnh theo mức thuế cao nhất.
Quy định về điều kiện, quy định việc công nhận, thu hồi, đình chỉ cũng như các nội dung được ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan để làm cơ sở triển khai thực hiện, cụ thể tại dự thảo Nghị định quy định các nội dung về điều kiện để được công nhận doanh nghiệp ưu tiên, hồ sơ, thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, thủ tục công nhận doanh nghiệp ưu tiên của cơ quan quản lý nhà nước được giao công nhận doanh nghiệp ưu tiên, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện việc công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Theo Tờ trình của Chính phủ trước UBTVQH, mục đích việc xây dựng dự thảo Nghị định là thực hiện các chỉ đạo về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ dần đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4 theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP. Tăng cường quản lý rủi ro trong các khâu nghiệp vụ hải quan; đảm bảo rõ ràng, cụ thể, minh bạch trong từng nội dung quy định, thống nhất thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam cũng như hàng hóa quá cảnh từ Việt Nam quá cảnh qua các nước trong ASEAN. Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung và tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực hải quan. Củng cố cơ sở pháp lý về thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh ASEAN để đảm bảo quản lý về hải quan, tăng cường hoạt động phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là xây dựng quy định đảm bảo các nội dung tại Nghị định thư, các phụ lục kỹ thuật của Nghị định thư và nội luật hoá các nội dung quy định tại Nghị định thư cũng như các phụ lục kỹ thuật để đảm bảo phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam. Quy định tại dự thảo Nghị định đảm bảo nguyên tắc đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động quá cảnh hàng hoá. Tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành Nghị định theo đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã thực hiện các trình tự, thủ tục xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu tại Phiên họp, UBTVQH đã tham gia thảo luận nêu ý kiến đóng góp về các vấn đề quy định về bảo lãnh tại dự thảo Nghị định là để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực thi Hiệp định trong phạm vi các nước tham gia Nghị định thư 7, theo đó để được thực hiện quá cảnh hàng hóa theo Nghị định thư thì hàng hóa phải được đặt dưới chế độ bảo lãnh, đặt cọc tiền thuế. Nội dung này là quy định mới so với pháp luật hiện hành, do vậy tại dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến bảo lãnh thuế đối với hàng hóa quá cảnh, tổ chức bảo lãnh, cơ chế hỗ trợ trong việc thu hồi nợ thuế, các tình huống phát sinh/bất khả kháng, cơ chế xử lý vì pháp luật về thuế hiện hành đang quy định hàng hóa quá cảnh thuộc đối tượng không chịu thuế.
Về việc áp dụng doanh nghiệp ưu tiên trong hoạt động quá cảnh hàng hóa: Theo quy định của Luật Hải quan và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP thì chế độ doanh nghiệp ưu tiên chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, chưa quy định đối với doanh nghiệp thực quá cảnh hàng hóa. Để phù hợp với Nghị định thư 7 mà Việt Nam đã ký kết, phê duyệt, tại dự thảo Nghị định đã quy định nội dung liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên cụ thể: quy định về điều kiện, quy định việc công nhận, thu hồi, đình chỉ cũng như các nội dung được ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan để làm cơ sở triển khai thực hiện (các nội dung ưu tiên tương tự như đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa). Việc bổ sung doanh nghiệp ưu tiên quá cảnh đảm bảo phù hợp với Phần 4 Phụ lục kỹ thuật của Hiệp định.
Làm rõ thêm những ý kiến UBTVQH nêu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Bộ Tài chính tiếp thu 23 ý kiến của UBTVQH và Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Việc thủ tục Hải quan Việt Nam rất quan trọng, nên nhiều năm qua ngành hải quan đã cải cách thủ tục hải quan tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; cải cách thủ tục hải quan chuyên ngành, hiện đại hóa hải quan. Hải quan điện tử đã giám sát chặt chẽ cán bộ hải quan tại các cửa khẩu trên cả nước khi làm thủ tục hải quan. Vấn đề hiện đại hóa cũng đã góp phần làm tốt công tác hậu kiểm…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: UBTVQH nhất trí sự cần thiết Chính phủ ban hành Nghị định. Nghị định ban hành phải đảm bảo nguyên tắc “nội lực hóa” khi thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan và không áp dụng toàn bộ Nghị định thứ 7 để bảo đảm lợi ích của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Đề nghị Chính phủ rà soát lại Nghị định, TVQH nhất trí trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Pháp luật đã đóng góp, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước. Khi Chính phủ ban hành Nghị định phải bảo đảm đúng nguyên tắc. Cần làm thí điểm, nhưng với bước đi thận trọng, rút kinh nghiệm để triển khai. Thời gian thực hiện Nghị định thư 7, Chính phủ xác định thời điểm để ban hành. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực hải quan, tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lâu, gian lận thương mại…