Tiến triển mới trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã thăm và làm việc tại Hàn Quốc theo lời mời của Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Han Duck Soo và Phu nhân. Là lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam thăm Hàn Quốc kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt, trọng thị và chu đáo từ phía bạn.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ có lịch trình hoạt động dày đặc, với 34 hoạt động. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm, hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Shik.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên cho rằng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Cùng với lòng tin chính trị được tăng cường, đến nay, Hàn Quốc tiếp tục là đối tác số 1 về đầu tư trực tiếp, du lịch, số 2 về hợp tác phát triển (ODA), số 3 về lao động, thương mại của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc trong ASEAN. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ, triển khai các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, thực hiện hiệu quả “Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc”; sớm hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, lãnh đạo hai nước thống nhất ra Thông cáo báo chí chung sau hội đàm với 8 nội dung lớn, nêu những tiến triển trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc và các nội dung hợp tác cụ thể, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc hiệu quả về chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, công nghệ, văn hóa, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân và các lĩnh vực hợp tác mới.
Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Hàn Quốc có ý nghĩa quan trọng, với chương trình phong phú, nội dung sâu rộng và đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, tiếp tục triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 34-NQ/TW của Bộ Chính trị và cụ thể hóa Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc.
Các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Trong tuần qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã đi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Từ ngày 1- 3/7 tại các tỉnh, thành phố: Hậu Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác của Quốc hội đã tiếp xúc cử tri các địa phương và thăm hỏi các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, tặng nhà đại đoàn kết...
Sau khi báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện tốt chính sách về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, bảo đảm chi trả kịp thời, không để xảy ra tình trạng tăng lương, tăng giá các mặt hàng; thông báo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) - tuyến cao tốc trọng điểm, tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ...
Ngày 2/7, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri tại Thành phố Hưng Yên, thông báo về kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và lắng nghe, giải đáp kiến nghị của cử tri. Cử tri TP Hưng Yên chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ cương vị mới; nhất trí đánh giá cao kết quả và nội dung của chương trình kỳ họp, nhất là công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời, kiến nghị Quốc hội tháo gỡ chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn, bất cập trong việc thành lập văn phòng công chứng, sớm ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên, gỡ vướng tiếp cận thông tin quy hoạch xây dựng… Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, các ý kiến góp ý của cử tri sâu sắc, đề cập đến những vấn đề quốc kế dân sinh, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội và góp phần hoàn thiện các dự luật liên quan tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Cũng trong tuần, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã tiếp xúc cử tri tại tỉnh Tây Ninh. Cử tri tỉnh Tây Ninh đánh giá cao hiệu quả hoạt động chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, kiến nghị đến Đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề thời sự như quyền lợi người đóng bảo hiểm y tế, phòng chống tội phạm an ninh mạng, cải cách tiền lương... Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, những ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổng hợp gửi đến các bộ, ngành để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và có câu trả lời thỏa đáng trong thời gian sớm nhất.
Tăng lương cơ sở lên mức 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024
Từ ngày 1/7, Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực thi hành.
Nghị định quy định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng áp dụng đối với người hưởng lương, phụ cấp và chế độ tiền thưởng đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập. Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công, sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới và thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27, tăng tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%, đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng thêm là 913.300 tỷ đồng, với số tiền này, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện.
Tại họp báo Chính phủ chiều 6/7, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, ngay trong kỳ lương tháng 7/2024, các trường hợp thụ hưởng các quy định liên quan đến việc tăng lương cơ sở, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp đã được ban hành có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ được nhận mức lương mới. Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, các đơn vị, người hưởng lương, phụ cấp được áp dụng mức lương cơ sở, cũng như cán bộ công chức sẽ được chi trả tiền lương, phụ cấp ngay từ ngày 1/7. Nội dung này đã được Chính phủ giao cụ thể cho các bộ, ngành. Đối với các nhóm đối tượng được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP, trong đó có quy định việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng tăng 15% theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban thường vụ Quốc hội, áp dụng từ ngày 1/7.
Giao dịch ngân hàng phải xác thực sinh trắc học để bảo mật
Trong tuần qua, vấn đề giao dịch ngân hàng phải xác nhận sinh trắc học thu hút sự quan tâm của người dân.
Từ ngày 1/7, khách hàng cá nhân khi giao dịch hơn 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày hơn 20 triệu đồng buộc phải xác nhận sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay, với dữ liệu được đồng bộ giữa tài khoản ngân hàng và căn cước công dân gắn chip. Và trong khoảng thời gian này, nhiều ứng dụng ngân hàng đã liên tục thông báo cho người dùng xác thực sinh trắc học.
Nếu như 2 ngày đầu tháng 7/2024, nhiều người dân gặp trục trặc khi áp dụng xác thực sinh trắc học để chuyển khoản của các ngân hàng, thì từ ngày 3/7, các giao dịch thực hiện sinh trắc học đã thông suốt dưới sự tư vấn của các nhân viên ngân hàng. Ngoài cách hướng dẫn qua đường dây nóng, đã có nhiều chi nhánh của các ngân hàng thành lập các Tổ lưu động để hỗ trợ khách hàng.
Thông kê của Ngân hàng Nhà nước từ ngày 1-4/7, sau 3 ngày thực hiện sinh trắc học tài khoản ngân hàng, đã có 16,6 triệu tài khoản được được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an. Con số này bằng cả một năm ngành Ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng.
Xác thực sinh trắc học là thêm một lớp bảo vệ, ngân hàng không bỏ một bước bảo mật nào, nên chỉ an toàn hơn cho khách hàng. Hiện nay, tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và công nghệ bảo mật thông tin, giao dịch qua ngân hàng phải không ngừng nâng cao để bảo vệ tài sản khách hàng tốt hơn.
Hà Nội công bố điểm chuẩn thi lớp 10
Tuần qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập và THPT chuyên năm học 2024-2025.
Các trường THPT có điểm chuẩn cao nhất là 42,5 điểm, gồm các trường Yên Hòa, Lê Quý Đôn - Hà Đông, Chu Văn An, Thăng Long... Các trường THPT có mức điểm chuẩn từ 38,5 đến 40,25 điểm là Xuân Đỉnh, Cầu Giấy, Lê Quý Đôn - Đống Đa, Trần Nhân Tông, Trần Phú - Hoàn Kiếm, Mỹ Đình (39,5); Quang Trung - Hà Đông...
Điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 THPT chuyên năm học 2024 – 2025 cao nhất thành phố thuộc về hai lớp chuyên của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là chuyên Toán với 42,25 điểm và chuyên Vật lý với 41,75 điểm; tiếp theo là chuyên Tin học 41 điểm, tiếng Anh 40,75 điểm... Điểm chuyên theo thứ tự từ cao xuống thấp của Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ môn Toán 39 điểm, Tin học và Vật lý 37,5 điểm, tiếng Anh 37,25 điểm...
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường THPT công lập và THPT chuyên căn cứ vào điểm chuẩn trúng tuyển để tổ chức tiếp nhận học sinh theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng hướng dẫn tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo.