Nhân ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4

Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn

Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình: Rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng và tuyên truyền giáo dục phòng tránh tai nạn thương tích do bom mìn. Khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ là nhiệm vụ được các bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.


Những tai nạn thương tâm


Sau các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trên đất nước ta còn sót lại rất nhiều bom mìn (BM) do quân đội nước ngoài mang đến tàn phá. Số lượng ước đến hàng trăm ngàn tấn, rải rác trên khắp lãnh thổ. Bom mìn sót lại làm ô nhiễm hàng triệu ha đất đai khiến nhiều người bị chết và bị thương, trong số đó đa phần là trẻ em và người lao động chính trong gia đình. BM sót lại sau chiến tranh gây cho người dân cảm giác bất an khi canh tác trên đất đai còn ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi chất nổ, chất cháy, chất độc hại. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ sau chiến tranh đến năm 2000, cả nước đã có 100.000 người chết và bị thương do BM.

Cán bộ, chiến sĩ công binh Công ty Trường An (Bộ tổng Tham mưu) rà phá bom mìn tại xã Hòa Phước và Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).


Ở các tỉnh miền Trung nói riêng, cả nước nói chung, các vụ trẻ em bị tai nạn, chết do BM, vật nổ là điều không hiếm gặp. Trường hợp của em Hồ Văn Lai, thôn Long Hà, xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (Quảng Trị) là một ví dụ. Nhìn Lai ngồi trên chiếc xe lăn bất động với đôi mắt bị mù, khuôn mặt đầy sẹo, hai chân bị cụt, mất cánh tay phải, bàn tay trái chỉ còn 4 ngón và vô số những vết sẹo trên tấm thân nhỏ bé, thật xót xa. Tai nạn thương tâm xảy ra với Lai vào buổi sáng 20/7/2000, lúc Lai cùng ba em nhỏ dắt nhau lên cồn cát sau nhà chơi. Một quả mìn bị gió thổi bay cát lộ ra, cả bốn đứa trẻ ào đến. Không biết đấy là mìn, chúng thi nhau đùa nghịch và món "đồ chơi" ấy đã phát nổ. Hai em nhỏ chết tại chỗ, còn Lai (lúc đó 11 tuổi) và một cậu bé khác bị thương nặng. Hơn nửa năm nằm viện, Lai về nhà với thân hình tàn phế, không thể đến trường được nữa. Nhà ở gần trường, ngày ngày nghe bạn bè ríu rít ngoài ngõ, nghe tiếng trống trường vọng lại, Lai nằm quay mặt vào tường khóc. Anh Hạnh, bố của Lai cho biết: “Những lúc ấy, lòng tôi đau như dao cắt. Ước mơ sẽ trở thành thầy giáo về dạy cho học trò làng biển của Hồ Văn Lai đã không bao giờ trở thành hiện thực”.


Không riêng gì Hồ Văn Lai, hàng nghìn trường hợp bị tai nạn BM khác, trường hợp nào cũng thương tâm. Em Lê Văn Hồng, sinh năm 1994 ở thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng vậy. Vào một buổi chiều năm 2005, khi ra chơi trước bãi đất hoang gần nhà, vô tình Hồng nhặt được một “cục sắt” tròn trĩnh đã rỉ sét. Hiếu kỳ và thích thú với “chiến lợi phẩm”, em mang ra nghịch và dùng đá đập, quả đạn nổ khiến em ngất lịm. Khi tỉnh lại, Hồng thấy mình đang nằm trong bệnh viện với bàn tay trái đã mất, cơ thể băng bó nhiều vết thương. Lê Văn Hồng cho biết: “Vùng đất quê em bom đạn còn sót lại sau chiến tranh rất nhiều. Bố mất khi em mới lên 4 tuổi, gia đình có 4 anh, chị em ăn học bây giờ chỉ trông vào mấy sào ruộng, mẹ thì già yếu nên kinh tế gia đình rất khó khăn”. Hiện nay Hồng đang là sinh viên Khoa Hội họa, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên - Huế. Do có năng khiếu hội họa từ nhỏ nên em rất đam mê vẽ. “Nghịch dại nên tai họa này em phải gánh chịu, em ân hận lắm. Em mong sao các bạn trẻ tỉnh táo khi gặp BM vật nổ sót lại sau chiến tranh, hãy báo cho các cơ quan chức năng để tránh gây ra những tai nạn đáng tiếc như em” - Hồng chia sẻ.


Còn rất nhiều hoàn cảnh khác nữa mà chúng tôi được biết về những tai nạn thương tâm do BM vật nổ gây ra. Có những vụ nổ cùng lúc cướp đi nhiều mạng sống của các em thơ vô tội.


Quan tâm đến công tác rà phá


Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm khắc phục hậu quả BM sót lại sau chiến tranh. Đã có nhiều chiến dịch thu gom, tiêu hủy hàng triệu tấn BM các loại nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân được tiến hành, "giải phóng" hàng triệu ha đất đai đưa vào sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong công tác này, có vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ Quốc phòng và các bộ, ban ngành có liên quan cùng các địa phương.

Phát biểu tại Chương trình giao lưu “Khắc phục hậu quả BM vì bình yên cuộc sống” tổ chức tại Đài Tiếng nói Việt Nam tối 31/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh với những hậu quả nặng nề. Hơn 37 năm đất nước sống trong hòa bình nhưng hậu quả chiến tranh vẫn còn dai dẳng. Hiện còn trên 20% diện tích đất đai toàn quốc bị ô nhiễm bom mìn với hơn 100.000 người chết và bị thương từ sau chiến tranh đến nay, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.


Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, hàng năm đã chi hàng nghìn tỷ đồng để tổ chức rà phá và hỗ trợ nạn nhân BM tái hòa nhập xã hội. Tích cực thông tin tuyên truyền để nhân dân (nhất là đồng bào ở vùng ô nhiễm nặng về BM) chủ động phòng tránh giảm thiệt hại, đồng thời làm cho quốc tế rõ hơn về thực trạng, hậu quả và công tác khắc phục hậu quả BM sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam với sự nỗ lực vượt bậc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân, các bộ ngành, địa phương, của toàn xã hội cùng với sự hợp tác giúp đỡ quý báu của cộng đồng quốc tế, công tác khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh đã đạt được kết quả quan trọng. Nhiều vùng “đất chết” do bom đạn chiến tranh nay đã “hồi sinh” tươi cành, xanh lá. Tuy nhiên do số lượng BM, đạn dược sót lại rất lớn, rải rác trên diện rộng, đến nay đất đai bị ô nhiễm vẫn còn khoảng 20% diện tích cả nước, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và phát triển bền vững.


Một trong những công việc thầm lặng mà cán bộ chiến sĩ công binh đã và đang làm suốt thời gian qua là dò gỡ, phá hủy BM sót lại sau chiến tranh, góp phần làm xanh lại những vùng đất chết. Thiếu tướng Phạm Quang Xuân, Tư lệnh Binh chủng Công binh cho biết: Hoạt động khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh đã và đang được Chính phủ, quân đội, nhân dân tích cực triển khai. Đặc biệt là những đóng góp tích cực của bộ đội công binh, của lực lượng vũ trang đã dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để giữ bình yên cho nhân dân.


Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phạm Thị Hải Chuyền, cho biết: Công tác tuyên truyền vận động hỗ trợ của quốc tế đã và đang được Chính phủ rất quan tâm. Nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ, tài trợ cho công tác khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh ở Việt Nam. Nhìn chung, kết quả thực hiện đến nay được đánh giá là rất khả quan nhưng do thực trạng ô nhiễm BM sau chiến tranh ở nước ta còn rất nặng nề trên diện tích rất lớn. Tai nạn BM còn nhiều, nhận thức của nhân dân về phòng tránh BM nhiều nơi còn chưa đầy đủ. Nguồn lực đầu tư cho công tác khắc phục hậu quả BM chưa đáp ứng yêu cầu. Để rà phá, làm sạch hết BM vật nổ cần kinh phí hàng chục tỷ đô la Mỹ với thời gian nhiều năm nữa nhưng chưa thu hút được nhiều nguồn lực, hỗ trợ từ quốc tế. Vẫn còn nhiều nước chưa hiểu rõ và chưa quan tâm thiết thực đến tình hình ô nhiễm BM ở Việt Nam.

Cán bộ Cục Tuyên huấn (Tổng Cục chính trị) và Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng công binh) thăm và tặng quà cho nạn nhân bị tai nạn bom mìn ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị).


Làm gì để xử lý bom mìn hiệu quả

Làm gì để xử lý BM hiệu quả, giảm nguy hiểm cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ công binh hàng ngày, hàng giờ đối mặt với “thần chết” luôn là câu hỏi mà đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm công nghệ xử lý BM (Binh chủng Công binh) đau đáu trăn trở. Câu hỏi này luôn lặp đi, lặp lại trong anh khi chứng kiến những tai nạn, mất mát trong công tác xử lý BM. Anh Cảnh cho biết: “Thực tế làm nhiệm vụ xử lý tháo gỡ BM, chúng tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng. Điển hình như vụ một đồng chí phó chủ nhiệm kho quân khí của Tổng Cục kỹ thuật bị hy sinh do xử lý bom phốt pho bằng phương pháp thủ công. Thời gian đó, Trung tâm được giao nhiệm vụ xử lý bom đạn cấp 5 nhưng không có trạm xử lý, các chiến sĩ phải làm thủ công rất nguy hiểm. Tôi nghĩ, để bảo đảm an toàn cho họ, dứt khoát phải xây dựng trạm xử lý mang tính cơ giới hóa, xử lý an toàn được nhiều loại bom đạn”. Tuy nhiên, lúc đó nước ta chưa có một trạm xử lý bom đạn tập trung nào để làm mẫu. Dây chuyền trang bị xử lý cho một trạm xử lý của nước ngoài giá ít nhất cũng hàng chục triệu đô la, khó có kinh phí để mua. Trước tình hình đó, anh Cảnh cùng các cán bộ Trung tâm bàn bạc và quyết định mạnh dạn làm đề tài nghiên cứu. Sau nhiều đêm thức trắng, nhiều ngày nghiền ngẫm, thử nghiệm, cuối cùng đề tài “Nghiên cứu xác định công nghệ và mô hình tổ chức trạm xử lý BM, đạn dược ở Việt Nam” do anh làm chủ nhiệm được nghiệm thu và đánh giá cao. Đề tài nhanh chóng được triển khai xây dựng cả ở ba miền với chi phí rẻ gấp nhiều lần so với nhập ngoại, lại phù hợp với khả năng đầu tư và trang bị tự sản xuất trong nước.


Chung tay khắc phục


Với mục tiêu mong muốn Việt Nam trở thành quốc gia không còn tác động của BM, vật nổ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường bảo đảm an toàn cho nhân dân sống tại các khu vực ô nhiễm BM và hòa nhập hoàn toàn cho nạn nhân BM vào đời sống xã hội, năm 2010 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh, gọi tắt là (Chương trình 504). Mục tiêu của chương trình là huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của BM phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Chương trình 504 là cơ sở để huy động mạnh hơn các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả BM, tạo điều kiện để các nước, các tổ chức xem xét viện trợ nhân đạo và viện trợ phát triển góp phần làm cho cuộc sống của nhân dân bình yên hơn.


Nhằm triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình 504, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 504 nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án thiết lập Trung tâm dữ liệu khắc phục BM quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ thông qua các lớp học, các hội thảo và các chuyến tham quan trao đổi kinh nghiệm quản lý, điều hành, hội nhập quốc tế về khắc phục hậu quả BM tại một số nước. Cơ quan thường trực cũng sẽ chú trọng tới các kế hoạch xây dựng và trình duyệt chương trình nghiên cứu phát triển, triển khai thực hiện các dự án, đề tài và đề án huấn luyện chuyên môn kỹ thuật.


Để khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025, sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay Chương trình 504 đã tổ chức biên soạn xong dự thảo Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật khắc phục hậu quả BM. Tổ chức thực hiện dự án “Điều tra, lập bản đồ bom mìn toàn quốc” và đã hoàn thành việc điều tra, lập bản đồ bom mìn tại 49/63 tỉnh. Triển khai xây dựng đề án nâng cấp một số Trạm Y tế cấp xã và Trung tâm Y tế cấp khu vực theo mức độ ưu tiên...
Mục tiêu trong năm 2013 là khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo, trình ký ban hành Bộ tiêu chuẩn quốc gia về khắc phục hậu quả BM để tổ chức thực hiện. Theo đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án rà phá BM phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch. Tập trung hoàn thành dự án điều tra, khảo sát lập bản đồ ô nhiễm BM, vật nổ trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện các dự án giáo dục phòng tránh tai nạn BM cho nhân dân cũng như triển khai thực hiện dự án hỗ trợ nạn nhân BM tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là ở các tỉnh bị ô nhiễm nặng và xảy ra nhiều tai nạn BM, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 504 cho biết thêm.


Bài và ảnh: V.Tôn

Khai mạc triển lãm ảnh về khắc phục hậu quả bom mìn
Khai mạc triển lãm ảnh về khắc phục hậu quả bom mìn

Khai mạc triển lãm ảnh: “Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vì cuộc sống bình yên”, đây là một trong những hoạt động hướng tới "Ngày thế giới phòng chống bom mìn" (4/4).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN