Ninh Bình, Hưng Yên chủ động phương án phòng chống bão số 3

Tối 18/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Trung ương đã kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 3 tại Ninh Bình.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Ninh Bình. Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, đặc biệt là việc triển khai các phương án ứng phó với cơn bão số 3 trong những ngày vừa qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Bình phải cập nhật thông tin, theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão để triển khai những phương án phù hợp; đặc biệt phải đề phòng và ứng phó với hoàn lưu bão; kết hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội của Quân đoàn I, Quân khu III và các đơn vị tại địa phương để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra.

Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác tình hình thực hiện công tác phòng chống bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã ban hành 2 Công điện để chỉ đạo các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân tập trung phòng, chống bão, lũ; đồng thời ra thông báo phân công nhiệm vụ cho các cấp, các ngành đảm bảo tuyệt đối cho người và tài sản của nhân dân, chủ động phương án đối phó bão, không để xảy ra bất ngờ. Chủ tịch UBND tỉnh phân công 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 trên địa bàn. Tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú tránh, tổ chức sắp xếp tàu thuyền ở nơi neo đậu an toàn. Tính đến 20 giờ ngày 18/8, về cơ bản tỉnh Ninh Bình đã kêu gọi toàn bộ 126 tàu, thuyền/374 thuyền viên vào nơi tránh trú bão an toàn; 182 lều/366 lao động khai thác, nuôi, trồng thủy, hải sản ở bãi bồi ven biển đã hoàn thành di dời. Công ty khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 87 máy/39 trạm, 82 cống dưới đê, 11 công tiêu nước trong hồ. Hiện đã cơ bản tiêu kiệt nước đệm trong đồng và hệ thống kênh mương; thực hiện hạ mực nước các hồ xuống dưới ngưỡng tràn theo phương án.

Để ứng phó với bão số 3, tỉnh Ninh Bình yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương và các tầng lớp nhân dân tập trung chống bão; 100% các cơ quan, đơn vị thường trực 24/24 giờ để phòng, chống bão; 100% các đồng chí thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trực tiếp xuống địa bàn phụ trách, đặc biệt là các địa phương có điểm xung yếu như: Đê biển Kim Sơn, chống lũ, ngập úng tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, thành phố Tam Điệp...; tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được duyệt; các cấp, các ngành hữu quan kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang, đò dọc, tạm ngừng hoạt động các tuyến đò kể từ 7 giờ ngày 19/8 đến khi bão tan; tiến hành chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, nhà dân, cắt tỉa cây... bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước và nhân dân; đề phòng mưa lớn.

* Đài khí tượng thủy văn Hưng Yên dự báo, từ ngày 19/8 ở Hưng Yên gió sẽ mạnh dần lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Để chủ động phòng chống bão số 3, ngày 18/8 UBND tỉnh Hưng Yên đã ra công điện khẩn chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai các công việc cần thiết, tránh các thiệt hại về người và tài sản.

Tỉnh đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin về cơn bão số 3, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động biện pháp phòng tránh, nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện cứu nạn cứu hộ khi cần thiết.

Đối với sản xuất, các địa phương chủ động phương án bảo vệ lúa, các loại hoa màu cây ăn quả. Tại thành phố Hưng Yên và các huyện Kim Động, Tiên Lữ, Khoái Châu hướng dẫn nông dân chằng chống cho toàn bộ diện tích chuối, hạn chế đổ, gãy; tranh thủ thu hoạch các diện tích nhãn và các loại cây ăn quả đã chín. Các huyện Ân Thi, Phù Cừ, Văn Giang nông dân đã tôn cao bờ bao khu nuôi trồng thủy sản, neo giữ lồng bè cá không xảy ra sự cố lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án phòng chống lũ lớn trên 2 tuyến đê sống Hồng, sông Luộc và trên hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời, tích cực kiểm tra kênh mương, khơi thông dòng chảy; tranh thủ gạn tháo để tiêu thoát nước đạt hiệu quả khi có mưa bão xảy ra. Chuẩn bị các loại vật tư, phương tiện, máy bơm điện, bơm dầu, nhân lực để sẵn sàng bơm nước tiêu úng.

Hiện, Công ty Điện lực Hưng Yên đang tập trung kiểm tra và có phương án cấp điện cho tất cả các trạm bơm tiêu. Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh sẵn sàng các phương án để tiêu thoát nước cho khu đô thị, thị trấn, các vùng trũng, thấp khi mưa bão lớn. Công ty TNHH Một thành viên Môi trường và Công trình đô thị thành phố Hưng Yên chủ động bảo vệ công trình, cây xanh đô thị, đặc biệt các vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến đường điện, cáp quang, giao thông và khu vực dân cư.

Mai Ngoan (TTXVN)
Mưa bão gây ngập, đổ cây trên các phố Hà Nội
Mưa bão gây ngập, đổ cây trên các phố Hà Nội

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khoảng 18 giờ 30 tại địa bàn Hà Nội đã xuất hiện mưa lớn, kèm theo gió giật, khiến một số tuyến phố ngập, cây đổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN