Những sứ giả hòa bình

Tối 8/4, máy bay chở đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, Hà Nội, khép lại hành trình thực hiện sứ mệnh quốc tế tại nước bạn Myanmar, quốc gia Đông Nam Á vừa hứng chịu thảm họa động đất độ lớn 7,7.

Chú thích ảnh
Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an đón lực lượng cứu hộ, cứu nạn hoàn thành nhiệm vụ tại Myanmar trở về. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Suốt 10 ngày làm nhiệm vụ không ngừng nghỉ, những chiến sĩ Việt Nam đã phối hợp hiệu quả với các lực lượng nước ngoài, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế và ý thức trách nhiệm cao cả, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người dân vùng thiên tai và bạn bè quốc tế về hình ảnh của những "sứ giả hòa bình" mang sắc cờ đỏ sao vàng thiêng liêng.

Là một trong những quốc gia cử lực lượng cứu hộ tới Myanmar sớm nhất sau thảm họa, lực lượng cứu hộ của Việt Nam gồm 106 người, trong đó đoàn Bộ Quốc phòng có 80 người và đoàn Bộ Công an 26 người, đem theo nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men cùng 300.000 USD hỗ trợ nước bạn. Đặt chân xuống sân bay Yangon ngày 30/3, đoàn ngay lập tức di chuyển hàng trăm cây số đến thủ đô Nay Pyi Taw, rồi từ thủ đô đến vùng thảm họa.

Giữa ngổn ngang đổ nát, nguy cơ đổ sập luôn hiện hữu khi mặt đất vẫn còn rung lắc do dư chấn, các chiến sĩ bộ đội và công an Việt Nam khẩn trương tìm kiếm với tinh thần “tìm nạn nhân như thể đó chính là người thân của mình” - như lời của Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), Trưởng đoàn cứu hộ Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cái nắng nóng hơn 40 độ C, môi trường ô nhiễm do các tử thi bị phân hủy nặng hoặc bị ngập sâu trong nước, rồi rào cản ngôn ngữ hay khó khăn trong điều kiện sinh hoạt - những thách thức ngoại cảnh đó không làm chùn bước các chiến sĩ, trái lại càng thôi thúc họ chạy đua với thời gian để giành giật cơ hội sống cho nhiều người nhất có thể. Đại tá Phạm Tân Phong, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, khẳng định: “Chúng tôi đến đây chỉ có một mục đích giúp đỡ nhân dân Myanmar vượt qua khó khăn thử thách”.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Bộ Công an chụp ảnh chung với Đoàn công tác tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ Bộ Công an hoàn thành nhiệm vụ trở về từ Myanmar. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Chứng kiến các thành viên đoàn Việt Nam đã không quản ngại nguy hiểm, làm việc từ sáng sớm đến tối muộn ở những địa điểm rất khó khăn, phức tạp, Thiếu tướng Myat Thu, Cục trưởng Cục Cứu hỏa, Cứu hộ cứu nạn (Bộ Nội vụ Myanmar) đã cảm phục chia sẻ “tinh thần của đoàn cứu hộ của Việt Nam thật tuyệt vời”. Cùng phối hợp với đội cứu hộ Việt Nam, Đại úy Yar Zar thuộc Cục Phòng cháy chữa cháy, Bộ Nội vụ Myanmar thì vô cùng cảm động khi thấy các chiến sĩ đoàn Việt Nam đã kiểm tra cẩn thận từng ngóc ngách đống đổ nát để tìm các nạn nhân và nỗ lực đưa họ ra dù còn sống hay không.

Không chỉ có tinh thần quả cảm, xả thân cứu người, đoàn cứu hộ Việt Nam cũng được các đồng nghiệp Myanmar và quốc tế trân trọng và đánh giá cao về sự chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn, lòng dũng cảm, sự thông minh, sáng tạo, đặc biệt là các trường hợp khó mà nước sở tại và một số đội cứu hộ nước ngoài không thể thực hiện được.

Có cơ hội làm việc với đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam tìm kiếm cứu hộ tại bệnh viện Ottara Thiri ở Nay Pyi Taw, Trung tá Ahmed K.Al Mahri thuộc Lực lượng Phòng thủ dân sự của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đánh giá lực lượng cứu hộ của Việt Nam "rất tốt, nhiệt tình và chuyên nghiệp".  Trong khi đó, Đại uý Yar Zar đánh giá cao sự mưu trí, sáng tạo và linh hoạt của các người lính công binh Việt Nam khi đưa ra nhiều phương án xử trí tình huống, trong điều kiện không có máy móc lớn hoặc không thể sử dụng máy móc.

Những “mẹo nhỏ” đúc kết từ kinh nghiệm cứu nạn của lực lượng Việt Nam cũng được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao, như sử dụng những chai nước uống dở đặt ngược ở nhiều nơi để kịp thời phát hiện rung chấn, hay dùng kìm thủy lực có thể phá vỡ các mảng, khối bê tông lớn nhưng gần như không gây rung lắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ tiếp cận hiện trường để giải cứu nạn nhân trong khi giảm thiếu tối đa nguy cơ sập đổ thứ cấp.

Chú thích ảnh
Đội công binh của đoàn QĐND Việt Nam và lực lượng cứu hộ của Myanmar, UAE đục bê tông để mở lối xuống tiếp cận vị trí các nạn nhân bị vùi lấp. Ảnh: TTXVN phát

Sự quyết tâm, tinh thần xả thân cứu người của các chiến sĩ Việt Nam đã góp phần làm nên những phép màu. Trong lễ tri ân các đoàn cứu trợ quốc tế đến từ 5 quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines, ngày 6/4, Bộ Phúc lợi xã hội, cứu trợ và tái định cư Myanmar cho biết các đội tìm kiếm đã giải cứu được 8 người còn sống và tìm thấy thi thể của 172 nạn nhân thiệt mạng tại những nơi bị ảnh hưởng như Nay Pyi Taw, Mandalay và Sagaing. Trong số này, đoàn Việt Nam là đoàn tìm thấy nhiều thi thể nạn nhân nhất.

Sử dụng chó nghiệp vụ và các thiết bị chuyên dụng để phát hiện các nạn nhân bị mắc kẹt, đoàn cứu hộ của Bộ Quốc phòng đã trực tiếp đưa 21 thi thể ra khỏi đống đổ nát, trong khi đoàn Bộ Công an cũng trực tiếp đưa được 7 thi thể ra ngoài, đồng thời phối hợp với các đồng nghiệp quốc tế đưa ra ngoài được 7 thi thể khác.

Đặc biệt, đội cứu hộ cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nên kỳ tích khi giải cứu thành công anh Htet Maung Maung, 26 tuổi, nạn nhân sống sót sau 1 tuần mắc kẹt dưới đống đổ nát, tại thủ đô Nay Pyi Taw. Trong nhiệm vụ này, những người lính Công binh Việt Nam đã trực tiếp đảm nhiệm các phần việc khó khăn nhất đó là giải tỏa những vật cản để lực lượng quân y sớm cứu thoát nạn nhân. Thượng úy Đào Văn Long thuộc Đội Công binh cứu sập, Lữ đoàn 229, Binh chủng Công binh, là người trực tiếp tiếp cận khu vực sạt lở, dùng đôi tay của mình và những dụng cụ thô sơ đào bới lớp đất đá cứng và nặng, mở đường tiếp cận nạn nhân trong tình huống vô cùng nguy hiểm.

Khoảnh khắc đầu tiên khi bàn tay anh chạm vào bàn tay nạn nhân còn ấm nóng không chỉ giúp người bị nạn ổn định tinh thần trong những giây phút giải cứu “nghìn cân treo sợi tóc” mà còn tiếp theo hy vọng cho rất nhiều người đang xả thân tìm kiếm. Trong suốt quá trình giải cứu, Đại tá Đào Văn Duy -Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Myanmar - đã liên tục động viên, trấn an tinh thần nạn nhân, giúp anh giữ vững niềm tin vào sự sống.

Đoàn Việt Nam cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa nhất trong số các đoàn cứu hộ nước ngoài đến thủ đô Nay Pyi Taw. Đoàn đã cung cấp hàng chục tấn lương khô và nhiều vật tư y tế, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho hơn hàng trăm lượt người dân địa phương, dựng lều bạt để làm nơi tạm trú cho những người mất nhà cửa, tiến hành các hoạt động khử khuẩn, chống muỗi trên diện tích 5.000 m² khu vực dân cư bị ảnh hưởng. Đoàn cũng tổ chức thành công 5 hoạt động dân vận, chia sẻ, hỗ trợ tài chính cho 6 gia đình nạn nhân thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Cán bộ chiến sĩ trong Đoàn công tác Bộ Công an quyên góp tiền trao tặng đến các trường hợp người dân Myanmar gặp khó khăn. Ảnh: TTXVN phát

Những ngày làm việc khẩn trương tại các khu vực bị tàn phá bởi động đất ở Myanmar đã để lại những ấn tượng sâu sắc về vai trò, tinh thần trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của lực lượng cứu hộ Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo quốc tế.  Ở các khu vực đoàn cứu hộ Việt Nam đi qua hoặc triển khai tìm kiếm nạn nhân, các cán bộ chiến sĩ luôn được người dân địa phương chào đón, hỗ trợ nước uống, kèm theo đó là những lời cảm ơn chân thành, sâu sắc, xuất phát từ đáy lòng của họ. Bà Daw Maw Maw, một người dân Myanmar, chia sẻ: "Chúng tôi vừa trải qua thảm họa động đất, nhưng những ngày qua, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tận tình từ đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam. Họ đã mang đến cho chúng tôi thuốc men và thực phẩm”.

Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an, Trưởng đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam cho biết cho biết đoàn cứu hộ Việt Nam có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các đoàn cứu nạn, cứu hộ quốc tế và nhận được sự tôn trọng cao từ các nước bạn như Singapore, Indonesia, Philippines, Myanmar… Ông cũng chia sẻ cảm nhận sâu sắc được tình cảm mà người dân địa phương dành cho đoàn Việt Nam và rằng “Họ nhận xét rằng đội quân cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam thực sự là đội quân nhà Phật”.

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và hoạt động nhân đạo của lực lượng cứu hộ Việt Nam không chỉ có ý nghĩa sâu sắc trong quan hệ Việt Nam - Myanmar, qua đó chia sẻ và giúp nhân dân nước bạn vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay, mà còn góp phần lan tỏa tinh thần quốc tế cao cả, truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc và phẩm chất người chiến sĩ Việt Nam. Những đóng góp đầy tình nghĩa của các "sứ giả hòa bình" Việt Nam không chỉ thắt chặt tình đoàn kết với Myanmar mà còn góp phần khẳng định vai trò của Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo quốc tế, tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

Phan An (TTXVN)
'Kỳ tích' cứu sống nạn nhân động đất tại Myanmar qua chia sẻ của Thiếu tá Quân đội 
'Kỳ tích' cứu sống nạn nhân động đất tại Myanmar qua chia sẻ của Thiếu tá Quân đội 

Tối 8/4, Đoàn cứu hộ cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam sang hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả thảm họa động đất đã hoàn thành nhiệm vụ, về nước an toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN