Đặc biệt, trong thời gian làm nhiệm vụ giúp đỡ tại nước bạn, Đoàn đã phối hợp với lực lượng cứu hộ của Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ cứu sống một nam thanh niên từ đống đổ nát, trong sự trân trọng của người dân địa phương và lực lượng cứu hộ của nước bạn.
Lực lượng cứu hộ của Việt Nam, Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ đưa nạn nhân ra xe cứu thương. Ảnh: Vũ Hùng/TTXVN phát
Là một trong ba nhà báo Quân đội tham gia Đoàn, Thiếu tá Nguyễn Nam Hùng, biên tập viên Phòng Thời sự Truyền hình (Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội) cũng là nhà báo duy nhất được tiếp cận hiện trường từ lúc chưa cứu được nạn nhân. Trở về từ Myanmar, anh đã chia sẻ về “kỳ tích” này với những đóng góp của đoàn Việt Nam cũng như những cảm xúc trong chuyến công tác đáng nhớ.
Khi Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam sang Myanmar, Đoàn đã ngay lập tức liên hệ phía nước bạn để đi khảo sát thực địa, xác định những vị trí còn có nạn nhân gặp nạn mắc kẹt và nỗ lực triển khai các biện pháp cứu hộ. Theo Thiếu tá Hùng, trong hai ngày tìm kiếm đầu tiên tại Myanmar (ngày 31/3 và 1/4), những thi thể đầu tiên đã được tìm thấy tại khu chung cư đổ nát. Những khu chung cư này là các tòa nhà 4 tầng ở gần nhau, với đặc điểm chung là đều bị sập toàn bộ tầng một. Do bị sức nặng các tầng trên đè ép xuống nên các nạn nhân đều bị ép xuống sàn tầng một, gây rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm.
Tiếp đó, từ ngày 2/4, đoàn Việt Nam triển khai tìm kiếm các nạn nhân tại bệnh viện tư nhân Ottara Thiri ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar theo yêu cầu trợ giúp từ phía nước sở tại. Tại đây, ngay sau khi tiếp nhận thông tin có dấu hiệu của nạn nhân còn sống sót ở một khách sạn sập đổ, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Trưởng đoàn công tác, lập tức chỉ đạo thành lập một mũi tinh nhuệ gồm đủ các thành phần lực lượng trong đoàn do Đại tá Đào Văn Duy, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Myanmar chỉ huy, di chuyển sang vị trí cách đó 20 km.
Là phóng viên duy nhất được cử đi theo mũi tinh nhuệ này, Thiếu tá Hùng kể: “Khi chúng tôi đến hiện trường thì đã có lực lượng cứu nạn của Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar đang phối hợp tìm kiếm. Đại tá Đào Văn Duy đã trực tiếp trao đổi với phía bạn bằng tiếng Myanmar, sau khi xác định đúng là có người còn sống, Đại tá Duy đề nghị bạn để cho một kíp tinh nhuệ của phía Việt Nam cùng phối hợp”.
Việc lực lượng của nước bạn đã triển khai và xác định được nạn nhân còn sống có thể coi là một kỳ tích, vì đã qua 5 ngày sau khi thảm hoạ xảy ra. Nhưng vị trí cứu nạn khó, phía Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar rất tin tưởng vào uy tín cũng như trình độ chuyên môn phía Việt Nam nên đã đồng ý cho ba quân nhân Việt Nam vào tiếp cận bên trong. “Lúc đó các nhà báo của Myanmar và quốc tế cùng người nhà nạn nhân đều phải đứng ở vòng ngoài, không được tiếp cận hiện trường”, Thiếu tá Hùng nhớ lại.
Kíp ba người của Việt Nam được ưu tiên vào sâu trong hiện trường gồm Đại tá Đào Văn Duy, một quân nhân thuộc lực lượng công binh và Thiếu tá Nguyễn Nam Hùng. “Quá trình thực hiện nhiệm vụ rất nhanh, vì đây là sự kiện mà cả đất nước, nhân dân Myanmar cũng như các lực lượng tham gia cứu hộ đều rất quan tâm, cho nên những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ mới được có mặt ở đó. Đại tá Đào Văn Duy là người trực tiếp cầm điện thoại giúp tôi thực hiện dẫn hiện trường một đúp ghi hình duy nhất nhưng đầy đủ nội dung. Ngay sau đó tôi rút ra ngoài để nhường chỗ cho một quân nhân khác vào xử lý tình huống”, Thiếu tá Hùng nói.
Bằng năng lực chuyên môn vững và tâm thế cứu giúp người dân Myanmar như cứu chính người thân của mình, những người lính Việt Nam cùng lực lượng cứu nạn Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar đã lập kỳ tích khi cứu sống người đàn ông 26 tuổi là bếp trưởng tại khách sạn Aye Chan Thar ở Naypyidaw bị chôn vùi gần một tuần dưới đống đổ nát.
Xác định đây là thông tin có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với đoàn cũng như sự mong đợi của nhân dân cả nước, sau khi rút ra ngoài, Thiếu tá Hùng xin xe di chuyển ra vị trí có sóng mạng. Tin tức được truyền về lập tức tạo hiệu ứng quan tâm của truyền thông trong nước.
“Sau khi thông tin ban đầu về điều kỳ diệu này được lan tỏa, tôi tiếp tục quay trở lại phối hợp và chờ đợi tin tốt của đoàn. Khoảng 30 phút sau, nạn nhân đã được cứu sống và được đưa ra khỏi hiện trường. Lúc đó, bằng mọi phương tiện ghi hình mang theo, tôi nhanh chóng ghi lại cảm xúc của các đội cứu hộ, cứu nạn, niềm vui sướng vỡ òa của gia đình nạn nhân và người dân Myanmar. Là người làm báo, được sống trong những phút giây đầy cảm xúc ấy sẽ là khoảnh khắc không thể nào quên với tôi”, Thiếu tá Nguyễn Nam Hùng chia sẻ.
“Bình yên là vô giá… Những kỳ tích như thế này không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng chúng ta luôn giữ niềm tin và hy vọng…”. Những chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Nam Hùng trên trang cá nhân cũng như những dòng nhật ký ghi lại hành trình anh cùng đồng đội làm nhiệm vụ cao cả tại nước bạn, cho thấy sự đồng cảm với nỗi đau, mất mát của nhân dân Myanmar… Hoàn thành nhiệm vụ trở về nước an toàn, những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã góp phần thể hiện tinh thần quốc tế, trách nhiệm, vị thế, uy tín và năng lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.