Những nét tương đồng thúc giúp đẩy quan hệ Việt Nam - Italy

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, tối 8/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Turin, Đại học Turin, Khoa Ngoại ngữ, Văn học, Văn hóa hiện đại cùng Viện nghiên cứu châu Á của Đại học Turin và Hội đồng Văn hóa kinh tế châu Á tổ chức Talk Show (chương trình trò chuyện) với chủ đề "Suy ngẫm về những điểm tương đồng giữa Việt Nam và Italy”.

Sự kiện được tổ chức tại Đại học Turin, với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng, các diễn giả uy tín thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn và bà con người Việt và những người bạn Italy yêu quý Việt Nam. 

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Giáo sư Ngôn ngữ học đại cương Antonio Romano chia sẻ kết quả nghiên cứu tại Talk Show. Ảnh: Trường Dụy/TTXVN

Mở đầu Talk Show, Tiến sĩ Sandra Scagliotti, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại thành phố Turin đã trao đổi về sự gắn kết văn hóa giữa hai quốc gia đã có 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác bất chấp khoảng cách địa lý. Sự tương đồng bắt đầu từ những nét kiến trúc quen thuộc kiểu Pháp của các tòa nhà, khu phố ở Turin và Thành phố Hồ Chí Minh, đến những thói quen ẩm thực như nước mắm của người Việt và món garum (sốt cá cơm muối) của người La mã từ thời cổ đại. Về mặt ngôn ngữ, Tiến sĩ Sandra đưa những câu tục ngữ, ca dao khá giống nhau trong tiếng Việt và tiếng Italy như “rượu vào lời ra”, “muốn ăn lúa tháng năm/xem trăng rằm tháng tám”, “ăn có nhai, nói có nghĩ”…Người Italy yêu quý hàng xóm, trong khi người Việt Nam có câu “mua láng giềng gần”. Người Italy thường xuyên mời hàng xóm sang mở tiệc, còn người Việt Nam gặp hàng xóm mời “vào ăn cơm”. 

Trong bài trình bày “Chào Ciao Italy”, nghệ sĩ cải lương Linh Huyền đã nêu bật sự giống nhau về nhiều mặt giữa văn hóa Việt Nam và Italy. Về ẩm thực, nếu Italy có các loại pasta, Việt Nam có bún, miến, phở. Nếu Italy có risotto thì Việt Nam có cháo. Nếu Italy có pizza, Việt Nam có bánh xèo. Nếu Italy có porchetta, Việt Nam có bánh mì heo quay. Nếu Italy có ravioli, Việt Nam có món nem nổi tiếng thế giới. Và tin vui cho người Việt Nam sống ở Italy khi xoài chất lượng cao của đảo Sicily có cùng hương vị ngọt ngào như xoài Hòa Lộc của Việt Nam. Còn về truyền thống văn hóa, trong một gia đình Việt Nam và Italy, người mẹ là người quan trọng và có ảnh hưởng, đảm đương mọi việc và thường có 3 thế hệ cùng chung sống trong một gia đình. Phong tục thờ Thần Bếp trong các ngôi nhà tại Pompeii giống phong tục thờ cúng ông Táo của người Việt. 

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ cải lương Linh Huyền phát biểu tại Talk Show. Ảnh: Trường Dụy/TTXVN

Theo nghệ sĩ Linh Huyền, khi bạn bè Việt Nam chào nhau, họ nói “Xin chào” và bắt tay, trong khi các bạn Italy cũng nói “Ciao Ciao” và bắt tay. Và rồi Chào và Ciao đã trở thành một từ “Chào Ciao”. Rồi cả những nét tương đồng trong âm nhạc, khiến những ca khúc, vở cải lương, tuồng, chèo của Việt Nam và opera của Italy đều đi vào lòng người. Nghệ sĩ Linh Huyền cũng chia sẻ ước mơ được mang lên sân khấu một vở opera do cả nghệ sĩ Italy và Việt Nam trình diễn, mỗi người hát bằng ngôn ngữ riêng của mình, giống như sự mở đầu cho một cái bắt tay mới giữa Italy và Việt Nam và một mối quan hệ sẽ tồn tại mãi mãi.

Chú thích ảnh
Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng tham dự Talk Show. Ảnh: Trường Dụy/TTXVN

Nhà thiết kế Maria Elena Di Terlizzi chia sẻ những trải nghiệm khi thiết kế những chiếc áo dài, biểu tượng vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, nhưng gắn với những nét đặc trưng nữ tính của phụ nữ phương Tây. Trong những bộ áo dài thiết kế theo phong cách Italy, bà Di Terlizzi muốn thể hiện tinh thần lạc quan của người Việt, tạo nên sự gắn kết giữa thế giới phương Đông và phương Tây, với những chất liệu quý như lụa, taffeta và organdie, tạo vẻ mềm mại và quyến rũ theo phong cách Italy. Hai chiếc áo dài được bà giới thiệu tại Talk Show có chất liệu hoàn toàn được sản xuất tại Italy, nhưng thiết kế áo dài truyền thống của Việt Nam, với bộ áo ren đen và vàng gợi nhớ màu xà cừ của chiếc xe bí ngô, tay áo rộng có nếp gấp gợi nhớ bánh xe có nan hoa; còn chiếc áo may bằng vải taffeta lụa sọc có đính đá ở cổ và tay áo vừa hiện đại vừa phong cách. Bà Di Terlizzi bày tỏ mong muốn tổ chức một buổi trình diễn áo dài trong thời gian tới để có thể quảng bá nhiều hơn những chiếc áo dài Việt Nam nhưng được thiết kế và sử dụng các loại vật liệu sản xuất tại Italy.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Talk Show. Ảnh: Trường Dụy/TTXVN

Tại Talk Show, bà Đào Liên Hương thuộc Dự án Ngoại giao Văn hóa và Xúc tiến Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu về Mỹ thuật Việt Nam bà bày tỏ mong muốn được học hỏi từ nền mỹ thuật đỉnh cao của Italy. Trong khi đó, Tiến sĩ Giáo sư Ngôn ngữ học đại cương Antonio Romano chia sẻ nghiên cứu về âm thanh và nhịp điệu của tiếng Việt. Còn Tiến sĩ Marzia Casolari, Giáo sư Lịch sử châu Á nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu châu Á và Việt Nam tại Đại học Turin.

Quan hệ Việt Nam và Italy đã phát triển tích cực, toàn diện và đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Hai quốc gia thuộc hai châu lục, có lịch sử phát triển văn hoá xã hội khác nhau, nhưng lại sở hữu nhiều điểm tương đồng khiến người Việt và người Italy cảm thấy gần gũi nhau. Chính những nét tương đồng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương tốt đẹp.

Dương Hoa - Trường Dụy - Thanh Hải (TTXVN)
Hội Sinh viên Việt Nam tại Italy: Đẩy mạnh truyền thống kết nối
Hội Sinh viên Việt Nam tại Italy: Đẩy mạnh truyền thống kết nối

Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam tại Italy (ASVI) lần thứ 2 nhiệm kỳ 2023 - 2025 đã được tổ chức tại thủ đô Rome chiều 4/11, với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của 37 đại biểu, đại diện cho khoảng 1.000 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại các vùng miền của Italy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN